Còn với người trong cuộc, đó là thành quả của những tháng ngày tập luyện và theo đuổi đam mê. Ở miền nắng gió, du khách khắp mọi nơi đang đổ về đây như ngày hội kết nối những đam mê.
Những cánh diều no gió tung bay trên biển Mỹ Hòa. |
Khi mùa Bấc đến và kéo dài đến tận tháng tư năm sau, mùa ván diều cũng về trên vùng biển Việt Nam, trải dài từ Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) đến Vũng Tàu, Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu), Mũi Né (Bình Thuận)… Trong vài năm gần đây, môn thể thao cảm giác mạnh này “bén” với vùng đất Ninh Thuận. Biển Bình Sơn, Ninh Chử và Mỹ Hòa… là những địa điểm lý tưởng được bổ sung vào danh sách các bãi biển có thể chơi ván diều ở Việt Nam. Đặc biệt, gió ở đây gần như không giới hạn trong sáu tháng như những vùng biển khác, mà gần như gió lộng quanh năm. Cùng với những dãy núi và vách đá ven biển, góp phần tạo nên sức gió rất lý tưởng cho người chơi ván diều. Miền nắng gió này còn được thiên nhiên ban tặng cho vùng biển đẹp trong vắt và còn rất hoang sơ nên du khách Âu Mỹ chọn làm điểm đến trú đông kết hợp gặp gỡ và giao lưu cùng các thành viên ván diều thế giới. Lỡ lạc bước tới đây, đừng quên dành thời gian ngồi ngắm ván diều trên biển chiều Mỹ Hòa như một sản phẩm du lịch thú vị mà du khách không phải mất tiền mua vé.
Tiện nhất là xuống bãi tắm Bình Sơn, bãi tắm Ninh Chử hoặc bãi biển Vịnh Ninh Chử gần trung tâm thành phố Phan Rang để thưởng thức loại hình thể thao trên biển này. Nhưng để ngắm đã mắt, nên đến bãi biển Mỹ Hòa, ghé Phi’s – một điểm huấn luyện và chơi ván diều nằm cách trung tâm thành phố khoảng mười cây số, trên đường Phan Rang đi Vĩnh Hy. Mỹ Hòa là bờ biển chạy dài nối Mỹ Hiệp và Mỹ Tân. Ra khỏi bờ cát sát bờ là rạn san hô cổ đã chết, tạo thành bãi đá chìm trong biển chạy dài ra xa. Phía trong là vườn nho, ruộng muối… nằm dưới chân dãy núi đá chồng, tạo nên phong cảnh hữu tình mà không kém phần hùng vĩ. Gió ở đây rất mạnh, lồng lộng quanh năm. Sức gió 25-30 hải lý mỗi giờ, kéo dài nhiều tháng trong năm. Người ta phải cất nhà mái thấp và trồng cây chắn gió. Đó là một bất lợi về tự nhiên đối với người dân nhưng là một thuận lợi để chơi ván diều và các môn thể thao trên biển khác nhờ vào sức gió và sóng, như: ván buồm, lướt ván…
Buổi chiều gió lộng, ngồi ngắm ván diều mới thú vị. Hàng chục cánh diều no gió tung cánh giữa không trung, kéo theo những chiếc ván dài chừng hai mét lướt vun vút trên sóng. Người chơi phần lớn là du khách Âu Mỹ, còn lại là châu Á, chơi rất điêu luyện. Đứng trên tấm ván, thân “cột” vào dây diều, hai tay điều khiển hướng diều di chuyển, các ván thủ lướt nhẹ nhàng trên mặt nước. Thỉnh thoảng, họ để diều nhấc cả người lẫn ván lên và nhào lộn giữa không trung đầy ngoạn mục. Khi đó, người chơi phải để luồng không khí tác động vào mặt trên mạnh hơn mặt dưới diều, tạo áp suất lớn làm diều bị thốc lên và nâng cả người lẫn ván lên cao. Với tác động đó, diều bị tác động bởi sức gió gấp bốn lần so với thực tế. Chỉ có những tay chơi điêu luyện mới “tung” được những cú bắn người lên không cũng như “đánh võng” khi di chuyển trên sóng. Còn lại, họ di chuyển nhẹ nhàng theo cánh diều, rất an toàn theo kiểu “để gió cuốn đi”!
Ván diều (kitesurfing) là môn thể thao biển đòi hỏi nhiều sức khỏe và kỹ năng ra đời tại Mỹ vào những năm 1990. Sau khoảng mười năm thì du nhập vào Việt Nam bởi du khách từ nước ngoài mang tới, ngay lập tức thu hút nhiều ván thủ Việt Nam tham gia và hình thành những câu lạc bộ ván diều đầu tiên tại TPHCM, sinh hoạt tại Cần Giờ, Vũng Tàu và Mũi Né. Môn thể thao này tập hợp từ nhiều môn trượt tuyết, lướt ván, bơi lội… Thiết bị cho môn thể thao này khoảng 2.000 - 4.000 USD/bộ; học phí khoảng 50 USD/giờ. Dù đắt đỏ nhưng hiện nay có nhiều người Việt ưa thể thao cảm giác mạnh tham gia tập luyện. Không ít người trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp để huấn luyện cho du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Ván diều là một trong những môn thể thao hấp dẫn, kéo du khách tới Việt Nam vào các kỳ nghỉ mùa đông từ các quốc gia hàn đới.
Tác giả: DU MIÊN
Nguồn tin: Báo Cần Thơ