Xã hội

Nạn nhân kể lại giây phút kinh hoàng lúc xe khách lao vào xe tải ở Cam Lộ-La Sơn

Những nhân chứng vẫn chưa hết bàng hoàng sau tai nạn thảm khốc giữa xe khách và xe tải trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn làm 11 người thương vong.

Video: Hiện trường tai nạn thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn làm 10 người thương vong

1h sáng 11/3 cao tốc Cam Lộ - La Sơn vẫn chưa thể thông tuyến sau tai nạn. Tại hiện trường vẫn còn rất đông hành khách của xe khách BKS 51B - 261.49 đang chở xe trung chuyển đưa về xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) để ăn uống, nghỉ ngơi trong khi chờ lực lượng chức năng bố trí phương tiện để tiếp tục hành trình. Đa phần họ đều không giấu nổi sự mệt mỏi, trên mặt còn phảng phất sự sợ hãi sau tai nạn thảm khốc.

Anh Cụt Văn Tuyền (trú huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cho biết, anh có 4 năm làm nghề cạo mủ cao su ở Bình Phước. Tết năm nay anh về quê Kỳ Sơn ăn Tết đến sáng 10/3 thì anh lên xe khách BKS: 51B - 261.49 để vào lại Bình Phước làm việc. Tối cùng ngày xe dừng ở Quảng Bình để mọi người nghỉ ngơi ăn tối sau đó lên xe để tiếp tục hành trình.

Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: NV)

"Thời điểm xảy ra tai nạn khoảng gần 20h, khi ấy tôi và hầu hết mọi người đều đang ngủ. Tôi nằm ở giường cuối ngay cạnh 2 vợ chồng bị chết. Lúc ấy tôi đang mơ màng thì nghe tiếng va chạm mạnh. Giật mỉnh tỉnh dậy thì thấy xe khách hỏng nặng phần đuôi và không thấy 2 người bên cạnh đâu... Tôi tự thấy mình may mắn khi nằm ở cuối xe nhưng không bị thương tích gì", anh Tuyền kể.

Những hành khách không bị thương sau tai nạn nhưng tỏ ra mệt mỏi và chưa hết hoang mang. (Ảnh: NV)

Theo anh Cụt Văn Tuyền, vì là người cùng làng nên anh biết khá rõ về 2 người chết sau vụ tai nạn. Họ là hai vợ chồng còn rất trẻ. Chồng là anh Cụt Văn S. (SN 2004) và vợ là chị Cụt Thị P. (SN 2007). Cặp vợ chồng này cùng là người dân tộc Khơ Mú. Họ mới sinh con đầu lòng được khoảng 6 tháng tuổi, do cuộc sống khó khăn nên phải gửi con ở lại cho ông bà nội chăm sóc rồi khăn gói cùng nhau vào Bình Phước để xin làm nghề cạo mủ cao su kiếm sống.

Anh Lở Bá Dĩa (dân tộc H'Mông, trú Nghệ An) cho biết, thời điểm xảy ra vụ tai nạn trên xe khá đông khách, hầu như không còn giường trống. Thời điểm xảy ra tai nạn anh Dĩa nằm ở giường giữa. Khi anh đang say giấc ngủ thì tiếng va chạm mạnh làm anh giật mình tỉnh giấc. Sau cú va xe khách vẫn lướt đi một đoạn thì mới dừng lại. Khi tinh thần ổn định quay lại phía sau thì mới biết xe gặp tai nạn. Toàn bộ phần đuôi xe tan nát. Hầu hết những người chết và bị thương đều nằm ở giường cuối xe. Những người nằm ở đầu và giữa xe thì may mắn không bị thương nhưng ai nấy đều khá hoảng loạn.

Anh Kha Văn Pẳn (người dân tộc Thái, trú Nghệ An) chưa hết bàng hoàng kể lại, thời điểm xảy ra tai nạn anh Pẳn nằm ở giường giữa nên may mắn không bị thương, trên xe phần đa là người của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), có người thì đi vào Bình Dương, có người thì vào Bình Phước, hoặc Kon Tum...

Khuôn mặt anh Kha Văn Pẳn vẫn còn thất thần sau tai nạn thảm khốc. (Ảnh: NV)

"Xe đang đi thì lái xe bất ngờ đánh lái rồi phần đuôi va vào xe tải. Cú va mạnh khiến mọi người trên xe giật mình tỉnh giấc. Sau cú va xe tiếp tục chạy trong tình trạng rung lắc như sắp lật được khoảng hơn 500 mét thì mới dừng lại. Thời điểm đó mọi người trên xe đều hoảng loạn, sợ hãi", anh Pẳn nhớ lại.

Anh Lê Hoàng Q. (SN 1973, quê Quảng Trị, trú huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông - tái xế xe khách BKS: 51B - 261.49) cho biết, thời điểm xảy ra tại nạn trên xe có khoảng hơn 40 hành khách. Thời điểm xảy ra tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ có 2 làn, trời tối và không có đèn đường. Khi xe đang di chuyển thì bất ngờ phát hiện xe tải dừng trên cao tốc nhưng không có đèn báo khẩn cấp.

Phần đuôi xe khách phía bên phải biến dạng hoàn toàn sau tai nạn. Những người chết và bị thương đều nằm ở những giường cuối xe. (Ảnh: NV)

"Do trời tối, xe tải dừng nhưng không bật đèn báo khẩn cấp nên khi gần đến nơi tôi mới phát hiện ra. Lúc đó tôi buộc phải đánh lái gấp sang làn đường bên trái để tránh đâm trực diện vào xe tải. Tuy nhiên, do khoảng cách quá gần khiến đuôi xe va vào xe tải. Thời điểm đó tôi không dám phanh vì nếu phanh rất có thể xe sẽ bị lật. Do đó, tôi phải thả cho xe lướt đi theo quán tính, khi xe ổn định thì mới đánh lái sát vào lề đường bên phải rồi mới dừng lại. Tiếc là trên xe tôi cầm lái không có camera hành trình để ghi lại hình ảnh thời điểm tai nạn", anh Lê Hoàng Q. nói.

Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc nói trên, ngay trong đêm 10/3 ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung xử lý hiện trường và thông tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn trong thời gian sớm nhất.

Tài xế xe khách khẳng định, thời điểm xảy ra tai nạn thì xe tải dừng trên cao tốc và không bật tín hiệu đèn khẩn cấp. (Ảnh: KTHS)

Sau đó, ông Hoàng Hải Minh cũng vào Bệnh viện Trung ương Huế để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ những nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chi 5 triệu đồng/người để hỗ trợ cho 2 nạn nhân tử nạn.

Khoảng 19h40 ngày 10/3 anh Lê Hoàng Q. (SN 1973, trú Đắk Nông) lái xe khách BKS: 51B - 261.49 chạy trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn hướng Quảng Trị - Đà Nẵng. Khi đến Km 58 đoạn qua thôn Sơn Quả (xã Phong Sơn) thì va chạm với xe tải BKS: 75C - 016.91 do anh Phan Đình T. (SN 1988, trú TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cầm lái. Theo lực lượng chức năng, vụ tai nạn khiến 2 người chết tại chỗ, 3 người bị thương và 6 người bị thương nhẹ.

Tác giả: NGUYỄN VƯƠNG

Nguồn tin: vtcnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP