Xã hội

Nam bộ ứng phó với thời tiết cực đoan

Trước diễn biến phức tạp của khí hậu, các địa phương khu vực phía Nam đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn từ cơ sở thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, chất lượng nước để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thời tiết cực đoan gây ngập lụt tại một số đô thị khu vực phía Nam.(Ảnh: K.V)

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, năm 2019 tại khu vực Nam bộ có nhiều thay đổi, thời kỳ bắt đầu mùa mưa muộn hơn so với trung bình nhiều năm, phổ biến từ tuần giữa tháng 5, thời kỳ kết thúc mùa mưa sớm hơn so với trung bình nhiều năm, phổ biến từ tuần đầu tháng 11/2019…

Cùng với đó là nhiệt độ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm và cao điểm nắng nóng vào tháng 4. Theo đó, nhiệt độ cao nhất tại các tỉnh miền Đông Nam bộ có thể lên trên 38 độ C, độ ẩm thấp nhất trong tháng 4 và tháng 5/2019 phổ biến từ 30% đến 40%; các tháng chuyển mùa vào tháng 5 và tháng 11, cần đề phòng hiện tượng giông lốc, sét đánh, gió giật xảy ra ở nhiều nơi, như các tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang và TP.Cần Thơ…

Theo ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, cơ quan dự báo phải đưa ra những nhận định đúng thời kỳ chuyển mùa cũng như thời kỳ bắt đầu mùa mưa, xu thế mưa, số lượng cơn bão; xác định đúng thời gian xuất hiện cũng như độ cao của đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long, triều cường ở hạ lưu các sông Nam bộ để giúp các cấp, các ngành và nhân dân trong khu vực có cái nhìn tổng quan ban đầu về diễn biến của mùa mưa, bão, lũ năm 2019. Từ đó, các địa phương đề ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh, ứng phó, phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.

Trong các tháng mùa khô năm 2019, nhiều địa phương khu vực phía Nam đã bị nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng, làm thiệt hại sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều khu vực đã thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Bên cạnh đó, theo dự báo số lượng các cơn bão trong năm 2019 có xu hướng hướng vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nhiều với cường độ khá lớn, có khả năng gây hậu quả nặng nề đến việc phát triển kinh tế - xã hội của người dân khu vực này.

Trước diễn biến phức tạp của khí hậu, các địa phương khu vực phía Nam đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn từ cơ sở thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, chất lượng nước để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình mưa bão, triều cường và đặc biệt là chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông và trong nội đồng trong mùa khô hạn; đồng thời, khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn, tranh thủ lấy nước, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng khi nước mặn chưa xâm nhập vào các kênh nội đồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt an toàn.

Đối với vụ mùa sắp tới, khuyến khích nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ, đồng loạt dứt điểm từng cánh đồng mà ngành nông nghiệp đã ban hành hoặc vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Cùng với đó, hướng dẫn nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiến bộ, sử dụng giống lúa xác nhận, giống chất lượng cao, giống lúa ngắn ngày chịu mặn. Nông dân tăng cường trữ nước ngọt trong mương; khi mặn xâm nhập, không nên sử dụng bơm tát cho ruộng lúa và cây trồng.

Các địa phương cũng đã tập trung cho việc nạo vét kênh mương, gia cố, đắp đập ngăn mặn; duy tu, sửa chữa công trình phục vụ phòng chống hạn mặn. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động nhân dân chủ động duy tu, sửa chữa máy bơm, trạm bơm kịp thời bơm tưới khi cần thiết. Vận động người dân không xả rác thải vào các kênh, rạch nhằm tránh ô nhiễm nguồn nước, môi trường trong thời gian đóng cống ngăn mặn, giữ ngọt./.

Tác giả: K.V

Nguồn tin: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP