Ngày ấy tôi chia tay với mối tình đầu bởi lý do vô cùng đơn giản: Tính cách quá trái ngược nhau, anh không tiếp tục yêu một người con gái ngang bướng, lỳ lợm và có phần “ngông” như tôi.
2 tháng sau khi chia tay, tôi phát hiện ra mình có bầu, là đứa con của anh, của tình yêu đầu mà tôi đã gói gọn trong vài trang nhật kí. Tôi vì lòng tự trọng nên đã quyết tâm sinh và nuôi con một mình. Do khoảng cách địa lý người Nam kẻ Bắc nên anh cũng ít biết tin tức gì của tôi.
Lúc bầu to lên tôi buộc phải nghỉ học và bắt đầu những ngày chật vật từ tinh thần đến vật chất. Suốt cả thời gian mang bầu, tôi khóc rất nhiều thế nhưng tôi vẫn tự nhủ với bản thân sẽ vừa làm mẹ, vừa làm cha của con, nhất quyết không để con thiệt thòi.
Gần đến ngày sinh, tôi về quê sống với bố mẹ. Gia đình tôi đã chịu không ít điều tiếng từ miệng thiên hạ. “Con nhà ấy học hành đàng hoàng mà lại chửa hoang”, “chắc nó sinh con cho đại gia”, “bị thằng nào lừa nên mới về quê với bố mẹ”, những lời nói như thế liên tục “gieo” vào đầu bố mẹ tôi. Thế nhưng, vì thương con, quý cháu nên bố mẹ tôi vẫn chấp nhận, bởi bố mẹ biết và thừa hiểu tích cách cũng như chuyện tình cảm của tôi.
Ngày ấy, cũng một vài lần tôi có ý định “tìm” cha cho con mình. Thế nhưng, nghĩ tới cảnh “con anh, con tôi” thì chính tôi là người sợ hãi đầu tiên. Tôi nghĩ, bên ngoài có bao nhiêu người phụ nữ đã sống đơn thân và nuôi dạy con nên người, tôi cũng có thể làm được.
Con trai duy nhất của tôi vô cùng ương bướng, một bà mẹ đơn thân như tôi thật khó dạy bảo (Ảnh minh họa). |
Cứ thế, tôi và con trai lớn lên trong tình yêu thương của đại gia đình. Ban ngày con trai tôi ở với ông bà ngoại vì tôi bán hàng ngoài thị xã tối về mới gặp con nên nhiều lúc nó cũng không theo mình lắm.
Vì quá được cưng chiều nên con trai tôi hay đòi hỏi và cáu gắt, nhưng tôi tự nhủ mình xa con cả ngày nên về chiều chuộng con hơn chút. Dần dần, đến 3 tuổi, con trai tôi đã thể hiện rất nhiều tính xấu. Con hay mè nheo, đòi gì là đòi bằng được, làm gì mà trái ý là lăn ra khóc, có hôm về nhà còn bắt gặp con đang cào cấu vào tay, ném đồ đạc khắp nơi chỉ để đòi bà cho mua bóng bay.
Cảm xúc của tôi dần thay đổi, từ lúc đầy tự tin giờ chuyển sang lo lắng, sợ hãi khi “con không cha sẽ chẳng ra gì” như những gì người ta vẫn thường hay chế giễu. Thế nhưng tôi không biết làm thế nào để dạy con cho đúng. Đỉnh điểm là hôm cô giáo gọi cho tôi báo về việc con trai tôi đánh bạn chảy máu đầu, còn nhổ nước bọt vào người cô. Tôi thực sự đã rất giận, về nhà đánh tới tấp vào người con rồi ngồi khóc như dại đi. Con chỉ nhìn tôi rồi sau đó hét toáng lên “cút đi”.
Những ngày sau con trai tôi chẳng những không thay đổi, mà còn hay cướp đồ của các bạn, hất đồ ăn, khiến các cô rất vất vả...
Chẳng nhẽ tôi phải đánh con như cơm bữa? Chẳng nhẽ, tôi cứ kệ như thế nhìn con trở thành kẻ mà chẳng ai ưa và né tránh vì thói hung bạo ấy ư? Hoàn cảnh của tôi không giống với những người khác. Nhưng, nếu cố “tìm” cho con một người cha thì liệu rằng bản tính ấy của con có thay đổi được không. Tôi thật sự đang rơi vào bế tắc.
Tác giả: Khánh Ngân
Nguồn tin: Báo Người đưa tin