Số hóa

Microsoft hàn chết linh kiện bên trong Surface Studio

Ổ cứng của chiếc máy tính all-in-one này có thể nâng cấp mà không cần tháo rời màn hình nhưng RAM, CPU và GPU đã bị hàn cứng với bo mạch chủ.

Surface Studio cho đặt hàng trước từ đầu tháng 11 và tuần qua, những thiết bị đầu tiên đã được vận chuyển tới tay một số khách hàng. Trang web chuyên 'mổ xẻ' thiết bị là iFixit đã ngay lập tức tháo tung chiếc máy tính all-in-one này ra để khám phá "nội thất" bên trong. Điểm đánh giá khả năng sửa chữa và thay thế mà nó nhận được là 5/10.

Quá trình mở máy ban đầu không quá khó khăn dù phải tốn một chút lực, rất may Microsoft không sử dụng tới các loại keo dán. Các con ốc đặt ở mặt đáy và được bảo vệ bằng các miếng tip.

Hai quạt tản nhiệt không chổi than có kích thước khác nhau. Phần bo mạch chính được bảo vệ bởi một tấm nhựa khác, gắn kèm loa ngoài. Dây nối với bo mạch chính khá phức tạp, đến mức iFixit không thể tìm ra cách tháo và đã quyết định cắt đứt luôn để tiết kiệm thời gian.

Trên bo mạch chính, bộ nhớ SSD 64 GB SanDisk Z400s có thể tháo rời dễ dàng. Phần ống đồng tản nhiệt của hai quạt chia ra cho CPU và GPU, trong đó quạt cho GPU lớn hơn và có một ống dẫn nhiệt chạy sang phía CPU.

Ổ cứng Seagate Spinpoint M8 ST1000LM024, loại 2,5 inch tiêu chuẩn dành cho laptop với dung lượng 1TB, tốc độ quay 5.400 vòng/phút. Tuy nhiên theo thông số hiển thị thì đây lại chỉ là loại ổ cứng SATA II.


Surface Studio có một đầu đọc thẻ SD Realtek RTS5314 với chip điều khiển riêng.

Bộ nguồn điện áp kép LiteOn (100-240v), có khả năng tự cấp điện cho một chiếc quạt làm mát nhỏ.

Phần màu đỏ là chip Intel Core i5-6440HQ, tốc độ 3,5 GHz. Phần màu cam là 8 con chip Samsung K4A4G085WE-BCPB 512 MB DDR4, tổng cộng là 4 GB ở mặt này và 4 GB nữa ở mặt sau của bo mạch chủ. Màu vàng là chip đồ họa Nvidia GeForce GTX 965M.

Việc mở màn hình của Surface Studio gặp nhiều khó khăn do phần này được dán chặt bằng keo. iFixit đã phải sử dụng các miệng đệm nhiệt để làm mềm lớp keo dán này.

Ẩn dưới tấm nền màn hình là phần còn lại của bo mạch chủ, bao gồm các chip xử lý hình ảnh, chip nhận tín hiệu cảm ứng, cảm biến hồng ngoại, nhận diện khuôn mặt và một số linh kiện kết nối khác.

Còn đây là phần bản lề của Surface Studio. Phần ốp ngoài không có keo dán hay ốc vít nhưng được gắn khá chặt, phải dùng lực để tách ra. Bên trong là một cặp lò xo có chiều dài không đồng đều. Bản lề được gắn vào màn hình bằng một con ốc ở trung tâm, với các dây cáp truyền tín hiệu được lồng vào phần khung có thể tháo ra dễ dàng.

Phần bản lề còn lại được gắn ở đế, giúp cho thiết bị luôn đứng vững ở mọi góc độ. Có thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả, nó phần nào thể hiện rõ năng lực kỹ thuật của các chuyên gia Microsoft.

Toàn bộ linh kiện của Surface Studio khi bị tháo rời.

Do RAM, CPU và GPU được hàn chết và không thể nâng cấp nên người dùng cần cân nhắc khi đặt mua phiên bản 8GB RAM. Ngoài ra, một vài thành phần nhúng trong màn hình như nút bấm, cảm biến trước và loa cũng rất khó thay thế nếu gặp sự cố.

Tác giả bài viết: Mai Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP