Thế giới

Nga chĩa tên lửa qua Trung Quốc để cảnh cáo

Nga-Trung Quốc đang có những cuộc tập trận hải quân chung lịch sử ở vùng biển Baltic trong tháng 7, nhưng Nga chĩa tên lửa qua Trung Quốc để cảnh cáo, theo Newsweek ngày 13.7.

Lính Nga canh gác một dàn tên lửa chiến thuật Iskander M-Ảnh: Reuters

Động thái Nga triển khai tên lửa dọc biên giới giáp biên giới Trung Quốc ở vùng Viễn Đông Nga có thể cho thấy 2 cường quốc vẫn dè chừng về sự phát triển quân sự của mỗi nước.

Theo hãng tin AP, một đội tàu chiến Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật trên Địa Trung Hải hôm 12.7, vào lúc họ sắp kết hợp với tàu chiến Nga tập trận hải quân Chung Biển ở vùng biển Baltic.

Đến đêm 13.7, Nga liền giương tên lửa điện tử để thử tên lửa 9K720 Iskander-M có thể mang đầu đạn hạt nhân ở Vùng tự trị Do Thái giáp tỉnh Hắc Long Giang (đông bắc Trung Quốc).

Hãng tin Interfax (Nga) dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng: “Khi vào đến khu vực chỉ định, đội hình hoàn thành nhiệm vụ dàn tên lửa, xác định dữ liệu cho cuộc tấn công và phóng tên lửa điện tử”.

Lực lượng tên lửa trên bộ Nga ở khu vực đã nhận hệ thống tên lửa Iskander-M thứ tư hồi tháng 6, thay thế hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật cũ kỹ 9K79-1 Tochka-U, theo trang Diplomat.

NATO gọi Iskander-M là Hòn Đá SS-26. Đây là một loại tên lửa tầm ngắn rất cơ động, đã được triển khai ở vùng Kaliningrad vũ trang dày đặc của Nga ở vùng biển Baltic, gần khu vực tập trận Chung Biển 2017 của Nga-Trung.

Nhưng việc xuất hiện Iskander-M ở Viễn Đông Nga cho thấy Trung Quốc dứt khoát là mục tiêu, trong khi các căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Nhật Bản-Hàn Quốc không nằm trong tầm bắn tối đa 480 km của Hòn Đá SS-26.

Cũng có tin Trung Quốc dàn tên lửa ICBM Đông Phong 41 có thể mang đầu đạn hạt nhân ở vùng biên giáp Nga. Theo Hoàn cầu thời báo, phụ san của Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) tên lửa Đông Phong-41 đã được đưa đến tỉnh Hắc Long Giang (đông bắc Trung Quốc).

Tên lửa này có tầm bắn 15.000 km, có thể là tên lửa có tầm bắn xa nhất thế giới.

Nhưng ông Gregory Kulacki, nhà phân tích cấp cao ở Ủy ban các nhà khoa học quan ngại (Union of Concerned Scientists) phản bác thông tin tên lửa Đông Phong 41 đã được trông thấy ở đông bắc Trung Quốc. Ông nói quả tên lửa trong một video thực ra là một tên lửa mới và nhỏ hơn, nhưng có thể có tầm bắn xa hơn cả tầm bắn của Đông Phong-41.

Cuộc tập trận Nga -Trung khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại vụ có thêm một thế lực quân sự lớn nhân danh Nga, điều đã khiến 3 nước vùng biển Baltic (Estonia, Latvia,Litva) cùng các đồng minh NATO do Mỹ dẫn đầu cáo buộc Nga có chính sách đối ngoại hung hăng.

Nga-Trung cũng đang tiến hành các bước thể hiện quan điểm với láng giềng chung của họ là Triều Tiên. Từ khi ông Kim Nhật Thành lập nên CHDCND Triều Tiên và trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) Nga Trung đều ủng hộ Bình Nhưỡng.

Nhưng việc lãnh đạo Kim Jong-un phóng quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ‘làm quà’ mừng Lễ Độc Lập 4.7 của Mỹ, Nga-Trung cùng các nước khác đều lên tiếng phản đối.

Mỹ hỗ trợ Hàn Quốc, quyết tâm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, và dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á -Thái Bình Dương, điều khiến Nga -Trung cực lực phản đối.

Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, bàn chuyện hợp tác song phương chặt chẽ hơn.

Theo hãng tin CNBC dẫn giới truyền thông Nga, sau cuộc gặp, ông Tập nói quan hệ Trung-Nga “tốt nhất trong lịch sử”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nói tương tự, theo Tân Hoa Xã.

Nhưng theo Newsweek, Nga-Trung không hoàn toàn ‘chung giường’, khi hai bên giương tên lửa chĩa vào nhau.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ tất cả thông tin. Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh từng nói ngày 25.1.2017:

“Theo thông tin của Bộ Quốc phòng, các tin tức về cái gọi là triển khai quân sự chỉ là sự đồn đoán trên mạng internet. Trung Quốc đánh giá cao quan hệ điều phối chiến lược dễ hiểu của Trung Quốc và Nga”.

Tác giả: Trung Trực

Nguồn tin: Báo Một thế giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP