Bà Nguyễn Thị Tuyết (bìa trái) và bà Nguyễn Thị Hợi. Ảnh: PHAN NGỌC |
Tuyệt vọng sau 15 năm chạy chữa hiếm muộn bất thành, bà Nguyễn Thị Tuyết (76 tuổi, ngụ tại xóm Tân Hồng, xã Nghĩa Phúc, H.Tân Kỳ, Nghệ An) đã tự nguyện mang trầu cau đi hỏi vợ cho chồng.
Cẩn thận lật xem từng tấm hình lưu niệm với người chồng đã mất 4 năm trước, bà Tuyết kể, hơn 50 năm trước, bà cùng chồng rời H.Nam Đàn (Nghệ An) lên H.Tân Kỳ lập nghiệp với bao khát vọng của tuổi trẻ. Vất vả mưu sinh nơi vùng đất mới, nhưng cuộc sống của hai vợ chồng bà Tuyết vẫn luôn tràn ngập tình yêu và hạnh phúc. Oái ăm thay, niềm hạnh phúc ấy ngày càng thêm gánh nặng cho bà Tuyết khi bà phát hiện mình không thể sinh con.
“Hai vợ chồng chạy chữa khắp nơi nhưng không được”, bà Tuyết buồn bã nói và cho biết ông Dương Đình Thắng (chồng bà Tuyết) không một lời oán trách. Ông càng thêm yêu thương, quan tâm và động viên vợ nhiều hơn. Thương chồng, thêm vào đó là những áp lực tâm lý từ những lời bàn tán, dèm pha của dân làng, bà Tuyết quyết định ly hôn.
“Thời đó không sinh được con bị kỵ lắm, cứ như phạm một lỗi lớn lắm vậy. Dù ông nhà tôi không một lời than phiền nhưng bị làng xóm dị nghị, dèm pha khiến ông ấy bị áp lực quá lớn. Hơn nữa, tôi cũng muốn có người lo hương khói cho nhà chồng nên quyết định ly dị để ông ấy đi bước nữa nhưng ông ấy một mực không đồng ý”, bà Tuyết nghẹn ngào nhớ lại.
Se duyên cho chồng
Thế rồi, bà Tuyết âm thầm đi se duyên cho chồng. Nhiều lần tìm đến nói chuyện, thổ lộ, bà Tuyết quyết định tự tay sắm trầu cau mang qua nhà bà Nguyễn Thị Hợi khi ấy ngoài 30 tuổi (nay đã 68 tuổi) hỏi làm vợ hai cho ông Thắng. Vui mừng khi nhận được cái gật đầu đồng ý của bà Hợi, thế nhưng những cảm giác như sắp mất đi một thứ quý giá khiến những giọt nước mắt tủi hờn không ngừng rơi khi bà về nhà thông báo và chuẩn bị đám cưới cho chính người kề vai ấp má với mình.
“Bà Hợi cùng quê từ H.Nam Đàn, lại là cô giáo tiểu học lên vùng kinh tế mới. Tuy có một người con riêng khi chưa lấy chồng nhưng thấy bà ấy cũng hiền lành nên tôi đã nhiều lần qua nhà nói chuyện và được bà ấy đồng ý. Ngày đó, sợ ông Thắng lại không đồng ý nên khi đã chắc chắn mọi thứ rồi thì tôi mới về bàn bạc với chồng”, bà Tuyết kể.
Sống chung chồng dưới một mái nhà nhưng chưa một lần cả 3 người xảy ra mâu thuẫn hay cãi vã. Niềm vui của “cuộc tình tay 3” này liên tiếp đến khi bà Hợi sinh cho ông Thắng 6 người con. Vì phải đi dạy xa nhà, mỗi tuần bà Hợi chỉ về thăm gia đình 2 ngày cuối tuần nên mọi việc từ chăm sóc, nuôi dạy con cái do một tay bà Tuyết đảm nhận. “Dù các con không phải do chính mình sinh ra nhưng tôi chỉ biết cố gắng làm sao để chúng được hạnh phúc nhất. Được chăm sóc và nuôi dạy các con, tôi cũng thấy an ủi và đỡ chạnh lòng với số phận của mình”, bà Tuyết nói.
Theo bà Hợi, sau nhiều năm chung sống, bà và ông Thắng quyết định ra ở riêng. Bà Tuyết ngày ngày vẫn lui tới chăm lo cho ông Thắng và các con. "Cho đến tận bây giờ, chưa có điều gì khiến tôi phải để bụng hay không hài lòng về bà ấy cả”, bà Hợi nói.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho biết, việc bà Tuyết hỏi vợ cho chồng là vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình và khi đó chính quyền đã xử phạt hành chính những người liên quan. Theo ông Trung, dù sống chung dưới một mái nhà nhưng hai người vợ của ông Thắng vẫn sống hòa thuận. Khi chuyển ra sống riêng, giữa hai người vẫn thường xuyên đi lại, chu toàn bổn phận và cùng lo toan mọi việc chung cũng như việc riêng khiến nhiều người nể phục.
Tác giả: Phan Ngọc
Nguồn tin: Báo Thanh Niên