Du lịch

Ngắm “nữ hoàng” linh trưởng trên đỉnh Sơn Trà

Đến bán đảo Sơn Trà, du khách không chỉ được ngắm nhìn voọc ngũ sắc có tên trong Sách đỏ và được ví là “nữ hoàng” linh trưởng, mà còn trải nghiệm du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, tâm linh, văn hóa...

Sinh hoạt của các gia đình voọc ngũ sắc ở Sơn Trà - Ảnh: Xuân Mai

Bỏ lại sự náo nhiệt, bụi bặm ở đô thị, chỉ cách trung tâm TP Đà Nẵng hơn 7km, không gian xanh mênh mông của núi rừng nguyên sinh với tiếng chim kêu vượn hú, tiếng sóng biển rì rào đêm ngày của bán đảo Sơn Trà như muốn níu chân lữ khách.

Đặc biệt, đến bán đảo Sơn Trà, du khách không chỉ được ngắm nhìn voọc ngũ sắc (voọc chà vá chân nâu) có tên trong Sách đỏ và được ví là “nữ hoàng” linh trưởng, mà còn trải nghiệm du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, tâm linh, văn hóa...

Chiêm ngưỡng 
voọc ngũ sắc

Đến Đà Nẵng, bạn bỏ lại thành phố sau lưng rồi men theo đường Hoàng Sa ven biển cho tới khi bên đường hiện lên hàng taluy với hàng trăm bức tượng khỉ. Bạn hãy lấy máy ảnh ra khỏi túi, bởi bạn có thể bắt gặp voọc ngũ sắc trên các ngọn cây cao tại Sơn Trà.

Ngọn núi này được hợp thành bởi ba hòn với đỉnh cao nhất chừng 700m so với mực nước biển nên có nhiều cung đường hình xương cá để tìm voọc ngũ sắc.

Biển vây quanh, không gian ở đây thường đặc quánh sương mờ. Bất chợt trong màn sương, một bầy voọc ngũ sắc xuất hiện, băng nhanh qua những cành cây.

Bộ lông với năm màu: trắng, xám, hung nhạt, đỏ và độc đáo nhất là đôi chân màu nâu đỏ, nên được gọi là voọc chà vá chân nâu để phân biệt với các loài voọc chà vá chân xám khác. Voọc mẹ, voọc con chuyền cành dưới những tán lá rậm rạp, tiếng sột soạt của lá cành.

Dù loài này rất “nhát người” nhưng nhờ số lượng lớn khắp bán đảo nên việc ngắm loài voọc bộ lông năm màu tuyệt đẹp đi qua là không khó.

Voọc chà vá luôn đi theo đàn với số lượng lên tới chục con, có con đực đầu đàn ngồi ở vị trí cao nhất để quan sát xung quanh, canh chừng cho các thành viên an toàn kiếm ăn. Tuy nhiên, muốn được nhìn lâu, chụp ảnh “nữ hoàng” linh trưởng phải ngụy trang và “đi nhẹ nói khẽ”, chờ đợi.

Theo nhiều chuyên gia, loài linh trưởng đặc hữu này có ở các nước Đông Dương nhưng chỉ có thể quan sát voọc ngoài thiên nhiên ở Sơn Trà. Ngoài việc đi khẽ nói nhẹ ra, khách phải lưu ý khi di chuyển bởi ở đây còn rất nhiều loài thú lớn như heo rừng, mang, chồn và các loài khỉ lớn.

Để đảm bảo không gian sống, di chuyển cho voọc chà vá, khỉ, nhiều cây cầu treo được bắc ngang qua các con đường trên đảo để linh trưởng dễ dàng qua lại.

Lặn biển ngắm san hô

Đến Sơn Trà, du khách còn được du khảo với những nét đẹp kỳ thú của thiên nhiên. Đó là những bãi biển trong xanh trải dài dưới chân núi, phẳng lặng với các bãi cát vàng sạch đẹp mà không phải ai cũng được một lần đắm mình.

Muốn mạo hiểm, du khách đi thuyền máy, canô dạo quanh đảo Sơn Trà ngắm biển, các hang thiên tạo và lặn ngắm san hô.

San hô ở bán đảo Sơn Trà nhiều màu sắc lộng lẫy và nằm không quá sâu, chỉ ở mức 2,5-3m nên mọi người lặn ngắm không cần thiết bị. Những nhà hàng dưới triền núi sát mép biển sẽ đáp ứng những món thủy sản Sơn Trà như tôm nhí, mực ống tươi, mực cơm, cá mú, ghẹ, ốc...

Hai điểm đến trên bán đảo Sơn Trà nổi tiếng không thể không ghé thăm là cây đa di sản 800 tuổi và đỉnh bàn cờ ở nơi cao nhất đảo. Cây đa cao 22m, bóng mát của tàn cây tỏa ra rộng lớn phía dưới, làm nơi tham quan, nghỉ ngơi cho du khách sau những chuyến cuốc bộ trong rừng.

Còn đỉnh bàn cờ ở độ cao 700m so với mực nước biển, khung cảnh thơ mộng với ông tiên và bàn cờ tướng cùng không gian thoáng đãng, khí trời mát lạnh và là điểm ngắm nhìn gần như toàn bộ Đà Nẵng.

Tại bán đảo Sơn Trà, du khách cũng có không gian “kỳ hoa dị thảo” với hơn 100 loài tre, trúc ở Sơn Trà Tịnh Viên, bảo tàng tư nhân văn hóa đầu tiên Đồng Đình, khu tâm linh của chùa Linh Ứng.

Với những người muốn được sống trong không gian cổ kính của một khu nhà vườn truyền thống xứ Quảng, “khu vườn ký ức” - bảo tàng Đồng Đình nép mình bên triền núi, nơi tái hiện sinh động những giá trị cổ xưa là điểm dừng chân không thể bỏ qua.

Theo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, hơn một nửa các điểm du lịch tại bán đảo Sơn Trà là điểm đến miễn phí. Phương tiện thích hợp là xe máy phân khối lớn để leo dốc.

Hiện rất nhiều công ty du lịch ở Đà Nẵng đều có tour tham quan bán đảo Sơn Trà một ngày với giá 500.000 - 600.000 đồng/khách.


Voọc chà vá 
chân nâu sẽ là biểu tượng 
đa dạng sinh học

Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng vừa có tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng đề xuất lấy voọc chà vá chân nâu làm biểu tượng đa dạng sinh học của TP, đồng thời sớm phê duyệt chủ trương lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn 2040.

Trong đó, đề nghị giao Sở NN&PTNT xác định diện tích, cắm mốc và có biện pháp quản lý chặt đối với khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà.

Trước đó ngày 3-3, như Tuổi Trẻ đã thông tin, sau khi câu chuyện một số hộ dân được giao đất trồng rừng đã tự ý chặt phá rừng để mở đường vào khu đất và xây lán trại trên bán đảo Sơn Trà được phản ánh, thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ liên quan.

Chung tay chăm giữ đàn voọc

Từ năm 2012, một tổ chức phi chính phủ là Trung tâm Nước Việt Xanh (GreenViet) được ra đời với hoạt động chính là nghiên cứu, truyền thông và giáo dục về bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực miền Trung - Tây nguyên, đặc biệt là voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà.

Trên trang điện tử của tổ chức này (http://www.greenviet.org/) cũng có nhiều mục thăm dò ý kiến và kêu gọi cùng tham gia bảo vệ đàn voọc ở bán đảo Sơn Trà. Chính các thành viên của tổ chức này đã phát hiện vụ phá rừng ngày 24-2 (bài “Đà Nẵng chặn phá rừng nhờ Facebook”, Tuổi Trẻ ngày 25-2) và kêu gọi người dân và chính quyền cùng vào cuộc để bảo vệ loài vật quý ở Sơn Trà.

Ngoài ra, GreenViet cũng phối hợp với Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thực hiện chương trình “du lịch dọn rác” vì một Sơn Trà xanh để bảo vệ môi trường ở đây.

Anh Nguyễn Hữu Vỹ, giám đốc Trung tâm GreenViet, cho biết những hoạt động này không ngoài mục đích để thu hút người dân và chính quyền cùng chung tay gìn giữ đàn voọc.

“Nếu mỗi người dân, mỗi du khách đều ý thức được việc bảo tồn và cảm nhận được việc có đàn voọc là may mắn lớn của chúng ta thì khi ấy không lo gì đàn voọc không có đất sống. Qua những sự việc vừa diễn ra, chúng tôi đã có thêm những người bạn đồng hành là một chính quyền hành động quyết liệt và nhiều người yêu thiên nhiên” - anh Vỹ nói.

Tác giả bài viết: Việt Hùng - Trường Trung

BÀI MỚI ĐĂNG