Xã hội

Một ngày cầu nguyện vì 'trẻ em cõi âm'

Mỗi dịp Rằm tháng Bảy, khoá lễ cầu siêu thai nhi tại Đại Bảo tháp Tây Thiên (Vĩnh Phúc) lại thu hút hàng nghìn người tham dự.

Tiếng à ơi da diết, ca sĩ Phật tử Bông Mai trìu mến hát ru vong hồn bao hài nhi bé nhỏ đoản mạng đã chạm đúng nỗi niềm của người làm cha mẹ khiến họ bật khóc trong lễ cầu siêu thai nhi tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên (Vĩnh Phúc) ngày 27/8.

“Thương con quá!”, chị Kim Anh (Hà Nội) nghẹn ngào, "gần 10 năm nay, vợ chồng đều đặn về Tây Thiên dự lễ và lần nào mình cũng khóc nhưng thâm tâm thấy nhẹ nhõm, không sầu muộn. Mình có niềm tin là nhờ sự ban phúc của Tam Bảo từ đàn lễ linh thiêng, thanh tịnh, con đã được siêu thoát về với Phật".

Quá trình mang thai, chị Kim Anh không may bị nhiễm cảm cúm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hình thành, phát triển của thai nhi. Bé Đỏ (cách gọi tâm linh) của gia đình chị đã mất từ trong bụng mẹ...

Một bà mẹ không kìm được xúc động trong khoá lễ. Ảnh: Hương Sen

Câu chuyện “9 tháng 10 ngày” sinh con của vợ chồng anh Huynh (Hoài Đức, Hà Nội) cũng khiến nhiều người cảm kích. 15 năm trước, anh chị cưới nhau. Họ đều là công nhân, cuộc sống thiếu thốn nhưng tình yêu thì luôn đong đầy, nhất là khi anh chị đón tin vui có thai con đầu lòng. Anh Huynh đều đặn đưa vợ đi khám. Nhưng vào tháng thứ 6, anh chị chết lặng khi hay biết thai nhi bị khuyết não.

“Còn hơn cả sét đánh, dù vậy vợ chồng tôi vẫn quyết định để con chào đời. Cháu là một bé trai, ở cùng bố mẹ được gần 5 tháng thì mất”, anh Huynh giọng buồn kể. Nỗi đau mất con làm anh thay đổi, trở nên cục cằn, chấp nhặt vô lối, bất luận sau này vợ chồng đã có thêm hai đứa con, một gái, một trai. Anh Huynh kể, có lần anh giận vợ cả tuần không nói chuyện mà nguyên nhân chỉ rất cỏn con, dưa cà...

Hai năm trước, anh Huynh theo bè bạn lên Tây Thiên dự lễ cầu siêu cho thai nhi. “Lời giảng của Sư thầy cho tôi suy ngẫm và hiểu rằng mối tình thâm huyết nhục giữa cha mẹ và con cái thực sự là nhân duyên, có hợp, có tan... Tôi đã không còn quá đau đắng chuyện mất con, bù lại biết sống thương yêu, chia sẻ với vợ nhiều hơn”, anh Huynh bộc bạch.

Con gái lớn của anh Huynh cũng chăm theo bố đi chùa lễ Phật, nghe sư thầy giảng kinh pháp. Anh nhận thấy con gái - dù đang lứa tuổi teen nhưng đã sớm có suy nghĩ chín chắn.

Một Phật tử thành tâm đọc kinh sám hối. Ảnh: Hương Sen.

Trong số hơn 3.000 người dự khóa lễ cầu siêu thai nhi mùa Vu lan này, có cả những bạn trẻ chưa kết hôn. Lời chia sẻ của sư cô Chân Thường về mối nhân duyên, tình thâm cốt nhục thiêng liêng giữa cha mẹ và con trẻ gợi cho họ những suy ngẫm.

Sư cô giảng: “Khi tinh cha huyết mẹ nhập vào nhau, tại thời điểm này, thai nhi chỉ là một hòn máu nhỏ chưa bằng hạt đậu nhưng tinh thần của đứa trẻ đã được nhập vào. Hài nhi trong bụng đã là người”. Các em khao khát được cất tiếng khóc chào đời và đón nhận tình thương của cha mẹ. “Em mong thông điệp này có tác động đến nhiều bạn trẻ” - bạn Quang Đức (Hải Phòng) nói.

Không chỉ phụ nữ phải mang nặng đẻ đau là tâm đắc với lời Phật dạy mà cả nam giới cũng “tâm phục khẩu phục” với cách nhìn đầy nhân bản, nhân văn của đạo Phật về vấn đề quyền con người và “quyền được làm người”.

Thầy đốt bản danh sách có tên tuổi các em bé. Ảnh: Hương Sen.

Dưới sự hướng dẫn của sư thầy ai nấy cùng nhất tâm đọc kinh, niệm Phật với lòng thành kính, hướng tới Đức Phật, cầu mong những linh hồn bé nhỏ được siêu thoát. “Suốt 12 giờ đồng hồ ngồi tụng kinh khấn nguyện cho con, chỉ vào thời khắc này và tại nơi đây, em mới có niềm tin là con vừa được siêu thoát, cho dù cháu đã mất hơn 3 năm rồi” - chị Nguyễn Hương Giang (Vĩnh Phúc) xúc động nói.

Ngày 3/9 (13/7 âm lịch), tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên các Chư Tăng Ni Tây Thiên sẽ cùng đông đảo người dân và Phật tử cử hành Đại lễ Phả độ gia tiên (cầu siêu cho hương linh cửu huyền thất tổ) theo nghi lễ Phật giáo Đại thừa - Kim Cương thừa. Lễ Vu lan báo hiếu công đức cha mẹ sinh thành sẽ tổ chức tại Tịnh thất Tây Thiên ngày 5/9 - Rằm tháng Bảy.

Tác giả: Hương Sen

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP