Cuộc sống

Mới mùng 3, vợ chồng trẻ hoảng hồn vì điều này, có lẽ đây là chuyện của khối người trải qua dịp Tết

Đi chúc Tết, chẳng mấy ai lại đi... tay không. Lì xì nhau đã trở thành “luật bất thành văn” của các gia đình khi đi chúc Tết. Theo đó, “sức nặng” của bao lì xì cũng “leo thang”.

“Lo sốt vó” tiền lì xì

Trước Tết Nguyên đán một tháng, bà Nguyễn Thị Hằng (45 tuổi, Mai Lĩnh, Hà Nội) đã lùng sục tìm nơi đổi tiền lẻ để mừng tuổi khi đi chúc Tết. Bà đổi 4 triệu đồng, trong đó 2 triệu tiền 10.000 đồng và 2 triệu tiền 20.000 đồng.

Nếu như ngày xưa, mừng tuổi 5000 đồng đã “to lắm”, còn giờ đây, mừng tuổi “bét” nhất cũng phải 10.000 đồng.

Chúc Tết và lì xì luôn là câu chuyện khiến nhiều bà nội trợ đau đầu. Ảnh minh họa.

Bà Hằng chuẩn bị sẵn các bao lì xì trong đó để tiền mệnh giá 10 – 20.000 đồng. Các cháu trong nhà bà mừng tuổi “đồng giá” 20.000 đồng. Còn các cháu của bạn bè, gặp tình cờ ngoài đường khi đi chúc Tết thì mừng tuổi 10.000 đồng.

Nhiều người nói bà “bày vẽ, tình cảm với nhau là quý rồi”. Nhưng bà cảm thấy ngại ngùng vì “đi chúc Tết chẳng ai đi tay không”, “người ta mừng tuổi cháu mình thì mình cũng phải mừng tuổi lại người ta”, “có đi có lại mới toại lòng nhau”.

Vì thế, cứ đến Tết là bà lại “lên danh sách” số lượng cháu cần mừng tuổi, tiền mừng tuổi phát sinh rồi tìm nơi đổi tiền. Bà cảm thấy xót xa khi nhận ra nghịch lý lì xì là dành cho trẻ con nhưng lại trở thành một cuộc “đi lại”, tính toán sòng phẳng của người lớn mà bỏ qua niềm vui, ý nghĩa đích thực của việc lì xì.

Vợ chồng mới cưới cũng hoảng hồn

Không ít bà nội trợ lớn tuổi cho biết, chỉ tính đến mùng 2 Tết, họ đã tốn ngót nghét tới 4 – 5 triệu tiền mừng tuổi. Người lớn tuổi đã vậy, các cặp vợ chồng trẻ còn tốn kém hơn nữa. Nhất là những cặp vợ chồng mới cưới.

“Dâu rể mới khi đi chúc Tết phải có quà biếu các ông bà và kèm theo đó là mừng tuổi một đàn cháu. Công việc lên danh sách quà mừng họ hàng đôi bên khiến vợ chồng mới cưới phải vò đầu bứt tai”, chị Quỳnh Trang, quê ở Thanh Hóa chia sẻ.

Lì xì cần được trả về đúng ý chúc mừng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc tới người nhận. Ảnh minh họa.

Tết này, chị Trang đã chuẩn bị 10 triệu đồng để mừng tuổi, quà cáp khi về quê chồng. Trong danh sách “những địa chỉ cần tới dịp Tết”, nhìn sơ sơ chị đã thấy có 20 cụ mừng thọ, phải “chi đẹp”.

Mỗi cụ mừng tuổi ít nhất 100.000 đồng, nhân với 20 địa chỉ, tròm trèm hai triệu bạc, chưa kể các anh, các chị, hàng tá các cháu xếp hàng háo hức chờ chú rể mới lì xì đầu năm.

"Để tránh bỏ sót, hai vợ chồng tôi phải lên danh sách, chuẩn bị quà sẵn. Họ hàng đông, người quê quý khách nhưng hay soi mói. Cả năm mới về quê chúc Tết, quên một cái là rách việc lắm!”, chị Trang thở dài.

Ngoài lì xì, chị Trang còn ám ảnh việc chúc rượu ở quê ngày Tết. Nhà nào cũng mời rể mới chén rượu. Từ chối thì bị kết tội “quên họ hàng”, “rông cả năm”. Mà uống ít lại các chú các anh cho rằng “sợ vợ”, “mặc váy”, “rể thành phố khinh người”…

Thành thử vợ chồng trẻ đi chúc Tết vừa tốn tiền lì xì, vừa mệt phờ phạc. Họ chỉ mong hết cái Tết để quay trở lại thành phố với nhịp sống bận rộn thân quen của mình.

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP