Tuy nhiên, hiện Formosa Hà Tĩnh đang khiếu nại với quyết định truy thu 225 tỉ đồng đó. Đến thời điểm này, Tổng cục Thuế vẫn chưa trả lời về việc khiếu nại của Formosa Hà Tĩnh.
Nguyên nhân của việc truy thu 225 tỷ đồng của Formosa Hà Tĩnh là do Tổng cục Thuế căn cứ vào hồ sơ xây dựng của Formosa Hà Tĩnh thiếu, quá hạn và không chấp nhận hợp đồng gia hạn. Họ căn cứ theo văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng nên quyết định truy thu 225 tỷ đồng tiền thuế GTGT của Formosa Hà Tĩnh. “Tóm lại, nguyên nhân truy thu do hồ sơ gia hạn không đúng với hồ sơ ban đầu” - ông Du nói.
Cũng trên báo Lao động, ông Đinh Nho Hậu, Cục trưởng Cục thuế Hà Tĩnh thông tin, việc Tổng cục Thuế truy thu 225 tỷ đồng của Formosa có 3 nguyên nhân. Nguyên nhân cơ bản liên quan đến xây dựng vì có 2 hợp đồng thời gian gia hạn quá thời hạn của hợp đồng chính nên Tổng cục Thuế không chấp nhận.
“Tóm lại, trên nói cái này không có khối lượng, hóa đơn chậm. Còn Formosa nói cái này có khối lượng, có hóa đơn nhưng hóa đơn chậm. Cơ quan thuế truy thu vì khẳng định theo quy định hiện hành, việc chậm này không được hoàn thuế” - ông Hậu nói trên báo Lao động.
Trong khi đó, báo Tuổi trẻ đưa tin, từ năm 2013 đến nay hầu như đợt kiểm tra hoàn thuế GTGT nào tại Formosa cũng phát hiện sai phạm.
Chỉ trong hai năm, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) đã bị truy thu, truy hoàn hơn 2.000 tỷ đồng tiền thuế, trong đó truy hoàn 1.554 tỷ đồng do sử dụng hóa đơn hoàn thuế không đúng quy định.
Hồi giữa tháng 5/2016, ông Đào Chí Thành - Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan thuộc Hải quan Hà Tĩnh cũng cho biết, sau khi kiểm tra sau thông quan và đánh giá tuân thủ pháp luật đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, phát hiện doanh nghiệp này kê khai sai mã hàng, buộc phải truy thu hơn 5,4 tỷ đồng.
Cũng theo báo Tuổi trẻ, trong bản báo cáo gửi Tổng cục Hải quan trước đó, Cơ quan hải quan Hà Tĩnh đã nhấn mạnh nghi ngờ Formosa chuyển giá.
Cụ thể vào tháng 10/2014, Formosa thuê Công ty TNHH tiếp vận SAS Vũng Áng mở tờ khai nhập máy móc thiết bị.
Tuy nhiên, hóa đơn mà Công ty TNHH tiếp vận SAS lập có trị giá 348.659 USD, trong khi đó trị giá hóa đơn của nhà thầu nước ngoài phát hành lên tới hơn 1,42 triệu USD, chênh lệch tới hơn 1 triệu USD.
Sau khi bị hải quan Vũng Áng phát hiện và yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ giải trình, Formosa đã đề nghị hủy tờ khai của nhà thầu nước ngoài để thuê doanh nghiệp khác mở tờ khai mới có trị giá hàng hóa là 470.690 USD, thấp hơn so với trị giá hóa đơn nhà thầu nước ngoài gần 950.000 USD.
“Đây là dấu hiệu cho thấy có hiện tượng nâng giá máy móc thiết bị nhập khẩu nhằm nâng chi phí đầu vào của Formosa” - văn bản nhấn mạnh.
Một cán bộ thanh tra thuế đánh giá trên Tuổi trẻ cho rằng, việc nâng khống giá trị thiết bị đầu tư công trình không nằm ngoài mục tiêu nâng giá trị khấu hao. Bởi giá trị khấu hao quá lớn, doanh nghiệp sẽ lỗ liên miên, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đây là một cách trốn thuế, thực tế doanh nghiệp lỗ giả mà lãi thật. Đặc biệt, theo vị này, giấy phép đầu tư của công ty này cũng có nhiều dấu hiệu không bình thường.
Chỉ trong 8 năm có mặt ở Việt Nam, Formosa thay đổi giấy chứng nhận đầu tư đến 14 lần với số vốn liên tục tăng. Từ con số 2,7 tỷ USD khi đặt chân vào VN năm 2008, hai năm sau số vốn đã tăng lên hơn 7,8 tỷ USD và đến giữa năm 2015, con số này được điều chỉnh tăng lên trên 10,5 tỷ USD.
Theo ngành thuế, từ năm 2013 đến nay, hầu như đợt kiểm tra hoàn thuế GTGT nào tại Formosa cũng phát hiện sai phạm. Ngay lần kiểm tra gần đây nhất vào cuối tháng 2/2016, cơ quan thuế phát hiện 19.497 hóa đơn mà Formosa đưa vào khấu trừ và hoàn thuế sai quy định. Do đó công ty này đã bị thu hồi 1.554,4 tỷ đồng.
Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), chi nhánh của tập đoàn nhựa Formosa Đài Loan nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Formosa là chủ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương bắt đầu từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD (công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I) và có kế hoạch tăng vốn lên 27 tỷ USD (20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II).
Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025ha và diện tích mặt nước hơn 1.293ha (cảng Sơn Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê.
Tác giả bài viết: Lê Thanh (T/h)