Xe

Môtô phân khối lớn sẽ "bùng nổ" tại Việt nam?

Trung bình mỗi năm Việt Nam đón nhận khoảng 2 triệu xe máy mới lăn bánh, theo thống kê của 5 nhà sản xuất xe máy lớn tại Việt Nam là Honda, Yamaha, Piaggio, SYM và Suzuki. Và đây chính là lí do mà các hãng xe máy lớn trên thế giới đều tìm đến mảnh đất "thiên đường" này.

Sự nở rộ của phân khúc môtô phân khối lớn

Thị trường xe máy tại Việt Nam hiện đang là điểm đến của các thương hiệu xe máy và môtô lớn trên thế giới; điều này thể hiện ở việc mỗi năm có khoảng 2 triệu xe máy mới được sản xuất và tiêu thụ tại Việt Nam, chưa kể các nguồn nhập khẩu khác.

Chính vì vậy, bất chấp những biện pháp hạn chế xe hai bánh mà Chính phủ đã đề ra, các thương hiệu lớn trên thế giới, đặc biệt là các hãng chuyên về dòng xe phân khối lớn (với đủ các phân khúc Naked-bike, Sport, Adventure, Touring...) đều chọn Việt Nam là điểm đến trong tương lai.

Piaggio mở Motoplex để đưa về Guzzi, Aprilia trong khi Honda Việt Nam cũng đang xúc tiến những đại lí chuyên về mảng môtô phân khối lớn, tách biệt hẳn khỏi hệ thống HEAD hiện nay.

Điều này minh chứng bằng việc liên tiếp các thương hiệu lớn đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam: BMW, Ducati, Kawasaki, Harley-Davidson, KTM đã có nhà phân phối chính thức. Chưa kể Benelli, Royal Enfiel, Brixton... cũng đã góp mặt.

Trong tương lai, hàng loạt thương hiệu lớn cũng chắc chắn có mặt tại Việt Nam khi Piaggio với kế hoạch mở Motoplex với sự có mặt của Guzzi và Aprilia, Triumph đang hoàn thiện đại lí lớn tại Tp Hồ Chí Minh, chưa kể thương hiệu lâu đời của Mỹ là Indian Motorcycle cũng đang có những động thái thăm dò thị trường.

Ngoài ra, cũng cần phải kể đến các thương hiệu xe máy Nhật Bản như Honda, Yamaha, Suzuki... đều tự nhập khẩu xe máy phân khối lớn về phục vụ nhu cầu trong nước, cho dù quy mô chưa phải là lớn

Một thị trường cạnh tranh

Nếu như ở phân khúc xe máy bình dân, cuộc cạnh tranh ở dung tích dưới 150cc đều không thoát khỏi những thương hiệu lớn đã có nhà máy tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Piaggio, SYM và Suzuki. Thì ở phân khúc xe máy phân khối lớn, một cuộc cạnh tranh khá quyết liệt khi có thêm các công ty thương mại có giấy phép nhập khẩu xe máy.

Hiện tại, thị trường xe máy nói chung tại Việt Nam vẫn có sự cởi mở về chính sách khi các công ty nhập khẩu xe máy mới không cần phải có giấy tờ chứng nhận được chỉ định phân phối cho thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, thị trường xe máy Việt Nam đang có một thực tế khá lí thú khi các hãng xe máy như Honda, Yamaha... đang phải cạnh tranh với chính các mẫu xe do mình sản xuất được nhập khẩu không chính thức về Việt Nam.

Chỉ có nhờ các nhà nhập khẩu ngoài, thị trường Việt Nam mới có cơ hội sử dụng các mẫu xe hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu và gần gũi môi trường như Honda Dunk, Zoomer 50cc, Yamaha Gear, Vox (C3)...

Mặc có tiềm lực kinh tế bằng các thương hiệu nhập khẩu chính hãng nhưng bù lại, các công ty nhập khẩu ngoài lại có khả năng mang về những mẫu xe mới vừa ra mắt trên thị trường thế giới, cũng như thoải mái đưa về các chủng loại xe khác nhau, trong khi các thương hiệu nhập khẩu chính hãng lại không thể nhanh nhạy với thị trường đến vậy khi phải phụ thuộc vào chiến lược của công ty hay nhà sản xuất.

Và thực tế này giúp người tiêu dùng Việt Nam có quyền lựa chọn mua xe mà không phải lo ngại việc bị ép giá do thị trường có sự cạnh tranh giữa chính hãng và nhập khẩu ngoài.

Thay đổi là tất yếu

Đã qua rồi cái thời xe máy chỉ có một cụm động cơ đi kèm bộ chế hòa đơn giản khí đơn giản, những chiếc xe máy giờ đây đã được ứng dụng nhiều hơn những tiến bộ về công nghệ chế tạo. Xe máy và môtô giờ đây đã được ứng dụng hầu như toàn bộ những tiến bộ về công nghệ mà nền công nghiệp ôtô phát minh ra; hệ thống phanh chống bó cứng ABS, hệ thống kiểm soát lực kéo (trên các mẫu naked-bike, sport cỡ trung trở lên), hộp số tự động (Honda NC, Twin Africa...), hệ thống tăng áp (Supercharger trên Kawasaki H2)...

Công nghệ phát triển kèm theo đó là việc đòi hỏi máy móc, đào tạo nhân lực để có thể thực hiện được những công việc liên quan đến bảo hành, bảo dưỡng... Và những thứ này hoàn toàn có thể gọi là bí mật công nghệ và các hãng không có lí do phải chia sẻ cho các đối thủ cạnh tranh với chính mình.

Hiện này, riêng Harley-Davidson không có nhà nhập khẩu ngoài (một phần do giá xe quá cao, kén khách và hiệu quả kinh doanh không lớn, dòng vốn tồn đọng nhiều), còn lại hầu hết các thương hiệu khác đều có các công ty nhập khẩu không chính thức đưa xe về Việt Nam.

Chính vì vậy, nếu muốn giữ được thị phần của mình trong miếng bánh "phân khối lớn" các công ty nhập khẩu ngoài buộc sẽ phải tìm đường tiếp thu công nghệ và máy mọc hỗ trợ, nếu như không muốn người tiêu dùng quay lưng, bởi sẽ chẳng có người mua nào bỏ hàng trăm triệu đồng để mua một sản phẩm một nơi mà bảo hành bảo dưỡng một nẻo.

Và bài học này, các nhà phân phối môtô sẽ cần phải rút kinh nghiệm sớm từ thị trường ôtô nhập khẩu mới nếu muốn có một thị trường cạnh tranh, khi mà hiện nay việc nhập khẩu môtô, xe máy mới không cần phải có chứng nhận được ủy quyền chính hãng hay là đại lí chính thức.

Tác giả: Như Phúc

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG