Xã hội

Loay hoay với dự án đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngay từ tháng 8/2013, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, chiều dài toàn tuyến gần 174km, đi qua 14 ga.

Dự án khi đó dự kiến có mức vốn đầu tư là 5 tỉ USD. Tuyến được thiết kế là đường sắt đôi, khổ đường 1,435m, tốc độ dưới 200km/h với tàu hàng và trên 200km/h với tàu chở khách. Với tốc độ thiết kế này, hành trình từ TP Hồ Chí Minh xuống TP Cần Thơ được rút ngắn chỉ còn 45 phút.

Ngay sau quyết định trên, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đã được Bộ GTVT giao làm đầu mối phối hợp với Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam và các tỉnh, thành trong việc nghiên cứu, tư vấn các bước triển khai tiếp theo. Loay hoay mất nhiều năm với các công đoạn đề xuất, lập dự án, dự án trên mới đạt được thỏa thuận về hướng tuyến, khu vực đặt nhà ga với các địa phương.

Sau nhiều điều chỉnh, dự án được phía tư vấn đề xuất phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tiến hành làm đoạn từ ga Tân Kiên (TP Hồ Chí Minh) đến TP Cần Thơ với chiều dài 139km. Giai đoạn 2 sẽ làm tiếp đoạn từ ga An Bình (Bình Dương) đến TP Hồ Chí Minh với chiều dài 33,6km. Hình thức đầu tư là nhà đầu tư BOT bỏ ra khoảng 2,7 tỉ USD còn lại 1,7 tỉ USD do Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất. Sau đó, đơn vị tư vấn tiếp tục đưa ra đề xuất điều chỉnh quy hoạch theo hướng nhà đầu tư bỏ vốn 100% để làm dự án.

Đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ là động lực phát triển cho toàn vùng.

Đồng thời trong quy hoạch dự án sẽ giải tỏa thêm quỹ đất gần các ga chính để xây dựng thêm 5 đô thị thông minh. Với đề xuất này, tổng quỹ đất để làm đường sắt chỉ có 80ha nhưng cần giải tỏa thêm 4.000ha để trả cho nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị thông minh. Tuy nhiên đến nay phương án này đã tỏ ra không khả thi do hình thức đầu tư BOT đã không còn.

Chưa hết khúc mắc với dự án này, cuối tháng 3 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn, kiến nghị Bộ GTVT rà soát, điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ để cập nhật vào quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Lý do được UBND thành phố nêu ra là Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đã có tờ trình điều chỉnh hướng tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đầu tư xây dựng ga đô thị Tân Kiên sau nhiều năm nghiên cứu. Trong đó tổng chiều dài tuyến đường sắt trong giai đoạn 1 được đề xuất điều chỉnh còn gần 135km; trong đó, đoạn đi qua TP Hồ Chí Minh dài 6,95km; đoạn thuộc tỉnh Long An dài 27,7km; Tiền Giang 61,57km; Vĩnh Long 33,6km và TP Cần Thơ là 5,5km.

Đồng thời, 9 ga đường sắt dọc tuyến được đề xuất thành các ga đô thị với tổng diện tích phải giải tỏa giảm xuống còn 3.840ha. Trong đó riêng ga Tân Kiên được đề xuất bổ sung chức năng khu đô thị thông minh với tổng diện tích 352ha. Tại văn bản khẩn này, UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt cách đây gần 8 năm, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương hiện đã khác nên cần thiết được rà soát, xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Với 20 triệu dân và diện tích lên tới 4 triệu ha, ĐBSCL cung cấp đến 50% nguồn lương thực và chiếm đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng trái cây và 75% lượng thủy hải sản của cả nước. Ngoài ra, khu vực còn sở hữu một lực lượng lao động dồi dào khi có đến 17,9% nguồn lao động của cả nước… nên ĐBSCL rất cần được phát triển hạ tầng kết nối nhiều hơn nữa với khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác để tạo thêm động lực cho ĐBSCL phát triển.

“Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ là quá tốt; giúp hoàn chỉnh đẩy đủ các loại hình vận tải giữa thành phố với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vận chuyển đường sắt là vận chuyển khối lượng lớn, cho hiệu quả cao về mặt kinh tế. Khi có tuyến đường sắt này, hàng hóa lưu thông 2 chiều từ TP Hồ Chí Minh về khu vực ĐBSCL và ngược lại sẽ tự động phân loại theo thời gian, theo giá trị kinh doanh khi có thêm sự lựa chọn ngoài đường bộ, đường thủy và đường hàng không”, KTS Khương Văn Mười, nguyên Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam khẳng định.

Hơn nữa, khi hạ tầng giao thông phát triển, người dân có thể ở Đồng Nai, Long An hay Tiền Giang nhưng vẫn đi lại bằng Metro hoặc tàu cao tốc để vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Hệ thống giao thông và vận tải công cộng phát triển đồng bộ, kết nối thuận tiện với các địa phương khác cũng sẽ giảm áp lực về nhà ở cho TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời với thực trạng ùn tắc và TNGT trên đường bộ hiện nay, KTS Khương Văn Mười đề nghị ngoài tuyến đường sắt trên, cần phát triển thêm nhiều tuyến khác, nhất là các tuyến đường sắt đến cảng đầu mối và tăng cường khai thác đường thủy nợi địa để giảm tải cho đường bộ.

“Khi quỹ đất tại TP Hồ Chí Minh không còn nhiều và các tỉnh Đông Nam bộ đã dày đặc các dự án, thì việc các nhà đầu tư có tổ chức quan tâm vào khu vực ĐBSCL là điều dễ hiểu khi khu vực này còn nhiều quỹ đất để mở rộng và tiềm năng về kinh tế - xã hội với nguồn nhân lực dồi dào” - TS Sử Ngọc Khương, quản lý cấp cao của Savills Việt Nam phát biểu khi đánh giá về tiềm năng phát triển đô thị, nhất là đô thị ven các khu vực ga đường sắt trên tuyến.

Theo TS Sử Ngọc Khương, ĐBSCL đang có một số điểm sáng để thu hút nhà đầu tư, nhất là khi là cơ sở hạ tầng đang được chú trọng phát triển. Với tiềm năng phát triển đô thị như vậy, việc thu hút nhà đầu tư bỏ khoản vốn rất lớn để làm dự án cũng không phải là vấn đề quá khó khăn. Do đó, cùng với việc phát triển các dự án đường bộ, thì việc tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ là việc làm cấp thiết đối với khu vực này.

Tác giả: Đ.Thắng

Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP