Thế giới

Myanmar lần đầu lên tiếng sau phán quyết Biển Đông của PCA

Myanmar ngày 19/7 lần đầu ra tuyên bố, bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng Tài thường trực (PCA).

Theo tờ Myanmar Times, Myanmar không phải là nước có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng khi giữ ghế chủ tịch ASEAN năm 2014, nước này đã ủng hộ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc so với nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Campuchia.
Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi.

Trong cuộc họp giữa các ngoại trưởng năm 2014, ASEAN đã lần đầu sau 20 năm ra tuyên bố riêng về Biển Đông, bày tỏ “quan ngại sấu sắc” về vấn đề leo thang căng thẳng trong tranh chấp.

Trong tuyên bố đầu tiên về vấn đề Biển Đông sau phán quyết của PCA ngày 13/7, Myanmar hối thúc tất cả các bên kiềm chế, tránh tạo ra các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết, Myanmar cam kết tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp, bao gồm việc thực hiện quan hệ đối ngoại xuyên suốt trong cộng đồng quốc tế.

“Myanmar sẽ tiếp tục làm việc với các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc để thực hiện đầy đủ và hiệu quả, dựa trên sự đồng thuận của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”, tuyên bố cho biết.

U Than Soe Naing, nhà phân tích chính trị nhận định, đây là một trong những tuyên bố hướng đến tương lai nhất trong số các phản ứng của thành viên ASEAN sau phán quyết.

“Đây là cách ứng xử ngoại giao hết sức đúng đắn. Myanmar có thể tác động đến việc chấp nhận phán quyết mà không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong vùng chồng lấn”, ông U Than Soe Naing nói thêm.

Chuyên gia Myanmar nhận định, bà San Suu Kyi đứng trước quãng thời gian khó khăn ở phía trước trong việc giúp đỡ các nước ASEAN sau phán quyết Biển Đông. Cố vấn quốc gia Myanmar được đề cử là người dẫn dắt các cuộc họp chung của ASEAN trong tương lai, giúp Myanmar có một vị trí quan trọng hơn.

Yun Sun, nhân viên cấp cao thuộc Trung Tâm Stimson về quan hệ Trung Quốc-Myanmar, cho rằng, “Myanmar lựa chọn cách an toàn trong việc kêu gọi quan sát DOC và duy trì lập trường trung lập trong khối ASEAN”.

Cuối tuần này, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM) diễn ra tại Lào sẽ thảo luận cách củng cố cộng đồng ASEAN.

AMM là cơ hội để ASEAN ra tuyên bố chung sau phán quyết của PCA về Biển Đông nếu như điều này xảy ra.

Tác giả bài viết: Đăng Nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP