Kinh tế

Luật ngầm trong giới cầm đồ

Sáng 14-7, trên Quốc lộ 50 (đoạn thuộc quận 8 và huyện Bình Chánh, TP HCM) có hơn 30 tiệm cầm đồ lớn, nhỏ hoạt động. Nhiều tiệm lấy lãi suất cao ngất ngưỡng, từ 8%-15% trong 7 ngày.

Tại tiệm cầm đồ S. (trên Quốc lộ 50, đoạn thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), 2 thanh niên vào cầm chiếc xe máy hiệu Wave mang biển số tỉnh Bình Dương. Mọi giao dịch diễn ra nhanh chóng, không hề thấy nhân viên hỏi nguồn gốc chiếc xe máy. Sau khi cầm xe, hai thanh niên đi bộ vào tiệm game bắn cá gần đó “nướng” tiền. Trong vai người đi cầm đồ, chúng tôi đưa máy tính Macbook Air ra cầm. Nhân viên báo giá 10 triệu đồng, lãi suất 8%/7 ngày và không quan tâm nguồn gốc món hàng.

Chúng tôi lại đến một tiệm cầm đồ gần Bến xe quận 8 để cầm chiếc xe máy hiệu Suzuki Viva. Nam nhân viên cho biết nếu có giấy tờ hợp lệ sẽ cầm 5 triệu đồng, còn hàng “móc” (trộm, cướp - PV) thì chỉ được nửa giá.

Sau đó, chúng tôi mang chiếc xe máy hiệu Wave S đến tiệm cầm đồ V.A nằm trên Tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Chủ tiệm cầm đồ xem xe rồi nói: “Xe không chính chủ cầm ít tiền hơn, nhỡ bị kiểm tra còn tìm cách “chạy chọt”. Khi chúng tôi đồng ý cầm xe giá 6 triệu đồng, chủ tiệm yêu cầu đem CMND để viết giấy cam kết. Người này còn khuyên chúng tôi nếu bí tiền quá thì nên thanh lý xe, rồi đưa ra bản hướng dẫn thủ tục làm hợp đồng mua bán.

Chủ tiệm cầm đồ V.A (quận Thủ Đức, TP HCM ) vẫn cầm xe không chính chủ dù biết là phạm pháp Ảnh: HƯNG NGUYỄN


Theo ghi nhận, chỉ ít cơ sở cầm đồ lớn ở quận Thủ Đức từ chối cầm xe không chính chủ, còn lại các tiệm nhỏ vẫn làm liều. Đáng nói, có vài tiệm cầm đồ từng bị cơ quan chức năng xử lý hành chính về hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Như tiệm cầm đồ A. (Tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) từng bị xử lý vì cầm xe không chính chủ, không có giấy ủy quyền... nhưng khi chúng tôi đến hỏi vẫn đồng ý cầm cố không chút lưỡng lự.

Theo chủ tiệm cầm đồ này, để không bị công an phát hiện, khi cầm xe sẽ mang đi chỗ khác cất giữ cho yên tâm. “Dạo này, công an làm căng, phải tìm cách mới kiếm sống được” - người này nói.

Chủ một cơ sở cầm đồ ở TP HCM tiết lộ để kinh doanh cầm đồ, ngoài việc kết thân với các đối tượng trong giới giang hồ, còn phải biết cách “lo lót” cho những thế lực khác.

Ông Phạm Văn T. (42 tuổi; ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) phải đóng cửa chỉ sau thời gian ngắn mở tiệm ở quận 8. Ông T. cho biết dù làm chủ nhưng giấy phép kinh doanh phải để một người có “máu mặt” tên Hòa đứng tên vì anh ta quen biết nhiều và thạo việc. Mỗi tháng, ông T. chi tiền đứng tên 7 triệu đồng, 3 triệu đồng tiền gọi là “an ninh trật tự” và 5 triệu đồng tiền địa bàn.

Để được làm ăn yên ổn, cuối tháng, vợ chồng ông T. phải đóng cho đàn em của Hòa tiền “bảo kê”. Theo ông, nếu kinh doanh cầm đồ không thôi sẽ chẳng bao giờ đủ sống, phải liên kết các nhóm giang hồ khác để hoạt động như cho thế chấp, cầm cố tài sản để vay tiền trả lãi.

“Mỗi khi khách không chịu trả tiền, phải nhờ dịch vụ đòi nợ thuê chứ khởi kiện ra tòa khi nào mới lấy lại được. Hoạt động cầm đồ như một thế giới ngầm đầy rẫy giang hồ, tranh giành với nhau và có những luật lệ riêng nên không “quen” thì khó làm ăn lắm. Tôi nói thật, làm nghề này không “lo lót” sao mà kiếm sống được” - ông T. khẳng định.

Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP