Thể thao

Nếu Công Phượng, Xuân Trường làm học trò HLV Hoàng Anh Tuấn

Nếu Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường làm học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn thì họ sẽ chơi như thế nào?

Nếu HLV Hoàng Anh Tuấn làm lái trưởng…

Đấy không phải là một giả sử nữa, bởi Tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam – ông Lê Hoài Anh đã xác nhận: "HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ tạm quyền dẫn dắt U22 Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 2017 tại Malaysia ".

Ông Tuấn nắm tạm quyền, nghĩa là mọi thứ có thể xảy ra. Trong đó, ngay cả việc ông dẫn U23 Việt Nam tới SEA Games 29 với mục tiêu chinh phục chiếc HCV chẳng phải là điều không thể.

Dĩ nhiên, nó cũng đồng nghĩa lứa U19 Việt Nam nổi đình nổi đám cách đây vài năm như: Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Thanh, Đông Triều, Tiến Dũng… sẽ có một người thầy mới.

Đấy sẽ là câu chuyện ngày mai. Còn trước mắt, người ta đang nghĩ tới cái kịch bản, nếu HLV Hoàng Anh Tuấn nắm U22 Việt Nam thì đội tuyển sẽ có hình hài như thế nào?


HLV Hoàng Anh Tuấn được tạm quyền nắm U22 Việt Nam.

Danh sách U22 Việt Nam lần này sẽ gồm những cầu thủ sinh năm 1995 đổ lại. Như đã nói, lứa cầu thủ U19 Việt Nam dưới thời của HLV Guillaume Graechen vẫn đóng vai trò rất quan trọng ở các CLB V-League và giải hạng Nhất.

Trong số ấy, có đến 6-7 cầu thủ đang là nòng cốt của ĐTQG và đa số là quân của HAGL. Và gần như chắc chắn, họ sẽ là những "kép chính" trên con đường tới Malaysia .

Câu chuyện đặt ra ở đây, nếu HLV Hoàng Anh Tuấn nắm quyền chọn lựa cầu thủ, chứ không phải HLV Nguyễn Hữu Thắng thì đội U22 Việt Nam sẽ bao gồm những ai? Liệu có sự xuất hiện của những cầu thủ đang được kỳ vọng từ HAGL và từ SLNA, Sanna Khánh Hòa, Hà Nội T&T… hay không?

Sau kỳ tích đưa U19 Việt Nam tới FIFA U20 World Cup 2017, ông Tuấn hẳn có lý nếu gọi những cậu học trò của mình lên U22 Việt Nam . Nếu vậy, ông Tuấn có rất nhiều thuận lợi bởi những cầu thủ đang khoác áo U19 Việt Nam đã quá hiểu chiến thuật của ông.

Trong trường hợp HLV Nguyễn Hữu Thắng chịu trách nhiệm cao nhất thì chắc chắn, U22 Việt Nam sẽ là phiên bản của ĐT Việt Nam hiện tại. Tức là gọi những cầu thủ phù hợp với lối chơi ban bật bóng ngắn, thay vì cao to là một lợi thế…


Phong cách của ông Tuấn không giống HLV Hữu Thắng.

Khi phòng ngự là lẽ sống

Dưới triều đại của HLV Nguyễn Hữu Thắng, ĐT Việt Nam đã bước qua giai đoạn dò đường. Cho đến thời điểm hiện tại, lối chơi của ĐT Việt Nam được định hình là thiên về bóng ngắn, dựa trên nền tảng là nhanh nhẹn cũng như kỹ thuật khéo léo của cầu thủ Việt Nam .

Chúng ta đã thu về những thành quả đầu tiên từ các trận đấu dưới thời nhà cầm quân người Nghệ An. Nó không chỉ mang đến sự hiệu quả mà còn là cảm hứng từ trên các khán đài.

Minh chứng, trận đấu giao hữu với CHDCND Triều Tiên (thắng 5-2), sân Thống Nhất đã được biển người lấp kín trong một buổi chiều mà các học trò của Hữu Thắng đã có những màn trình diễn rất đẳng cấp.

Trở lại với câu chuyện HLV Hoàng Anh Tuấn tạm quyền nắm đội U22 Việt Nam. Trong cách chơi của mình, nhà cầm quân này luôn đề cao tính kỷ luật. Nguyên tắc đầu tiên được được ông Tuấn thiết lập là xây cao hàng thủ, sử dụng rất nhiều cầu thủ to cao đá trái kèo.


HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn ưu tiên chọn cầu thủ cao to, khỏe mạnh vào U19 Việt Nam.

Ông Tuấn giống triết lý của cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam – ông Miura là bảo vệ mành lưới bằng mọi giá trước khi tính đến phương án xuyên thủng lưới đối thủ. Đỉnh cao trong cách chơi phòng ngự của HLV Hoàng Anh Tuấn chính là trận đấu tứ kết giải U19 châu Á với U19 Bahrain.

Cụ thể, nhà cầm quân này sử dụng 2 tiền vệ phòng ngự Nguyễn Trọng Đại và Bùi Tiến Dụng ở khu vực giữa sân. Như vậy, U19 Việt Nam có đến 6 cầu thủ chơi phòng ngự. Ở đây, lại phải nói đến chuyện cũ, cũng là cách mà HLV Miura sử dụng cho cho U23 Việt Nam và ĐT Việt Nam khi sử dụng cặp tiền vệ phòng ngự Ngô Hoàng Thịnh và Nguyễn Huy Hùng (hoặc Duy Mạnh)

Với cách ấy, ông Miura cũng đã tạo nên cột mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam khi hạ U23 Iran với tỷ số 4-1 ở trận mở màn rồi thẳng tiến vào vòng tứ kết Asiad 2014 và lọt vào bán kết AFF Cup 2014. Còn ông Tuấn làm được điều kỳ vĩ hơn, đó là đưa U19 Việt Nam giành quyền dự U20 World Cup năm 2017.

Dĩ nhiên, ngoài sự tương đồng, ông Tuấn cũng tạo ra sự dị biệt so với người đồng nghiệp. Ví dụ, trên sa bàn của ông Tuấn, mọi đường bóng được luân chuyển qua chân các tiền vệ, để các cầu thủ này tổ chức tấn công, thay vì chơi kiểu một phát ăn ngay.

Thêm nữa, ông Miura và ông Tuấn đều là những chuyên gia tâm lý nhưng nhà cầm quân người Khánh Hòa lại biết điểm yếu và điểm mạnh của từng học trò. Chẳng hạn như Quang Hải, ông để cầu thủ này đá tự do thay vì bó buộc ở một vị trí…

.
Liệu ông Tuấn có thích dùng Công Phượng và cho cầu thủ này đá tự do?

Có hay không sự lệch pha?

Như đã biết, trong chiến dịch chuẩn bị cho SEA Games 29 những cầu thủ như: Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Thanh, Đông Triều, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Quang Hải, Tuấn Tài… được xác định sẽ đóng vai trò nòng cốt.

Trong số này, phần đa vốn đã quá quen với lối chơi bóng ngắn, ít chạm từ U19 Việt Nam cho đến ĐT Việt Nam . Minh chứng rõ ràng nhất là cặp tiền vệ Tuấn Anh và Xuân Trường.

Dưới thời HLV Miura, hai cầu thủ này không thể tìm được chỗ đứng, nếu không nói là trở thành "đời thừa" ở U23 Việt Nam do không hợp với lối chơi của ông thầy người Nhật.

Thế nhưng khi HLV Nguyễn Hữu Thắng lên nắm quyền thì bộ đôi đang chơi bóng ở nước ngoài này lại đang chơi cực hay và là một phần không thể thiếu của ĐT Việt Nam.

Trong bóng đá, mỗi HLV có một triết lý và những phương án chiến thuật riêng, nhằm phù hợp với chất lượng, đặc điểm con người mà họ có trong tay.

Rõ ràng, HLV Hoàng Anh Tuấn đã quá xuất sắc khi đưa ra những đối sách thích hợp cho U19 Việt Nam tại VCK U20 châu Á đang diễn ra.

Nhưng khi nắm U22 Việt Nam lại là một câu chuyện khác. Nói thẳng ra, triết lý lối chơi mà ông áp dụng cho U19 Việt Nam rất khó phù hợp với U22 Việt Nam, bởi hầu hết đấy là những cầu thủ có xu hướng chơi bóng ngắn, phối hợp nhóm. Đặc biệt là có những ngôi sao có thể chơi bùng nổ như Công Phượng, Văn Toàn…

Thành công ở U19 không có nghĩa ông Tuấn sẽ thành công với U22 Việt Nam.

Vì thế, nếu bảo lưu tư tưởng, giữa HLV Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Hữu Thắng đang ít nhiều có sự lệch pha trong phương pháp huấn luyện lẫn cách xây dựng lối chơi.

Trong trường hợp, Hữu Thắng nắm U22 Việt Nam khi đã hoàn thành nhiệm vụ với ĐTQG, thì ông phải lên sẵn những giáo án để phối hợp với cộng sự của mình.

Còn ngược lại, nếu HLV Hoàng Anh Tuấn "chủ xị" mọi thứ, rất có thể sẽ nảy sinh không ít vấn đề trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 29. Chẳng hạn, U22 Việt Nam ở BTV Cup sẽ chơi một kiểu và khi vào mặt trận chính lại chơi một kiểu khác.

Chắc chắn, chẳng ai mong điều đó xảy ra bởi U22 Việt Nam chính là lớp kế cận ở ĐTQG. Tức họ cần sự nhất thống về tư duy chiến thuật thay vì cái cảnh "trống đánh xuôi kèn thổi ngược".

U22 Việt Nam hội quân vào đầu tháng 11

Theo kế hoạch, sau khi hội quân vào đầu tháng 11 thì U22 Việt Nam có thể sẽ sang Trung Quốc tập huấn trước khi về nước tham dự BTV Cup 2016 diễn ra tại Bình Dương. Đây là giải đấu mang tính chất thử nghiệm nhưng cũng rất quan trọng, bởi các cầu thủ có cơ hội được chơi bóng bên cạnh nhau để tìm sự kết dính.

Thước đo cuối cùng vẫn là ĐTQG

U19 Việt Nam đã làm nên lịch sử khi giành quyền vào VCK U20 World Cup. Thế nhưng, cần phải nói lại cho rõ, các đội tuyển trẻ không phải là thước đo của một nền bóng đá mà ĐTQG. Vì thế, các quốc gia có nền bóng đá phát triển luôn định hướng các cấp độ đào tạo trẻ nhằm để phục vụ cho ĐTQG.

Gia tài của ông Miura để lại cho Hữu Thắng là gì?

Lẽ thường, sau mỗi triều đại HLV luôn có sự kế thừa giữa người trước và người sau. Tuy nhiên, dưới thời của HLV Nguyễn Hữu Thắng, người ta thấy rằng, nhà cầm quân này phải đập đi tất cả để xây ĐT Việt Nam hoàn toàn mới, về lối chơi, cách thức lựa chọn con người. Đấy thực sự là một bài học để các nhà làm bóng đá phải lưu tâm.

Tác giả bài viết: Lập Trần

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP