Năm 2006, Trump có ý định mua lại khu Menie, gần Aberdeen, Scotland, nhằm biến những đụn cát và thảm cỏ ở đây thành một tổ hợp sân golf cao cấp.
Tại nhà hàng Cock & Bull, ông ngồi vào bàn thương lượng với Tom Griffin, chủ sở hữu khu đất. Phong cách đàm phán cứng rắn của Trump khiến Griffin ấn tượng. Ông trùm bất động sản không chịu nhượng bộ dù là chi tiết nhỏ nhất.
Trong những hồi ức sống động nhất của Griffin về vị khách tóc vàng, Trump hiện lên như một diễn viên đang biểu diễn trên sân khấu.
“Đó là Donald Trump đóng vai chính mình”, Griffin nhận xét. Ông cảm thấy màn diễn này dường như có gì đó siêu thực.
Mark Singer cũng có cùng cảm giác bối rối ấy khi viết bài chân dung về Trump cho tờ New Yorker vào cuối những năm 1990. Singer băn khoăn không biết điều gì diễn ra trong tâm trí của Trump những lúc một mình.
“Ông nghĩ về điều gì mỗi khi đứng trước gương để cạo râu vào buổi sáng?”, Singer hỏi. Cây bút của New Yorker nhận thấy vị tỷ phú bắt đầu có vẻ bối rối. Ông dường như đang cố gắng che giấu người đàn ông phía sau tấm mặt nạ diễn viên của mình.
Singer không có được câu trả lời mình mong muốn. Trump không bao giờ tiết lộ con người thật của ông. Nhà tài phiệt này ý thức sâu sắc rằng mình luôn luôn diễn xuất, thậm chí còn hơn cả Ronald Reagan, một cựu tổng thống Mỹ từng là diễn viên.
Sự giận dữ tạo nên sức cuốn hút
Trong suốt chiến dịch tranh cử, Trump luôn tỏ ra là một nhân vật khó lý giải, từ xuất thân đặc biệt, quan điểm về các vấn đề, cho đến ngôn từ khiêu khích và khuynh hướng chính trị bạo lực.
Giữa năm ngoái, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ còn chưa ngã ngũ, Giáo sư Dan P. McAdams của Đại học Northwestern đã đi tìm lời đáp về ứng viên tổng thống gây tranh cãi này dưới góc độ tâm lý học.
Donald Trump thăm Câu lạc bộ Golf Turnberry, Scotland, tháng 6/2015. Ảnh: Getty.
Theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, cá tính của Trump cũng có thể được đánh giá là cực đoan và hiếm có, đặc biệt là đối với một ông chủ Nhà Trắng. Bản tính phô trương ngất trời và lòng đồng cảm cực thấp của Trump là những tính cách mà người ta không mong đợi ở một tổng thống Mỹ.Giống như George W. Bush, Bill Clinton và Theodore Roosevelt, Trump tỏ ra là người hướng ngoại và sôi nổi. Ông luôn bị thôi thúc, bồn chồn và không thể ngồi yên.
Trump thường ngủ rất ít. Trong cuốn ‘Nghệ thuật Đàm phán’ năm 1987, Trump kể rằng ông luôn bận rộn cả ngày với các cuộc họp và các cuộc điện thoại. 30 năm sau, ông vẫn liên tục tương tác với mọi người, trong các buổi vận động, phỏng vấn hay trên mạng xã hội.
Tính đồng cảm của Trump dường như còn cực đoan hơn cả tính hướng ngoại, nhưng theo chiều hướng trái ngược. Trump chắc chắn rất yêu gia đình mình. Ông cũng được ca ngợi là một ông chủ hào phóng và công tâm.
Nhà tài phiệt thậm chí còn từng giúp đỡ một cậu bé đang hấp hối vì bệnh ung thư. Vốn là fan của chương trình “Người tập sự”, cậu bé mong muốn được nghe Trump nói với mình câu “Cậu bị sa thải!”.
Trump không thể thực hiện điều này. Thay vào đó, ông viết cho cậu bé tấm ngân phiếu vài chục nghìn USD và nói với cậu rằng “Hãy tận hưởng thời gian trong cuộc đời của cậu”.
Tuy nhiên, đây chỉ là vài trường hợp ngoại lệ. Về tổng thể, Trump được mọi người đánh giá là lòng dạ sắt đá, thô lỗ, kiêu ngạo và ít đồng cảm với người khác.
Theo Barbara Res, phó giám đốc phụ trách thi công Trump Tower tại Manhattan đầu những năm 1980, cảm xúc chủ yếu chi phối tính cách của Trump chính là sự giận dữ. “Sự giận dữ của ông ấy là thật. Ông ấy không làm bộ để tạo ra nó. Đó là bản tính của ông ấy”, cô nói với Daily Beast.
Sự giận dữ có thể là cảm xúc ẩn sau tính cao ngạo và khó ưa của Trump. Nó tạo động lực để thống trị xã hội và góp phần vào ham muốn được người khác tôn thờ. Khiếu hài hước mang tính gây hấn cùng sự giận dữ là cốt lõi tạo nên sức hút của Trump. Sự tức giận thấm nhuần trong những bài hùng biện của Trump đã giúp ông thu phục được đám đông công chúng.
Cứng rắn và thực dụng
Dù rất khó dự đoán hành động của một tổng thống, các đặc điểm tính cách vẫn có thể cung cấp vài manh mối về phong cách ra quyết định của họ.
Với mức độ hướng ngoại cao và sự cởi mở thấp, George W. Bush được cho là có khuynh hướng đưa ra những quyết định táo bạo nhằm đạt được phần thưởng lớn và kiên định với niềm tin của mình. Ông là người đã khởi động cuộc tấn công Iraq và tiêu diệt Saddam Husein.
Giống như Bush, Trump có thể sẽ không ngần ngại vượt qua mọi rào cản để đạt được mục tiêu lớn của mình là làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa, như câu khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của ông.
Trump phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử ở Điện Capitol, Washington, D.C, tháng 9/2015. Ảnh: Getty.
Tính cứng rắn mới là đặc điểm tâm lý khó lường nhất của Trump. Về mặt này, phong cách ra quyết định của Trump sẽ khá giống với tổng thống Richard Nixon và ngoại trưởng Henry Kissinger trong vấn đề đối nội và đối ngoại đầu những năm 1970.Những người như Nixon không dễ bị dao động bởi tình cảm. Tính khó ưa của ông cũng có những lợi thế nhất định trong vấn đề cân bằng lợi ích và đàm phán với các đối thủ.
Trong quan hệ quốc tế, Nixon là người cứng rắn, thực dụng, lạnh lùng và duy lý trí. Trump có thể cũng sẽ thể hiện tính cứng rắn và thực dụng tương tự nhưng sẽ nóng nảy hơn.
Đối với chính trị trong nước, Nixon được nhìn nhận là người mưu mẹo, tàn nhẫn, đa nghi và độc đoán. Đồng cảm không phải là điểm mạnh của ông. Điều này khá giống với Trump, ngoại trừ việc ông trùm bất động sản vốn là một người nổi tiếng và luôn không ngừng PR bản thân.
Đối với những người Mỹ da trắng bảo thủ, hình tượng mạnh mẽ của Trump chính là phẩm chất lãnh đạo mà họ tìm kiếm. Với thành kiến chống lại những người “ngoài nhóm” bao gồm người đồng tính, người Mỹ gốc Phi, người nhập cư và người Hồi giáo, nhóm người này mong muốn giữ được sự an toàn, thuần nhất và tốt đẹp bên trong nhóm cũng như tránh xa những thứ tiêu cực bên ngoài.
Lời hứa xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico để ngăn người nhập cư bất hợp pháp, thái độ chống người Hồi giáo và những kẻ bên ngoài của Trump chính là điều mà họ cần.
Tháng 12/2015, trong chiến dịch vận động tranh cử tại Raleigh, North Carolina, Trump khiến đám đông bên dưới lo sợ khi liên tục nói rằng “điều tồi tệ sắp xảy ra” và “những thứ thực sự nguy hiểm đang diễn ra”.
Một bé gái 12 tuổi đến từ Virginia đã hỏi ông: “Cháu sợ lắm. Ông sẽ làm gì để bảo vệ đất nước này?”.
Trump đáp lại: “Cháu yêu, cháu sẽ không phải sợ hãi nữa. Bọn họ mới là những người sẽ phải lo sợ”.
Tác giả bài viết: Tuyết Mai
Nguồn tin: