Thế giới

Mỹ "nghẹn đắng" nhìn Đức, Qatar giải cứu Thổ Nhĩ Kỳ trước "mũi dao" trừng phạt

Bất chấp đòn trừng phạt sắt đá đến từ Mỹ, hai đồng minh quan trọng của nước này là Qatar và Đức đã bất ngờ ra tay cứu giúp Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng lira chứng kiến sự phục hồi nhẹ sau cam kết từ Qatar.

Sau cuộc họp kéo dài 3 tiếng rưỡi giữa Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, các phóng viên của tờ Bloomberg rút ra kết luận: “Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tìm thấy một nhà hảo tâm để kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính, khi Qatar hứa sẽ đầu tư 15 tỷ USD cho quốc gia này.

Với cam kết nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ đang gặt hái những thành quả xứng đáng khi đã bênh vực quốc gia Ả Rập giàu có trong cuộc khủng vùng Vịnh diễn ra vào năm ngoái, mà trong đó Saudi Arabia tiến hành cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar”.

Sau khi nhận được cam kết từ phía Qatar, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến sự hồi phục nhẹ giữa bối cảnh Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt gây sức ép lên nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ cuộc khủng hoảng vùng Vịnh năm ngoái, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã dần dần tăng cường hợp tác một cách sâu sắc hơn. Động thái của Doha được cho là sự đáp lễ đối với Ankara sau những gì mà chính quyền Erdogan đã ủng hộ cho đất nước Ả Rập.

Tổng thống Erdogan đang cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ ở bất cứ nơi nào có thể trong cuộc đối đầu với Mỹ. Đáng chú ý hơn, không chỉ có Qatar, một trong những đồng minh thân tín khác của Washington là Đức cũng tiến vào cuộc chơi bằng tuyên bố sát cánh với Ankara.

“Thủ tướng Angela Merkel đang nhắc nhở Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng, ông có một đồng minh tiềm năng ở Berlin để ngăn chặn sự bùng nổ của khủng hoảng kinh tế. Thủ tướng Đức đã lên kế hoạch cho một cuộc họp của các bộ trưởng tài chính hai nước. Đức muốn Thổ Nhĩ Kỳ không bị rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính và không cho phép đất nước này rơi vào hỗn loạn”, tờ Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận với chính quyền Merkel cho hay.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ cả hai nước Đức và Qatar có vẻ là một dấu hiệu đầy hứa hẹn cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong ngắn hạn, nhưng có thể không đủ để nền kinh tế của đất nước hồi phục hoàn toàn.

Mohamed El Erian, một chuyên gia tài chính quốc tế và nguyên Phó giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), không kỳ vọng nhiều về hiệu quả đến từ gói viện trợ của Qatar dành cho Thổ Nhĩ Kỳ.

"Nguồn tài trợ từ Qatar, dù có được triển khai đầy đủ và kịp lúc, có vẻ như vẫn quá nhỏ bé so với nhu cầu giúp đỡ từ bên ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó cũng không đi kèm với các thiết chế từ IMF để giúp cho nhiều nhà đầu tư yên tâm”, Erian viết trong một phân tích gần đây.

Tổng thống Erdogan đổ lỗi cho Mỹ cố tình gây hấn bằng đòn trừng phạt.

"15 tỷ USD hứa hẹn của Qatar tất nhiên sẽ không đổ vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cùng một lúc. Đây có thể coi là sự hỗ trợ mang tính chất tình cảm là chính", nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Zulfikar Dogan nhận định.

“Những gì Thổ Nhĩ Kỳ cần ngay bây giờ là một nguồn tiền mặt sẵn có. Mặc dù Qatar có các nguồn quỹ trị giá hàng trăm tỷ USD, phần lớn trong số này được cất giữ tại các ngân hàng Mỹ. Do đó, họ gần như không thể đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ”, Dogan nói thêm.

Các nhà phân tích đánh giá, Tổng thống Erdogan đã khéo léo trong việc chuyển hướng cơn thịnh nộ của công chúng trong nước về cuộc khủng hoảng sang phía Mỹ. Trong đó, ông phản đối chính sách trừng phạt vô lý của Washington chỉ vì vấn đề giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson, bị cáo buộc là đối tượng khủng bố.

Cuộc khủng hoảng đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đã nhường chỗ cho một cuộc vận động tinh thần dân tộc chống lại Washington và bảo vệ danh dự của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng một số nhà quan sát không chắc chắn về việc liệu tuyên bố của ông có đủ để thúc đẩy sự tự tin trong nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Theo tờ Financial Times, động lực mà chính quyền Erdogan đang thúc đẩy có vẻ như quá thừa thãi. Trên thực tế, điều mà các nhà đầu tư đang trông đợi là một tín hiệu cho thấy rằng Chính phủ đang cân nhắc tìm kiếm một gói cứu trợ từ IMF.

Do đó, vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ chính nội tại. Sẽ rất khó khăn cho Qatar hoặc Đức cung cấp các biện pháp hỗ trợ để giúp đỡ Ankara. Mặc dù sự lao dốc đã phần nào đó được kìm lại, nhưng cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục và kéo dài.

Tác giả: Quốc Vinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP