Số hóa

Mua SIM sẽ không dễ như mua rau?

Việc mua bán SIM thuê bao, đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.

Bộ TT&TT vừa có công văn gửi các cơ quan chức năng và ba nhà mạng VNPT, Viettel, MobiFone về việc quản lý thuê bao di động trả trước.

Đau đầu với thuê bao trả trước

Công văn của Bộ giải thích rõ ngày 8-7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về quản lý thuê bao di động trả trước. Căn cứ trên đề xuất của các bộ, cam kết của các doanh nghiệp viễn thông và tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại cuộc họp, Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký chính xác thông tin thuê bao mạng 4G (bao gồm cả thử nghiệm và triển khai thương mại); rà soát, xác minh, cập nhật nâng cao tính chính xác thông tin thuê bao di động trả trước đang hoạt động của mình.

“Sau một thời gian sẽ tiến hành ngừng cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao có thông tin thuê bao không chính xác hoặc không đầy đủ” - công văn trên nêu rõ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải rà soát, thu hồi toàn bộ số SIM thuê bao đã đăng ký sẵn thông tin thuê bao trên các kênh phân phối trước ngày 31-12-2016. Việc mua bán SIM thuê bao, đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có nhân viên giao dịch của doanh nghiệp viễn thông di động được tập huấn, đào tạo về quy trình, thủ tục đăng ký thông tin thuê bao.

Trên thực tế, vấn đề quản lý thuê bao trả trước lâu nay luôn làm đau đầu các cơ quan quản lý. Ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), cho biết đầu số 456 của đơn vị này mỗi tháng tiếp nhận khoảng 60.000 phản ánh tin nhắn rác của người sử dụng. Đây cũng là chủ đề được đề cập tại nhiều buổi giao ban quản lý nhà nước gần đây của Bộ TT&TT. Nguyên nhân bởi thuê bao trả trước được coi là thủ phạm dẫn đến tình trạng tin nhắn rác gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Khách hàng đang chọn mua SIM tại một cửa hàng. Ảnh: HTD


Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT, cho hay muốn xử lý tin nhắn rác, mấu chốt là phải quản lý được thông tin thuê bao cá nhân.

“Trong thời gian vừa qua, Cục cũng như các đơn vị của bộ đã có nhiều văn bản, thậm chí là chỉ đạo miệng trong nỗ lực ngăn chặn tin nhắn rác. Báo cáo của doanh nghiệp cho thấy trong sáu tháng đầu năm nay đã chặn được 252 triệu tin nhắn rác, khóa hơn hai triệu thuê bao phát tán tin rác” - ông Hải cho biết.

Mua bán vô tư

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay nhiều tiệm tạp hóa tại TP.HCM bán SIM kèm thẻ cào. Chị Trần Thị Thanh vừa bán nước mía vừa treo bảng bán SIM trước mặt tiền nhà đường Võ Thành Trang, quận Tân Bình. Bên trong nhà chị có một quầy nhỏ dán các thông tin về SIM lẫn bảng quy trình bán SIM Viettel. Mặc dù bảng dán yêu cầu khách hàng phải có CMND nhưng chị cứ bán theo yêu cầu của khách, không hỏi gì về thông tin cá nhân. Chị cho biết mình làm đại lý bán SIM được ủy quyền, cũng qua tập huấn, đào tạo mới được bán SIM.

Chị Thanh nói: “Việc bắt khai báo thông tin khách hàng thì nhà mạng nói hoài nhưng khách không khai thì cũng không làm gì được khách. Người này lấy số CMND của người khác đi mua SIM thì cũng khó xử lý. Hoặc người ta đã mua SIM, nay bắt khai thông tin thì khai đại thông tin nào đó, ai biết đâu mà xử lý”.

Trên đường Âu Cơ, chủ một cửa hàng điện thoại kèm đại lý bán SIM Viettel đặt vấn đề: “Nếu không giao cho các cửa hàng nhỏ làm đại lý bán SIM mà chỉ các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông mới được bán thì ai đi bán SIM cho nhà mạng? Còn việc chống SIM rác đã nói cả chục năm nay rồi nhưng đâu cũng vào đấy. Ai muốn xài cứ xài, cứ thay SIM. Mặc dù có quy định phải có CMND mới bán nhưng nếu người bán yêu cầu thì khách chẳng mua SIM nữa vì phiền phức”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng một trong những giải pháp căn cơ để chặn tin nhắn rác là phải có quy định chế tài người gửi tin nhắn rác và quản lý được SIM rác. Nếu nhà mạng thả nổi việc mua bán SIM rác, để tình trạng khách hàng có thể dùng bất cứ CMND nào để đăng ký mà không ai quản, không ai biết thì SIM rác vẫn tràn lan.

Đâu có làm gì xấu mà phải sợ

Bà Phương Vy (quận Tân Phú) cho hay bà có một số điện thoại chính để giao dịch làm ăn, một số điện thoại chỉ cho người nhà biết để gọi. Hai số này bà đều đăng ký thông tin đầy đủ. Ngoài ra, bà hay mua SIM khuyến mãi để dùng nếu có dịp khuyến mãi lớn, dùng đến hết khuyến mãi thì vứt đi. “Tôi đã có 5-7 cái SIM khuyến mãi như vậy, chẳng phải đăng ký thông tin gì” - bà Vy cho biết.

Cũng theo bà Vy, không có gì phải lo ngại về việc siết chặt mua SIM. “Chỉ sợ không có tiền mua chứ sợ gì không có chỗ bán. Nếu người ta phải khai thông tin thì mình cũng khai, đâu có làm gì xấu mà phải sợ”.

Bức xúc vì tin nhắn rác

Tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm ngành TT&TT diễn ra hồi tháng 7-2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã yêu cầu các cơ quan của Bộ phải tập trung hoàn thiện chính sách quản lý thuê bao di động trả trước; ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM di động sai quy định. Bộ trưởng cho rằng tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn còn nhiều. Điều này gây bức xúc cho người dân, do đó các nhà mạng phải tích cực hơn nữa trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Tác giả bài viết: Viết Thịnh - Quỳnh Như

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP