Có hương thảo là có nhớ
Nghe nói món gà ướp lá hương thảo nướng nên tôi tìm đến. Hương thảo - đó là thứ gia vị nức tiếng ở xứ Địa Trung Hải, có tên là rosemary. Nghe nói tên loài cây trường sinh này – nói vậy chớ để trong nhà lạng quạng là nó chết ngắt – được dùng đặt tên nhiều cho quý cô, bà, vì tự bản thể loài cây chất chứa trong nó nhiều huyền thoại.
Vốn tên của loài cây có nguồn từ tiếng Latinh nghĩa là sương biển. Thần thoại kể rằng sương biển đã bao phủ lên người nữ thần Hy Lạp Aphrodite khi nàng sinh ra từ biển – từ tinh dịch của thần Uranus. Về sau người La Mã photocopy phiên bản này thành nữ thần Venus.
Thời Trung cổ, ở châu Âu, rosemary có trong các nghi thức đám cưới. Cô dâu đội một vòng rosemary và chú rể cùng khách dự tiệc tất cả đều đeo một nhánh rosemary. Và nó tượng trưng cho sự mị hoặc của tình yêu. Ngoài ra nó còn là biểu tượng cho nỗi nhớ, niềm thương nhớ. Nàng Ophelia trong vở Hamlet của Shakespear, từng nói: “Có hương thảo là có nhớ: nguyện cầu, yêu thương, tưởng nhớ”. (Hamlet, iv.5.)
Món gà ướp lá hương thảo nướng.
Một nghiên cứu gần đây đã dí dỏm xác định là Shakespear có lý. Hương thảo làm cho người ta nhớ dai thiệt. Các chuyên gia dùng bốn giọt tinh dầu hương thảo cho vào một cái quạt khuếch tán hương khắp căn phòng thử nghiệm trong năm phút, trước khi để cho những tình nguyện viên tham gia vào phòng để test trí nhớ đối chứng với nhóm ở trong phòng không có xông tinh dầu. Kết quả là trí nhớ của nhóm trong phòng có tinh dầu trội hơn nhóm không 60 – 75%. Theo các nhà nghiên cứu của đại học Northumbria ở Newcastle, Anh quốc, trong máu của những người hít hương của hương thảo lượng 1,8-cineole cao hơn đáng kể so với những người không hít, giúp họ có sức tập trung cao hơn. 1,8-cineole là hợp chất có liên quan đến sự tập trung chú ý.
Hương thảo vào bàn ăn Việt
Hương thảo gần đây đã nhập vào Việt Nam và sinh sôi như là thứ cây kiểng, cần thì ngắt lá làm gia vị ướp thịt nướng, thịt rôti khá ư là tiện lợi. Nó làm cho ta mường tượng như đã đem những giọt sương biển Địa Trung Hải về thật gần nhà. Nó làm ta nhớ đến bức tranh đản sinh thần Vệ nữ của Sandro Botticelli – da thịt nàng thần sexy làm xám xịt cả vùng biển.
Ngoài tác dụng làm thuốc bồi bổ trí nhớ, hương thảo khá là “bá đạo” trong ẩm thực. Ướp món mặn cũng được mà món ngọt càng được hơn. Người ta có thể dùng các nhánh hương thảo ngâm trong dầu ôliu, để có hũ dầu thơm làm các món salad. Hoặc trộn với bơ mềm phết lên bánh mì. Cho vào nước ướp khi nấu thịt gà. Gia vào tương ớt. Các món bít tết, áp chảo, nướng, chiên càng đắc địa với lá hương thảo. Rắc lên các lát cá khi ăn. Cho vào khoai tây chiên cũng OK.
Với món ngọt như nước quít đường để lạnh sau khi xên quít đường lên cùng với lá hương thảo. Các thức uống khác đều xài được. Ăn lá rosemary chung các loại trái cây chín mềm.
Nhưng con gà ướp lá hương thảo nướng một buổi chiều tuần trước ở cái quán nói trên cố ngửi hoài mà không nghe mùi hương thảo. Hỏi xin một lá hương thảo, cô phục vụ giải thích: dạ gà nướng ở Lê Quang Định (Gò Vấp) rồi đưa xuống đây chỉ làm nóng lại thôi. Ở đây nướng gà hàng xóm rầy.
Thôi rồi, về đến quận 3, hương đã bay mất, mà thảo chẳng thấy đâu. Chỉ còn nhớ cái giá trên 100.000 đồng một con gà tam hoàng nướng khá là dễ chịu trong cái buổi thời mà mũi tên tăng trưởng cứ gục đầu xuống như cô dâu ra đường.
Có phải vậy mà quán đông? Lại phục vụ không tồi. Mỗi tối có khi một bàn trong quán quay đến ba vòng khách. Toàn là tuổi teen. Họ ăn vóc dữ lắm. Thường thường hai người “trị” hết cả con gà ướp lá hương thảo nướng – may là gà Việt nhỏ con như người bản xứ. Mà cũng chưa hẳn, anh chàng mập ngồi muốn chết cái đẩu nhựa thấp ở bàn bên kia lớn tiếng khoe: “Bữa trước sáu người ăn hết bốn con gà”. Quá vóc!
Chưa kể các teen còn xơi nào xúp, nào xôi. Cái hệ quả của ăn vóc, thì ông bà ta kết luận là học hay. Xin cho được như vậy!
Tác giả bài viết: Ngữ Yên