Thế giới

Mỹ loay hoay xử lý vấn đề Triều Tiên sau cái chết của sinh viên Warmbier?

Cái chết của sinh viên Otto Warmbier đã làm dấy lên những tranh cãi tại Mỹ, trong đó nhiều ý kiến kêu gọi Tổng thống Donald Trump cần tăng cường các biện pháp để gia tăng sức ép với Triều Tiên.

Sinh viên Otto Warmbier trong phiên xét xử tại Triều Tiên hồi năm ngoái (Ảnh: AP)

CNN đưa tin, sau khi được Triều Tiên phóng thích và trở về Mỹ trong tình trạng hôn mê hồi tuần trước, gia đình của Warmbier hôm qua thông báo sinh viên 22 tuổi này đã qua đời. Ngay lập tức, thông tin này đã làm nổ ra những tranh cãi tại Mỹ.

Tại Quốc hội, Thượng nghị sỹ John McCain đã tuyên bố: "Mỹ không thể và không chấp nhận việc công dân bị sát hại như vậy. Triều Tiên đang đe doạ tới các nước láng giềng, gây bất ổn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đang phát triển nhanh công nghệ có thể phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới Mỹ. Giờ đây, căng thẳng đã leo thang, đặc biệt là khi còn 3 công dân Mỹ khác đang bị giam giữ tại Triều Tiên".

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng cái chết của Warmbier cho thấy Mỹ cần gia tăng sức ép với Trung Quốc - đồng minh truyền thống của Triều Tiên, đặc biệt là khi sắp diễn ra cuộc đối thoại an ninh và ngoại giao Mỹ - Trung.

Phản ứng của chính quyền Mỹ

Sau khi thông tin về cái chết của Warmbier được công bố, giới lãnh đạo cấp cao của Mỹ đã ngay lập tức có phản ứng. Tổng thống Trump đã gừi lời chia buồn tới gia đình của sinh viên này, trong khi Ngoại trưởng Rex Tillerson cáo buộc Triều Tiên gây ra cái chết của Warmbier.

Cùng ngày, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - bà Susan Thornton - cho biết Triều Tiên sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của đối thoại cấp cao Mỹ - Trung sắp tới. Theo bà Thornton, giới chức Mỹ "sẽ hướng tới việc hợp tác thực chất với Trung Quốc nhằm tìm ra giải pháp hoà bình cho mối đe doạ tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên".

Bà khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc sử dụng đòn bảy duy nhất của họ là quan hệ thương mại để ép Triều Tiên thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".

Trong khi đó, Bruce Klinger, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Heritage thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á, cho rằng trong cuộc đối thoại sắp tới với Trung Quốc, Mỹ "cần đưa ra thông điệp rõ ràng về việc đang chuẩn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt gián tiếp nhằm vào những công ty của Trung Quốc có làm ăn với Triều Tiên".

Ông nhấn mạnh: "Sự ngần ngại của chính quyền hiện nay trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt gián tiếp cũng giống như những chính quyền trước, qua đó tạo cơ hội để cho các công ty Trung Quốc vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".

Sức ép lên Tổng thống Donald Trump

Ông Bruce Klinger cho rằng cái chết của sinh viên Warmbier có thể khiến Tổng thống Trump phải đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với Triều Tiên, động thái có thể làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Theo ông Klinger, chính quyền Mỹ tới nay đã thất bại khi không thể áp đặt "các lệnh trừng phạt gián tiếp" nhằm vào những công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên, đặc biệt là những công ty có liên quan đến quá trình phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng "các lệnh trừng phạt đã được chuẩn bị", nhưng các biện pháp này cần phải được "thực thi mạnh mẽ để nhằm cả vào Triều Tiên và Trung Quốc".

Theo cựu Bộ trưởng Panetta, sau cái chết của Warmbier, chính quyền của Tổng thống Trump cần đưa ra thêm các lựa chọn như đòi hỏi sự giải thích từ Bắc Kinh, phản đối theo kênh ngoại giao và gia tăng các lệnh trừng phạt. Ông Panetta nói: "Đó là vụ việc không thể chấp nhận được và Mỹ cần phải yêu cầu Trung Quốc tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với sinh viên Warmbier".

Sau các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 5, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đạt được sự đồng thuận khi bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, Triều Tiên đã đáp trả bằng vụ phóng 4 tên lửa chống hạm ở vùng biển phía Đông của nước này.

Theo chuyên gia Klinger, Triều Tiên đang đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí hạt nhân. Trong các cuộc họp không chính thức với giới chức Mỹ, các quan chức Triều Tiên đã tuyên bố rằng vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên không phải là chủ đề có thể đem ra thảo luận, nhấn mạnh rằng những yêu cầu của Mỹ hay Hàn Quốc về việc chấm dứt chương trình hạt nhân cũng không thể dừng lại mong muốn sở hữu năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tác giả: Ngọc Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP