Xã hội

Lộ bằng chứng cty đóng tàu dùng tiền để ngư dân rút đơn kiện, "im lặng" với truyền thông

Lo lắng cho những con tàu tiền tỉ mới đóng phải nằm bờ, dưới áp lực trả nợ ngân hàng một số ngư dân đã đồng ý ký vào thỏa thuận của công ty đóng tàu buộc họ rút đơn khiếu nại.

Ngày 11/6, báo Tuổi trẻ thông tin, đã tìm được bằng chứng cho thấy nghi vấn nhà máy đóng tàu "đi đêm" với chủ tàu vỏ thép yêu cầu ngư dân rút đơn khiếu nại và từ chối thẩm định độc lập là có cơ sở.

Đó là văn bản thỏa thuận và cam kết mà Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Công ty Nam Triệu, thuộc Bộ Công an) soạn sẵn và đề nghị chủ tàu ký để nhận một khoản tiền khắc phục hậu quả với điều kiện không khiếu nại và "im lặng" với truyền thông.

Ông Đinh Công Khánh, chủ tàu vỏ thép mang số hiệu BĐ 99086 TS ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), cung cấp cho báo Tuổi Trẻ "văn bản thỏa thuận và cam kết" giữa ông này và Công ty Nam Triệu.

Văn bản này được lập vào ngày 3/6, gồm bên A là Công ty Nam Triệu do ông Bùi Hữu Hùng - phó tổng giám đốc - làm đại diện, bên B là Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (đơn vị cấp máy để lắp vào tàu vỏ thép) do ông Lê Hoàng Phong - giám đốc - làm đại diện, còn bên C là ông Đinh Công Khánh.

Nội dung thỏa thuận là bên A và bên B cùng liên đới chấp nhận khắc phục thiệt hại cho bên C liên quan đến hợp đồng đóng tàu mà các bên đã ký kết và bàn giao đưa vào hoạt động với mức 200 triệu đồng, trong đó Công ty Nam Triệu 150 triệu đồng và Công ty Hoàng Gia Phát 50 triệu đồng.

Để nhận số tiền trên, bên C phải thực hiện điều kiện "rút xong toàn bộ nội dung kiến nghị vào ngày 5/6/2017 tại Sở NN&PTNT Bình Định và các cơ quan liên quan", tiền sẽ được bên A và bên B giao vào ngày 6/6.

Ngư dân Trần Đình Sơn. Ảnh: Vietnamnet.

Ngư dân Trần Đình Sơn (ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ), chủ tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99245 TS kể lại trên báo VietNamnet:

Ngày 5/6, hai ngày trước khi tổ thẩm định độc lập của UBND tỉnh Bình Định kiểm tra các con tàu hỏng, ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu công ty TNHH MTV Nam Triệu và ông Bùi Hữu Hùng, phó Giám đốc, gặp riêng ông Sơn để nói chuyện "tình cảm".

"Hai ông đề nghị tôi rút hồ sơ đã gửi các cơ quan chức năng khiếu nại về việc máy tàu vỏ thép của tôi bị hư hỏng. Tôi không biết viết nên ông Tân đánh máy đơn đề nghị rút khiếu nại và văn bản thỏa thuận giữa tôi với công ty, đưa tôi ký rồi nhận 100 triệu đồng", ông Sơn nói.

Trước những cáo buộc công ty "đi đêm" với ngư dân, ông Nguyễn Hoàng Tân khẳng định, không hỗ trợ tiền để đề nghị ngư dân rút đơn khiếu nại công ty.

"Tiền tôi đưa cho ngư dân là phần tiền hỗ trợ để khắc phục những hỏng hóc của tàu", báo VietNamnet trích lời Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu công ty TNHH MTV Nam Triệu.

Liên quan đến vụ việc, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết đã có 7 ngư dân tại Bình Định đã làm đơn xin rút khiếu nại Công ty TNHH MTV Nam Triệu và đề nghị không thẩm định độc lập tàu vỏ thép hỏng của họ, tuy nhiên đến ngày 9/6, 6 ngư dân không rút đơn nữa.

Quan điểm của tỉnh Bình Định đến thời điểm này, dù ngư dân có rút đơn khiếu nại thì Tổ thẩm định vẫn tiếp tục công việc để xác định nguyên nhân hỏng tàu và trách nhiệm thuộc về ai.

Về phía các ngư dân, họ cho hay nhận tiền "hỗ trợ" của doanh nghiệp và rút đơn khiếu nại hy vọng tàu được khắc phục sớm để ra khơi kiếm tiền trả nợ ngân hàng.

Báo điện tử Zing.vn cho biết, một số chủ tàu xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, Bình định lý giải, dẫu biết rằng số tiền này không thấm vào đâu để sửa phương tiện nhưng nếu tàu phải gỡ thép ra đóng lại thì ít nhất phải mất vài tháng.

Tàu nằm bờ thì nợ ngân hàng ai sẽ đền bù, trong khi ôm đống hồ sơ ra kiện tòa. Tàu hỏng nằm bờ chờ quá lâu thì 'chết đói' mất...

Tác giả: Đ.N

Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP