Thể thao

Mesut Ozil: Khi đội tuyển thắng tôi là người Đức, khi thua tôi chỉ là kẻ nhập cư

Tiền vệ người Đức Mesut Ozil đã tuyên bố giã từ đội tuyển bóng đá quốc gia Đức, đồng thời giải thích về cuộc gặp mặt với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng như chỉ trích sự “phân biệt chủng tộc” và “thiếu tôn trọng” mà mình phải chịu đựng.

Trên trang Twitter cá nhân của mình, Ozil đã cho đăng tải một bức tâm thư dài 4 trang và chia làm ba phần chính, trong đó anh đề cập đến cuộc gặp mặt của mình và đồng đội ở Đức là tiền vệ Ilkay Gundogan với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và xây dựng chế độ độc tài. Một tấm ảnh chụp của ba người đã được đăng tải lên mạng và làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên truyền thông Đức.

Mesut Ozil là một trong số những thành viên đội tuyển Đức rời World Cup 2018 từ vòng bảng.

Là một cầu thủ có gốc Thổ Nhĩ Kỳ, song Ozil được sinh ra tại vùng Gelsenkirchen của Đức, trưởng thành và gây dựng sự nghiệp bóng đá của mình. Dù vậy Ozil cho biết mẹ của anh “không bao giờ để tôi đánh mất tổ tiên, nguồn gốc và truyền thống gia đình” và khẳng định rằng hành động của mình hoàn toàn không có ý đồ chính trị.

Tuy nhiên, những chỉ trích mà anh nhận được sau sự kiện này là rất nặng nề, đặc biệt là khi đội tuyển Đức không vượt qua được vòng bảng World Cup 2018 vừa qua. Anh nói rằng hành động trên đã bị nhiều tổ chức cực hữu dùng làm phương thức tuyên truyền cho quan điểm phân biệt chủng tộc.

Không chỉ nhận lấy những lời lẽ khiếm nhã từ những cổ động viên Đức, anh cũng chỉ trích người đứng đầu liên đoàn bóng đá Đức “có tiền sử phân biệt chủng tộc” và không xứng đáng “làm việc cho liên đoàn bóng đá lớn nhất thế giới, nơi có nhiều cầu thủ thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau đang thi đấu cho đất nước”.

Sau cùng, anh nói rằng quyết định từ giã đội tuyển Đức được đưa ra khi anh cảm thấy “không được cần đến và nghĩ rằng những gì mà tôi đã đạt được kể từ khi tôi có trận đấu đầu tiên trong màu áo đội tuyển vào năm 2009 đã bị lãng quên”.

Dưới đây là toàn văn bức thư mà Ozil đã cho đăng tải trên trang Twitter cá nhân của mình:

“1/ Cuộc gặp với Tổng thống Erdogan

Trong vài tuần qua tôi đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ lại về những sự kiện đã xảy ra trong những tháng gần đây. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận của mình về những gì đã diễn ra.

Giống như rất nhiều người khác, gia đình của tôi có nhiều nguồn gốc khác nhau. Mặc dù tôi lớn lên ở Đức, song gia đình của tôi vốn là người Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi có hai trái tim, một dành cho Đức và một dành cho Thổ Nhĩ Kỳ. Vào thời niên thiếu, tôi thường được mẹ dạy rằng hãy luôn luôn tôn trọng và đừng bao giờ quên gốc gác của mình và đây là những giá trị mà đến ngày nay tôi luôn bảo vệ.

Vào tháng 5, tôi gặp gỡ Tổng thống Erdogan tại London (Anh) trong một sự kiện từ thiện và giáo dục. Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên là vào năm 2010 khi ông ấy cùng bà Angela Merkel theo dõi trận đấu giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại Berlin (Đức). Từ đó đến nay, hai chúng tôi đã nhiều lần gặp nhau tại nhiều nơi trên thế giới. Tôi biết rằng bức ảnh chụp của chúng tôi đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông Đức, và mặc dù nhiều người có thể cho rằng tôi đang lừa dối họ, song thật sự bức ảnh mà chúng tôi chụp hoàn toàn không có mục đích chính trị. Như tôi đã nói, mẹ tôi đã dạy tôi không được quên tổ tiên, nguồn gốc và truyền thống gia đình. Việc chụp ảnh với Tổng thống Erdogan không liên quan đến ý đồ chính trị nào, mà đơn giản đó là hành động tôn trọng một lãnh đạo ở quê gốc của gia đình tôi. Tôi là một cầu thủ bóng đá chứ không phải một chính trị gia, và cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi không có ý nghĩa ủng hộ cho bất kỳ chính sách nào. Thực tế, hai chúng tôi luôn nói về đề tài duy nhất là bóng đá, bởi thời trẻ ông ấy cũng là một cầu thủ.

Mặc dù truyền thông Đức coi đây là một hành động xấu, cần phải hiểu rõ rằng việc không gặp mặt Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là thiếu tôn trọng đến nguồn gốc tổ tiên của tôi, những người chắc hẳn sẽ rất tự hào trước những gì tôi đã làm được. Với tôi ai làm Tổng thống không quan trọng, mà là việc người đó là một Tổng thống mới là điều đáng chú ý. Việc tôn trọng một nguyên thủ quốc gia là điều mà tôi tin chắc Nữ hoàng Anh và Thủ tướng Theresa May cũng có thể hiểu được khi họ cũng từng đón tiếp ông Erdogan tại London. Cho dù đó là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hay Tổng thống Đức, tôi vẫn sẽ làm như vậy.

Tôi biết rằng điều này sẽ là khó hiểu đối với nhiều người, khi phần lớn các nền văn hóa hiện nay đều quan niệm rằng vị trí người đứng đầu đất nước không thể tách rời người đang tại nhiệm. Tuy nhiên trường hợp này lại khác hoàn toàn. Cho dù kết quả của cuộc bầu cử vừa qua hay trước đó có diễn ra như thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn sẽ chụp tấm hình đó.

2/ Truyền thông và các nhà tài trợ

Tôi biết mình là một cầu thủ đã thi đấu cho ba giải đấu bóng đá khắc nghiệt nhất trên thế giới. Tôi rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ từ các đồng đội cũng như ban huấn luyện từ các đội bóng thuộc Bundesliga, La Liga và giải Ngoại hạng Anh. Và trong suốt sự nghiệp của mình tôi đã học được cách ứng xử trước truyền thông.

Rất nhiều người đã nói về màn trình diễn của tôi, có người tán thưởng nhưng cũng có người chỉ trích. Nếu một tờ báo hoặc một chuyên gia nhận thấy lối chơi của tôi có vấn đề, tôi luôn chấp nhận điều này bởi tôi không phải là một người hoàn hảo và điều này khiến tôi luôn phải nỗ lực và tập luyện chăm chỉ hơn. Thế nhưng điều tôi không thể chấp nhận được đó là việc tôi có hai nguồn gốc bị lấy ra làm đề tài chỉ trích cho kết quả tệ hại của toàn đội bóng tại World Cup.

Đã có một số tờ báo Đức đã dùng gốc gác của tôi và tấm ảnh tôi chụp với Tổng thống Erdogan làm hình thức tuyên truyền cực hữu để thỏa mãn mục đích chính trị của mình. Có lý do nào khác để họ dùng hình ảnh của tôi và đặt tên tôi lên trang nhất để giải thích cho thất bại của đội ở Nga? Họ không chỉ trích màn trình diễn của tôi hay của cả đội tuyển, họ chỉ trích nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ của tôi cũng như hành động tôn trọng nguồn gốc của mình. Hành động này đã vượt quá giới hạn, khi hàng loạt tờ báo đang biến toàn nước Đức chống lại tôi.

Điều mà tôi cũng cảm thấy thất vọng khi truyền thông Đức cũng áp đặt tiêu chuẩn kép. Lothar Matthaus, một trong những đội trưởng danh dự của ĐT Đức, cũng gặp mặt một nguyên thủ quốc gia vài ngày trước nhưng không bị chỉ trích. Mặc dù ông ấy có vai trò trong Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB), người ta không yêu cầu ông ấy giải trình hành động của mình và ông ấy vẫn tiếp tục đại diện cho các cầu thủ Đức mà không gặp bất kỳ vấn đề nào cả. Nếu truyền thông cảm thấy rằng tôi không nên được gọi vào đội tuyển, chắc chắn ông ấy cũng phải bị tước danh hiệu đội trưởng danh dự chứ? Không lẽ chỉ vì tôi có gốc Thổ Nhĩ Kỳ tôi trở thành mục tiêu dễ dàng?

Tôi luôn nghĩ rằng “sự hợp tác” cũng bao hàm sự ủng hộ cả trong những lúc thuận lời và những thời điểm khó khăn. Gần đây tôi có ý định đến thăm trường cũ Berger-Feld của mình tại vùng Gelsenkirchen, Đức, cùng hai đối tác làm thiện nguyện khác. Tôi đã đầu tư vào một dự án cho phép con em các gia đình nhập cư, các gia đình nghèo khó và các trẻ em khác có thể chơi bóng đá cùng nhau và cùng tiếp thu quy tắc xã hội. Thế nhưng vài ngày trước khi có mặt, tôi đã bị “đối tác” của mình bỏ mặc. Không chỉ có vậy, phía nhà trường cũng thông báo rằng họ không muốn tôi đến đây do họ “lo sợ truyền thông” do ảnh mà tôi đã chụp với Tổng thống Erdogan, đặc biệt là khi “các đảng cực hữu ở Gelsenkirchen đang ngày càng phát triển”. Thành thật mà nói, điều này với tôi rất đau đớn. Mặc dù đã từng là học sinh của trường trong quá khứ, động thái này khiến tôi cảm thấy không được cần đến và không xứng với thời gian của họ.

Thêm vào đó, tôi cũng bị một đối tác khác chấm dứt hợp tác. Do họ cũng là một trong những nhà tài trợ của DFB, tôi cũng được yêu cầu tham gia vào các đoạn phim quảng bá nhân mùa World Cup. Thế nhưng sau khi ảnh chụp của tôi và ông Erdogan được công bố, họ đơn phương loại tôi khỏi chiến dịch và hủy bỏ mọi hoạt động quảng bá liên quan. Với họ, việc hợp tác với tôi đã không còn có lợi và tôi trở thành nguyên nhân khiến họ “khắc phục khủng hoảng”. Điều đáng nói là một bộ của Đức đã tuyên bố rằng sản phẩm của họ có chứa các phần mềm bất hợp pháp, khiến người dùng bất an. Hàng trăm ngàn sản phẩm của họ đang bị thu hồi. Trong khi tôi bị chỉ trích và phải giải trình hành động của mình với DFB, liên đoàn đã không có bất kỳ động thái nào yêu cầu nhà tài trợ này phải giải thích công khai cho những gì đã diễn ra. Tại sao lại như vậy? Tôi có lầm không khi cho rằng điều này còn tệ hơn cả việc chụp ảnh với một Tổng thống của quê gốc của gia đình tôi? DFB sẽ nói gì trong tất cả chuyện này?

Như tôi đã nói ở trên, đã là đối tác thì phải sát cánh bên nhau trong mọi tình huống. Adidas, Beats và BigShoe đều đã trung thành với tôi và ủng hộ tôi trong suốt thời gian qua. Họ không màng đến những luận điệu vô lý của truyền thông Đức, và cùng nhau chúng tôi đã cùng nhau hợp tác một cách chuyên nghiệp và tôi rất đánh giá cao điều này. Trong kỳ World Cup này, tôi đã cùng với BigShoe tạo điều kiện để 23 trẻ em có thể tiến hành phẫu thuật nhằm cải thiện cuộc sống ở Nga, điều mà tôi trước đó đã làm ở Brazil và Châu Phi. Đối với tôi đây là điều quan trọng nhất mà tôi làm khi là một cầu thủ, thế nhưng các báo không hề đề cập đến điều này. Với họ, hình ảnh tôi bị la ó hay chụp hình với một Tổng thống đáng chú ý hơn hành động giúp đỡ trẻ em trên thế giới. Họ cũng có nền tảng vững chắc để kêu gọi cộng đồng và gây quỹ hỗ trợ, song họ lại không làm vậy.

3/ DFB

Có thể nói rằng vấn đề khiến tôi thấy bức xúc nhất trong vài tháng qua đó là sự đối xử không công bằng từ phía DFB, cụ thể là từ chủ tịch DFB Reinhard Grindel. Sau khi bức ảnh giữa tôi và Tổng thống Erdogan xuất hiện, HLV đội tuyển Đức Joachim Low đã yêu cầu tôi cắt ngắn kỳ nghỉ của mình để đến Berlin nhằm đưa ra tuyên bố làm rõ sự việc. Mặc dù tôi đã cố giải thích cho ông Grindel về nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ của tôi và lý do tôi chụp bức hình trên, ông ta chỉ quan tâm đến việc bày tỏ quan điểm chính trị của mình và coi thường ý kiến của tôi. Mặc cho những hành động kể cả của ông ta, chúng tôi đã nhất trí rằng điều quan trọng lúc này là tập trung vào bóng đá cũng như kỳ World Cup sắp tới. Đây là lý do vì sao tôi không xuất hiện trước truyền thông trong lúc chuẩn bị cho World Cup. Tôi biết những nhà báo sẽ chỉ bàn đến vấn đề chính trị chứ không phải bóng đá và sẽ công kích tôi, mặc dù vấn đề về cuộc gặp mặt đã được trợ lý Oliver Bierhoff tuyên bố đã được giải quyết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình trước trận đấu giao hữu với Ả Rập Xê út diễn ra tại Leverkusen (Đức).

Cũng trong thời điểm này, tôi đã được gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Khác với Grindel, Tổng thống Steinmeier đã hành xử chuyên nghiệp và thực sự quan tâm đến những gì tôi muốn nói về gia đình, nguồn gốc và quyết định của mình. Tôi nhớ rằng cuộc gặp mặt này đã diễn ra giữa tô, Ilkay (Gundogan) và Tổng thống Steinmeier, trong khi Grindel tỏ ra thất vọng khi không được vào trong để bày tỏ quan điểm chính trị của mình. Tôi đồng ý với Tổng thống Steinmeier rằng chúng tôi sẽ đưa ra tuyên bố chung về vấn đề này để có thể chuyển sang tập trung vào bóng đá. Thế nhưng Grindel lại bức tức khi đội ngũ của ông ta không được đưa ra tuyên bố trước và để văn phòng báo chí của ông Steinmeier đi trước một bước.

Kể từ khi World Cup kết thúc, Grindel đã chịu nhiều sức ép về quyết định của mình khi giải đấu bắt đầu và điều này là xứng đáng. Gần đây ông ta đã công khai nói rằng tôi phải giải thích hành động của mình và quy trách nhiệm thất bại của đội tuyển tại Nga lên tôi, mặc dù từng nói rằng vấn đề trước mùa giải đã được giải quyết tại Berlin. Tôi lên tiếng vào lúc này không phải vì Grindel mà là cho bản thân tôi. Tôi sẽ không làm bình phong che chắn cho sự thiếu năng lực và sự bất cản trong công việc của ông ta. Tôi biết ông ta muốn tôi bị loại khỏi đội sau khi tấm hình được công bố và đưa ra những phát ngôn của mình trên Twitter một cách bừa bãi, nhưng Joachim Low và Oliver Bierhoff đã ủng hộ và bào chữa cho tôi. Trong mắt Grindel và những người ủng hộ ông ta, khi đội tuyển thắng thì tôi là người Đức còn khi thua thì tôi chỉ là một kẻ nhập cư. Mặc dù tôi đã đóng thuế cho chính phủ Đức, quyên góp từ thiện cho các trường học ở Đức và cùng đội tuyển giành cúp vô địch World Cup vào năm 2014, tôi vẫn không được chấp nhận vào xã hội Đức. Tôi bị coi là “kẻ khác biệt”. Tôi nhận giải “Bambi Award” vào năm 2010 vì sự hòa nhập thành công của mình vào xã hội Đức. Tôi giành giải “Vòng nguyệt quế bạc” của chính phủ Đức vào năm 2014 và trở thành “Đại sứ Bóng đá Đức” vào năm 2015, vậy nhưng với họ tôi không phải là người Đức. Có tiêu chí nào dành cho người Đức mà tôi không thỏa mãn hay không? Những người bạn Lukas Podolski và Miroslav Klose chưa bao giờ bị gọi là người Đức – Ba Lan, vậy tại sao tôi bị gọi là người Đức – Thổ Nhĩ Kỳ? Có phải vấn đề ở đây là do Thổ Nhĩ Kỳ, hay bởi vì tôi là người Hồi giáo? Tôi nghĩ rằng khi một người được gọi là người Đức – Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó có nghĩa là bất kỳ ai có nhiều nguồn gốc ở Đức đang bị phân biệt đối xử. Tôi được sinh ra và giáo dục tại Đức, vậy tại sao người ta không chấp nhận tôi là người Đức?

Quan điểm phân biệt đối xử này không chỉ có mình Grindel. Tôi bị Bernd Holzhauer, một chính trị gia Đức, gọi là “thứ con dê” chỉ vì tôi chụp ảnh với Tổng thống Erdogan và có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, Werner Steer, người đứng đầu Nhà hát Quốc gia Đức, nói tôi hãy “biến về Anatolia”, nơi có nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống. Như tôi đã nói, việc chỉ trích nguồn gốc của tôi và gia đình tôi là một giới hạn mà không ai được phép vượt qua, và những hành động phân biệt đối xử như vậy để thể hiện quan điểm chính trị là điều khiến những nhân vật cấp cao kể trên phải từ chức. Những người này đã dùng ảnh chụp của tôi với Tổng thống Erdogan để thể hiện lý tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan của mình và đây là điều rất nguy hiểm đối với xã hội Đức. Bọn họ không tốt đẹp hơn những fan hâm mộ Đức đã nói với tôi rằng “Ozil, biến đi đồ khốn Thổ Nhĩ Kỳ, biến đi con lợn Thổ Nhĩ Kỳ”. Đó là chưa kể những lời lẽ đe dọa mà tôi và gia đình tôi đã nhận được trong thời gian qua. Tất cả những sự kiện này đều cho thấy một nước Đức đang đi ngược thời đại, một nước Đức không cởi mở với nền văn hóa bên ngoài, một nước Đức mà tôi không hề cảm thấy tự hào. Tôi tin rằng nhiều người Đức tôn trọng một xã hội cởi mở sẽ đồng ý với tôi.

Thưa ông Reinhard Grindel, tôi rất thất vọng nhưng không hề ngạc nhiên với hành động của ông. Năm 2004 khi còn là đại biểu Quốc hội, ông đã từng tuyên bố rằng “chế độ đa văn hóa là một điều viển vông và là sự dối trá lâu dài”, và ông đã bỏ phiếu phản đối các đạo luật dành cho những người nhập tịch, và chỉ trích rằng văn hóa Hồi giáo đã ăn sâu vào nhiều thành phố Đức. Đây là điều mà tôi không thể quên và không thể dung thứ được.

Sự đối xử mà tôi phải nhận từ DFB và nhiều phía đã khiến tôi không còn muốn mặc áo đội tuyển quốc gia nữa. Tôi cảm thấy mình không được cần đến và nghĩ rằng những gì mà tôi đã đạt được kể từ khi khoác áo đội tuyển lần đầu vào năm 2009 đã bị lãng quên. Những kẻ có quan điểm phân biệt chủng tộc đáng lẽ không được phép làm việc trong liên đoàn bóng đá lớn nhất thế giới, nơi có nhiều cầu thủ đa sắc tộc đang thi đấu cho họ. Thái độ của họ là không phù hợp với những cầu thủ mà đáng lẽ họ phải ủng hộ.

Tôi cảm thấy nặng nề khi phải tuyên bố rằng sau khi đã xem xét kỹ lưỡng trước những sự kiện gần đây, tôi sẽ không còn thi đấu cho đội tuyển quốc gia nữa khi cảm giác phân biệt chủng tộc và sự thiếu tôn trọng mà tôi đang cảm nhận được vẫn còn tồn tại. Tôi đã từng khoác áo đội tuyển Đức một cách đầy kiêu hãnh và hào hứng, song giờ đây điều đó không còn nữa. Quyết định này rất khó khăn đối với tôi bởi tôi luôn nỗ lực hết khả năng mình vì các đồng đội, ban huấn luyện và những con người tốt đẹp ở Đức. Nhưng khi các quan chức cấp cao của DFB đã đối xử với tôi như vậy, thiếu tôn trọng nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ của tôi và biến tôi thành một công cụ tuyên truyền chính trị, tôi nghĩ rằng như vậy là quá đủ rồi. Đây không phải là động lực để tôi chơi bóng đá, và tôi sẽ không ngồi yên để mọi chuyện diễn ra. Phân biệt chủng tộc là điều chúng ta không bao giờ, nhất quyết không bao giờ chấp nhận.

Mesut Ozil”.

Tác giả: Anh Tuấn (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP