Một nghiên cứu về những ảnh hưởng của sự gián đoạn ở Biển Đỏ lên hoạt động xuất nhập khẩu từ ASEAN sang thị trường châu Âu vừa được ngân hàng HSBC công bố cho thấy: Tính đến thời điểm này, tác động lên thương mại của ASEAN vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng tới một vài sản phẩm nhất định. Tuy nhiên, cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cho gián đoạn thương mại.
Biển Đỏ là vùng vịnh thuộc Ấn Độ Dương, nằm giữa châu Á và châu Phi. Vùng biển này tiếp giáp vịnh Aqaba (Jordan), vịnh Sinai và vịnh Suez, nơi có kênh đào Suez (Ai Cập) về phía bắc; phía nam nối với vịnh Aden và từ đó nối với Biển Arab. Về vị trí địa lý, Biển Đỏ ngăn cách bờ biển của Ai Cập, Sudan và Eritrea ở phía tây với bờ biển của Saudi Arabia và Yemen ở phía đông. Biển Đỏ là khu vực các tàu hàng kết nối Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương (kết nối châu Á với châu Âu) buộc phải đi vào nếu muốn đi qua Kênh đào Suez của Ai Cập để rút ngắn hành trình. Kênh đào Suez chiếm gần 1/3 tổng lưu lượng container và khoảng 12% tổng khối lượng thương mại thế giới, với hơn 50 chuyến tàu qua lại mỗi ngày.
Vị trí chiến lược của giao thương hàng hải từ Á sang Âu đang bị ảnh hưởng 4 tháng nay bởi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu thương mại di chuyển qua Biển Đỏ. Sau khi những căng thẳng nổ ra, số lượng tàu quá cảnh qua Kênh đào Suez đã giảm hơn 50% kể từ đầu tháng 12 và giá cước vận tải container giao ngay đã tăng gấp ba lần trong hoạt động thương mại từ châu Á sang châu Âu.
Điều may mắn là tác động lên thương mại của ASEAN vẫn còn hạn chế tính đến thời điểm này, chỉ một số sản phẩn nhất định dễ bị ảnh hưởng hơn những sản phẩm khác.
Xuất khẩu điều đang chịu tác động mạnh từ khu vực Biển Đỏ |
Mặc dù nhận định rằng tác động xung đột của Biển Đỏ lên thương mại của ASEAN xuất khẩu sang châu Âu và Trung Đông vẫn còn hạn chế tính đến thời điểm này, nhưng HSBC cho rằng vẫn phải thận trọng. Bởi nếu nhìn sơ bộ, những gián đoạn ở Biển Đỏ có vẻ giống như một rủi ro đối với các nền kinh tế ASEAN vốn đang trông đợi thương mại toàn cầu tăng trở lại. Chẳng hạn, một tàu chở hàng từ Singapore đến Rotterdam thường mất 26 ngày nhưng giờ bị chậm 10 ngày.
“Mặc dù vậy, đây chưa hẳn là trường hợp cảnh báo đỏ ngay lập tức đối với thương mại của ASEAN bởi xuất nhập khẩu của khu vực này sang châu Âu và Trung Đông cũng tương đối hạn chế”, HSBC nhận định.
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực châu Âu là 71,14 tỷ USD; khu vực Bắc Mỹ là 122,3 tỷ USD; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 khu vực này chiếm tới 28,4% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Vì thế, với căng thẳng Biển Đỏ, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu là dệt may và da giày được gọi tên cần được lưu tâm. Mặc dù Mỹ là nước nhập khẩu dệt may và da giày nhiều nhất nhưng thị phần 20% của châu Âu cũng có ý nghĩa nhất định đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Thực tế, trong tháng 1 xuất khẩu mặt hàng này sang châu Âu này chưa bị ảnh hưởng bởi gián đoạn ở Biển Đỏ khi ghi nhận mức tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các hiệp hội thương mại cũng cảnh báo tình hình khó khăn gia tăng trong việc nhận đơn hàng từ quý 2/2024 nếu căng thẳng còn kéo dài.
“Trên thực tế, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã tìm kiếm giải pháp vận tải thay thế trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty vận tải tìm tới giữ chỗ bằng vận chuyển đường hàng không. Điều đó khiến lượng hàng vận chuyển qua đường hàng không trên tuyến Việt Nam-châu Âu trong tháng 1 tăng lên, thậm chí vượt mức 6% là ngưỡng đỉnh của năm 2023”, báo cáo của HSBC nêu.
Một mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam là nông sản cũng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi xung đột Biển Đỏ. Theo HSBC, ngoại trừ xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn chiếm phần lớn thị phần trong khu vực châu Á thì những sản phẩm khác có thể dễ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, gần 50% xuất khẩu cà phê của Việt Nam có điểm đến là châu Âu.
Tác giả: Thuỳ Linh
Nguồn tin: congthuong.vn