Sáng ngày 16/6, tác giả cuốn sách “Dám làm giàu” đã làm một việc “không giống ai”... Hành động này khiến nhiều người dân bức xúc, cảm thấy phản cảm, không những thế, theo nhiều luật sư còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Rải tiền để quảng bá sách
Theo đó, một chiếc khinh khí cầu được thuê từ Thái Lan chở theo tác giả Phạm Tuấn Sơn rồi thả bay trên bầu trời thành phố nhằm giới thiệu cuốn sách.
Khi khinh khí cầu bay lên cao, ông Sơn đã lấy một bọc đựng tiền cùng những phong bao lì xì rải xuống phía dưới sân vận động Tự Do ở TP Huế.
Ông Sơn trên chiếc khinh khí cầu. |
Những tờ tiền mà ông Sơn thả xuống có hai mệnh giá là 5.000 đồng và 10.000 đồng. Phía bên dưới, bố trí hơn 100 diễn viên quần chúng để sau khi thả tiền, những diễn viên này sẽ chạy đến lượm tiền.
Theo ông Sơn, hoạt động này được gọi tên là “mưa tài lộc” nhằm truyền cảm hứng làm giàu cho mọi người, đặc biệt là những độc giả của cuốn sách “Dám làm giàu”.
Tuy nhiên, trong quá trình tạo “mưa tài lộc”, do không kiểm soát được hướng gió nên một lượng lớn tiền đã bị cuốn bay ra khỏi khuôn viên sân vận động Tự Do, rơi vương vãi khắp một đoạn đường Nguyễn Thái Học, TP Huế.
Sau khi chứng kiến cơn “mưa tiền”, nhiều người dân địa phương cho rằng đây là hoạt động phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Huế.
Ông Vũ Trọng Quân, Phó giám đốc Công ty First News cho biết, hoạt động “mưa tài lộc” do phía tác giả tổ chức để thực hiện quay phim quảng bá cho cuốn sách. Công ty First News hoàn toàn không liên quan.
Đại diện Phòng Thông tin, báo chí và xuất bản thuộc Sở Thông tin, Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị chỉ cấp phép buổi họp báo ra mắt cuốn sách “Dám làm giàu” tổ chức tại khách sạn Mường Thanh (TP Huế) vào sáng cùng ngày.
Còn ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trước đó ê-kip của tác giả Phạm Tuấn Sơn có xin phép Sở tiến hành hoạt động bay khinh khí cầu ở sân vận động Tự Do để xây dựng hình ảnh quảng cáo qua việc quay phim.
“Khách quan mà nói thì đoàn đang xây dựng hình ảnh quảng cáo cuốn sách chứ chưa phải là làm quảng cáo chính thức. Nếu tiến hành quảng cáo thật sự thì chúng tôi sẽ phạt được. Nhưng đây chỉ là bước chuẩn bị nên Sở chưa có căn cứ để xử phạt.
Tuy nhiên chúng tôi sẽ xem xét việc này trong thời gian tới để có các động thái như nhắc nhở tránh gây ra hình ảnh rải tiền phản cảm không hay nếu ê-kip của tác giả Phạm Tuấn Sơn tiến hành quảng cáo thật với hành động như trên”.
Có thể xử phạt hành vi “rải tiền”?
Tuy nhiên theo Luật sư Phạm Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP HCM) thì sự việc trên cho thấy, các hoạt động tại sân vận động nằm ngoài phạm vi buổi họp báo mà đơn vị tổ chức là Công ty First News, còn tác giả chỉ là một trong những nhân vật của sự kiện.
Sự việc rõ ràng là vi phạm, nhưng cần xác định đúng để xử phạt đúng người, đúng hành hành vi. Công ty First News là chủ thể của buổi tổ chức này, nội dung sự kiện không phải là các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội,… nhưng hình cuốn sách trên kinh khí cầu là sản phẩm cần bán, như vậy đã là hành vi quảng cáo.
“Nếu không coi đây là đang thực hiện việc quảng cáo mà là dạng quay film để quảng cáo trên media là chưa đúng, vì bản thân các hoạt động đó đã có tác động vào những người xung quanh, thậm chí là nhiều cơ quan báo chí đưa tin, đưa hình về sự kiện sau buổi họp báo (hình ảnh kinh khí cầu có cuốn sách)”, luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm.
Do đó, hành vi tung tiền như sự kiện này có thể bị xử phạt vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo. Cụ thể, Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo:
Tại điểm (đ) khoản 5 Điều 51 về hành vi quảng cáo “sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam trong quảng cáo” với mức phạt từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Luật sư Tuấn Anh cho biết thêm, nếu việc “rải tiền” khiến tiền bị hủy hoại (chẳng hạn người dân đi đường chèn lên khiến tiền bị hỏng, rách...) thì cần xét thêm xử phạt về hành vi này.
Theo đó: Khoản 3 Điều 31 Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Đạt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc ném, rải tiền ra đường để người dân xúm vào tranh giành còn có thể gây mất trật tự an toàn giao thông và an ninh khu vực, thậm chí xảy ra ẩu đả.
Ở khía cạnh văn hóa, nếu xét thấy hành vi này có sự phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục thì còn có thể bị xử phạt theo điểm d khoản 4 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo:
“4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: d) Quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”.
Tác giả: Phạm Văn
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam