Thế giới

Mỹ ráo riết chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh không gian

Quân đội Mỹ buộc phải gấp rút chuẩn bị năng lực để ứng phó với kịch bản xảy ra một cuộc chiến tranh không gian trong bối cảnh vũ khí không gian Nga và Trung Quốc ngày càng phát triển và nhắm vào Mỹ.

Súng laser được trang bị trên tàu vận tải đổ bộ USS Ponce của hải quân Mỹ. Washington dự tính sử dụng súng laser để làm vũ khí không gian. Ảnh: US Navy

Theo CNN, các nước kình địch của Mỹ đang đẩy mạnh triển khai vũ khí bên ngoài khí quyển Trái Đất, buộc Lầu Năm Góc phải chuẩn bị cho một kịch bản chiến tranh không gian.

"Mỗi khi con người di chuyển đến một nơi chốn mới, ở đó sẽ xảy ra xung đột và trong trường hợp này, chúng ta cần chuẩn bị cho một cuộc xung đột không gian", tướng John Hyten, Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ, tuyên bố.

Kịch bản đáng sợ

Ngày nay, Mỹ phụ thuộc vào công nghệ không gian hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Trong kịch bản đáng sợ nhất, khi kẻ thù phát động cuộc tấn công mạng ồ ạt nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời vô hiệu hóa và hủy diệt các vệ tinh Mỹ ngoài không gian, những màn hình tivi sẽ mất tín hiệu, các mạng điện thoại di động sẽ mất sóng và Internet sẽ trì trệ, thậm chí ngừng hoạt động.

Mọi thứ từ thị trường chứng khoán, giao dịch ngân hàng đến đèn tín hiệu giao thông đều tê liệt. Các phi công sẽ mất liên lạc với mặt đất và không biết họ đang ở đâu trên bầu trời cũng như không có dữ liệu dự báo thời tiết để điều hướng máy bay né tránh bão. Các lãnh đạo thế giới ở những lục địa khác nhau không thể liên lạc.

Phi công quân đội Mỹ sẽ mất quyền điều khiển những máy bay vũ trang không người lái thực hiện sứ mệnh tiêu diệt khủng bố ở Trung Đông. Những quả bom thông minh trở nên vô dụng. Các tên lửa sẽ nằm bất động trong hầm chứa. Mỹ có thể mất cả tín hiệu cảnh báo sớm về các vụ tấn công hạt nhân ở nhiều khu vực trên Trái Đất.

"Kẻ thù hoàn toàn có động lực để tước đoạt những sức mạnh đó của chúng ta. Điều này có nghĩa nếu xảy ra chiến tranh trên Trái Đất, gần như chắc chắn, nó sẽ được phát động bằng một kiểu xung đột nào đó ngoài không gian", Peter Singer, chuyên gia cố vấn về các mối đe dọa không gian của Bộ Quốc phòng Mỹ, đánh giá.

Nga, Trung Quốc đưa vũ khí vào không gian

Vệ tinh Kosmos 2499 của Nga trên quỹ đạo. Ảnh: Indian Defense News

Giới quan sát nhận định Nga và Trung Quốc chính là hai kình địch khiến Mỹ phải dè chừng trong không gian. Bắc Kinh và Moscow đang chĩa vào các vệ tinh Mỹ bên ngoài bầu khí quyển Trái Đất bằng hàng loạt vũ khí nguy hiểm, cây bút Jim Sciutto từ CNN bình luận.

Nga đã triển khai các vệ tinh sát thủ, ví dụ như Kosmos 2499, được thiết kế để bay bám sát và khi nhận được mệnh lệnh sẽ tấn công làm vô hiệu hóa hoặc phá hủy hoàn toàn các vệ tinh Mỹ. Trung Quốc cũng đã phóng thử thành công vệ tinh Shiyan, trang bị một cánh tay ngoạm có khả năng giật các vệ tinh Mỹ chệch khỏi quỹ đạo. Theo ông Sciutto, những vệ tinh trên không còn là vũ khí thử nghiệm nữa mà thực sự đã hoạt động trải dài từ quỹ đạo cận Trái Đất, tức ở độ cao 160 km, nơi đặt Trạm Không gian Quốc tế (ISS), cho đến quỹ đạo trung Trái Đất ở độ cao 20.116 km, nơi các vệ tinh định vị toàn cầu hoạt động, và quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao 35.405 km, nơi trú ngụ hầu hết các vệ tinh cảnh báo tấn công hạt nhân sớm và vệ tinh viễn thông quân sự Mỹ.

"Chúng ta sẽ bị bất ngờ đến choáng váng nếu quân đội Mỹ không chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh dựa trên những gì chúng ta hình dung", Paul Graziani, giám đốc điều hành công ty phân tích hình ảnh vệ tinh AGI, nhận xét.

Tướng John Hyten trong khi đó cảnh báo đối phương sẽ sớm đe dọa các vệ tinh Mỹ hoạt động ở bất kỳ quỹ đạo nào của Trái Đất. "Chúng ta có năng lực tình báo và giám sát tốt, cho phép ta nhìn thấy các mối đe dọa này đang hình thành như thế nào. Vì vậy, chúng ta cần triển khai các năng lực tự bảo vệ", ông Hyten cho hay.

Hyten muốn nhắc đến Bộ Chỉ huy Không gian Không quân Mỹ (AFSPC), một cơ quan được thành lập năm 1982 khi quỹ đạo Trái Đất còn tương đối yên bình. Ngày nay, AFSPC sử dụng khoảng 38.000 nhân viên, làm việc ở 134 địa điểm trên toàn cầu và ngốn khoản ngân sách hoạt động hàng năm lên đến gần 8,9 tỷ USD. Kế hoạch mở rộng hoạt động trong không gian của Lầu Năm Góc có thể khiến khoản ngân sách trên chạm mức 22 tỷ USD/năm.

Một trong các đơn vị trực thuộc AFSPC là Đơn vị Không gian 50, một đội ngũ hơn 8.000 người có nhiệm vụ giám sát các vệ tinh quân sự của Mỹ và nước ngoài. Hiện nay, họ chỉ đơn thuần quan sát chiến trường không gian mới hình thành mà không có khả năng đáp trả hỏa lực.

Lo ngại

Các chuyên gia nhận định cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo sẽ được phát động ngoài không gian. Ảnh minh họa: Shutterstock


Năm 2015, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work bày tỏ lo ngại rằng quân đội Mỹ "chưa sẵn sàng tiến hành các chiến dịch không gian trong trường hợp một cuộc xung đột nổ ra".

Ông đã chứng minh được rằng nhận định của mình là chính xác khi vài tháng sau, những lực lượng không gian Mỹ bị áp đảo trong một cuộc tấn công giả định nhằm vào các vệ tinh quân sự của Washington. Hồi tháng 4, ông Work tiếp tục gây chú ý khi cam kết Mỹ sẽ "tấn công đáp trả" và "hạ gục" đối thủ nếu bị tấn công trong không gian.

"Nếu ai đó tìm cách nhắm tới chùm vệ tinh trong không gian của ta, chúng ta sẽ nỗ lực xây dựng sức mạnh để ngăn chặn họ. Sở hữu năng lực bắn hạ hỏa tiễn là một lợi thế cần có", ông nhấn mạnh.

Work gợi ý phát triển một loại bom không gian giống những quả bom chìm mà chiến hạm hải quân Mỹ thả xuống biển thời Thế chiến II nhằm chống lại các tàu ngầm tấn công đối phương.

"Vệ tinh của ta sản xuất cách đây 15 năm và được phóng vào thời mà không gian còn là một môi trường yên bình và không có mối đe dọa nào", trung tướng David Buck, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thành phần Chức năng Hỗn hợp về Không gian, bình luận.

"Bạn có thể hình dung việc này giống như sản xuất một chiếc máy bay tiếp nhiên liệu mà không trang bị năng lực phòng vệ. Khi các vệ tinh lâm nguy, cơ sở hạ tầng mặt đất của ta cũng gặp nguy hiểm. Và chúng ta đang nỗ lực để đảm bảo rằng ta có đủ khả năng bảo vệ chúng", ông Buck nhấn mạnh.

Đến nay, những vũ khí như vậy mới tồn tại ở dạng khái niệm. Tuy nhiên, Mỹ đang âm thầm phát triển các năng lực tối tân mà trong tương lai có thể đảm nhận những sứ mệnh phòng thủ hoặc tấn công ngoài không gian.

Một trong các vũ khí đó là súng laser của hải quân (LAWs), đang triển khai ở vùng Vịnh Ba Tư, trên tàu vận tải đổ bộ USS Ponce. Chiếc phi cơ không người lái X-37B đã thực hiện nhiều sứ mệnh bay đến không gian cũng khiến giới quan sát hay các đối thủ của Mỹ tự hỏi liệu nó có thể được dùng làm vũ khí hay không.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang có những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực không gian, một số chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ cảnh báo Washington vẫn có nguy cơ thua trong cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo bởi đây sẽ là cuộc chiến đầu tiên lan rộng ra ngoài phạm vi Trái Đất.

"Sẽ thật ngốc nghếch nếu cho rằng khả năng chúng ta thua không tồn tại. Cho dù các nhà hoạch định quốc phòng nói gì với bạn, đừng kỳ vọng kết cục tốt, hãy chuẩn bị cho ngày tồi tệ nhất", chuyên gia Singer quả quyết.

Các nhà chính trị và lãnh đạo quân sự Mỹ đang thẩm định lại cách tổ chức một cuộc chiến để bảo đảm mang lại kết quả thắng lợi trong kịch bản xảy ra chiến tranh không gian.

"Cách Mỹ phản ứng trước mối đe dọa không gian mới có thể quyết định ai sẽ là bên chiến thắng trong cuộc xung đột đang được định hình của thế kỷ XXI", bình luận viên Jim Sciutto kết luận.

Tác giả bài viết: Hồng Vân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP