Cuộc sống

Mẹ chồng không phải là tình địch, mà là người đã sinh ra người mình thương

“Ôi dào, ước gì lấy chồng mà không cần phải ở cùng bố mẹ chồng thì cuộc sống này tươi đẹp biết mấy”… đó là mong muốn của hầu hết các cô con dâu.

Mẹ chồng không phải là tình địch, mà là người đã sinh ra người mình thương. Ảnh minh họa

Người ta hay nói “hôn nhân là mồ chôn hạnh phúc” và trong đó có hàng đống lý do để thoái thác một sự gắn kết cả cuộc đời. Đối với người đàn ông, họ sẽ từ chối hôn nhân khi cảm thấy lười biếng trước trách nhiệm, hoặc vẫn chưa muốn dừng bước phiêu lưu.

Còn phụ nữ, ai mà chả mong có một tấm chồng để nương tựa, thậm chí là dựa dẫm bởi cuộc đời ngoài kia còn biết bao nhiêu là gánh nặng oằn lưng. Nhưng có một điều mà phụ nữ hay ngần ngại khi quyết định trói đời mình với người họ yêu, chính là mẹ chồng, một “kiếp nạn” mà có khi phải vượt qua bằng cả cuộc đời.

Tôi tin rằng, ngày nào đi làm là hội chị em đồng nghiệp cũng đều túm tụm lại một góc kể chuyện gia đình chồng, nào là mẹ chồng nhà này mắc bệnh keo kiệt, cả đời chẳng bao giờ mua cho cháu được hộp sữa, nào là mẹ chồng nhà này lúc nào cũng soi mói bắt bẻ con dâu, mẹ chồng nhà kia thì không biết chăm cháu, cứ để bà trông thì kiểu gì cũng bị ngã xây xẩm mặt mày, tay chân…

“Ôi dào, ước gì lấy chồng mà không cần phải ở cùng bố mẹ chồng thì cuộc sống này tươi đẹp biết mấy”… đó là mong muốn của hầu hết các cô con dâu. Hãy ngừng than thở về chuyện mẹ chồng đi các nàng dâu, thử vài giây xem xét lại bản thân mình trước đã, các chị sẽ thấy nguyên nhân khiến con dâu và mẹ chồng không hoà hợp là chính từ bản thân mình trước đấy.

Biết rằng làm dâu nhà chồng thì lắm điều khó khăn. Vừa phải có thêm một mớ trách nhiệm, vừa phải tập làm quen với cuộc sống giữa những người lạ. Nhưng thử hỏi xem được mấy người khi bước chân về làm dâu lại một lòng yêu thương và kính trọng bố mẹ như bố mẹ đẻ mình. Cái tư tưởng “mẹ chồng là mẹ người ta” luôn hiện hữu trong suy nghĩ và nó sẽ bộc lộ ra ở hành động.

Ở nhà, thấy mẹ đẻ bị ốm đau dù chỉ là cảm cúm nhẹ cũng thấy lo lắng, đứng ngồi không yên; nhưng cả tuần mẹ chồng ăn không ngon ngủ không yên con dâu cũng chẳng mấy bận tâm, có khi còn nghĩ bà làm bộ làm tịch hoặc giận dỗi gì mình nên mới ăn bữa có bữa không như vậy để thị uy.

Trước khi lấy chồng, công việc rửa bát nấu cơm, giặt giũ là chuyện bình thường, cô con gái nào mà không biết tề gia nội trợ, dù khéo hay vụng cũng phải biết ít nhiều. Nhưng khi lấy chồng, cũng là những công việc ấy, không ít các cô con dâu cảm thấy hậm hực coi đó là bị hành hạ, rồi cho rằng ở nhà với mẹ thì được cưng chiều, còn làm dâu nhà người thì không khác gì con ô sin phải hầu hạ nhà chồng

Ai chẳng biết phụ nữ hiện đại thì phải ra xã hội kiếm tiền, nhưng nội trợ cũng là một thứ trách nhiệm không phải muốn bỏ là bỏ. Nếu lỡ bận bịu ở công ty không kịp về nhà nấu cơm, mẹ chồng ra tay nấu hộ một bữa thì phải biết lựa lời cảm ơn mẹ thay vì tỏ ra khó chịu khi mẹ gịuc về nhà ăn cơm. Nếu nghĩ rằng “đâu ai bắt mẹ phải nấu” hay mẹ bày trò để quản lý mình thì có sống với một nghìn mẹ chồng cũng chẳng ai làm mình vừa ý.

Tất nhiên, có những bà mẹ chồng khó tính hay bắt bẻ thì không nói, nhưng rõ ràng cái thái độ và suy nghĩ của phận làm dâu con như vậy là không được. Nếu chúng ta có suy nghĩ thấu đáo hơn, coi việc phụng dưỡng bố mẹ chồng là một cách báo đáp công ơn dưỡng dục đến những người sinh thành ra chồng mình thì chắc chắn những công việc nhà đó cũng sẽ hết sức bình thường.

Biết bao nhiêu cuộc đấu khẩu của mẹ chồng- nàng dâu, con dâu cãi tay đôi với mẹ chồng và nghĩ rằng mẹ chồng chỉ là mẹ chồng, không ở được nữa thì li hôn. Nhưng các chị không biết rằng, mẹ chồng hay mẹ vợ cũng đều là mẹ, ai mà vui cho được khi con cái mình cãi tay đôi và có thái độ không tôn trọng người lớn như vậy. Thử hỏi, mẹ chồng có yêu thương con dâu như vậy mãi không??

Đơn giản nhất là việc thấy gì tốt, cái gì ngon điều đầu tiên các cô con dâu nghĩ đến là mua về cho bố mẹ mình, nhưng rất ít người mua được cho bố mẹ chồng lắm. Thỉnh thoảng mua tặng mẹ món quà để cảm ơn đã thay mình làm người nội trợ, nhưng nhớ phải xé giá đi chứ đừng nghĩ mua vàng về nhà là mẹ thích. Giờ đã là con cái trong nhà, mẹ xót là xót cho cả mình chứ đâu chỉ xót cho tiền của con trai, hơn nhau ở chữ “khéo” mà thôi, con dâu ạ.

Rõ ràng chính bản thân các chị đang tự phân rõ ranh rới mẹ chồng và con dâu, sống chung nhà mà cứ phải nhìn thái độ nhau để sống thì chắc chắn hạnh phúc sẽ không trọn vẹn. Thôi thì phận dâu con, chúng ta không thể bắt mẹ chồng phải yêu thương, đối xử tốt với mình trước được, nhưng chắc chắn rằng nếu chúng ta có hiếu và kính yêu bố mẹ chồng, rồi sẽ có ngày mẹ chồng sẽ đáp lại tình cảm ấy.

Thời xưa cưới dâu như có thêm con ở, thời nay mẹ chồng dọn dẹp hộ thì bị xem như “ô-sin mẫn cán”, xong rồi còn mang quyền riêng tư ra để làm yêu sách, có công bằng với mẹ không? Còn lỡ như mẹ vẫn cố tình phớt lờ sự nhượng bộ thì lúc đó hãy phản kháng. Nhưng nhớ là phải phản kháng với tâm thế một người con, và con thì phải tôn trọng mẹ dù thế nào đi nữa.

Hơn nhau là ở kĩ năng, huống chi là phụ nữ trong thời đại mới. Có người chỉ bằng một vài câu nói đã đổi được cái ôm của mẹ chồng. Nhưng cũng có người chỉ vì một suy nghĩ từ khi chưa chồng mà suốt đời xem mẹ chồng như tội ác rồi tự biến mình thành nạn nhân, bắt cả thế gian kết tội.

Nói tóm lại, thứ gì cũng muôn hình vạn trạng, sống chung với mẹ chồng cũng có hằng hà phương thức. Điều cốt lõi nằm ở việc mình đã đủ thật lòng hay chưa? Nếu đã thật lòng thì mọi trách nhiệm, sự chịu đựng, cố gắng đều nhẹ như không.

Mẹ chồng không phải là tình địch, mà là người đã sinh ra người mình thương. Mẹ không thể giành lấy chồng mình làm của riêng, nhưng hiềm khích thì chỉ cần một ánh nhìn là khó lòng buông bỏ. Biết rằng thương mẹ chồng như mẹ đẻ mấy người làm được, nhưng nếu đã thật lòng muốn thương thì không chỉ một mà có đến hai mái ấm, người lời chính là mình thôi, con dâu ạ.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP