Số hóa

Liều thuốc nào để “cai nghiện” Game online?

Game online không khác gì ma túy, nó có một ma lực kì lạ khi đã nghiện rồi thì khó lòng bỏ được. Vậy làm sao để "cai nghiện" Game online?

Các chuyên gia an ninh mạng nhận định, không thể phủ nhận những lợi ích giải trí mà game online đem lại, song việc chơi game liên tục, không kiểm soát sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khỏe, nhân cách, lối sống, đặc biệt là chứng loạn thần, mất kiểm soát. Điều đó báo trước những thảm họa kinh hoàng trong đời sống thực, khi người chơi bước ra với cách hành xử như trong thế giới ảo.

Trao đổi với PV, BS.La Đức Cương, Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho hay, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận vài chục bệnh nhân nghiện game, số ca bệnh ngày càng gia tăng. Độ tuổi phổ biến là từ 15-25 tuổi, hầu hết là nam giới. Trẻ mê game đến quên ăn, quên ngủ, ngất xỉu trên màn hình, gia đình phải đưa đến bệnh viện.

Giới trẻ nghiện game đến mức quên ăn, quên ngủ gây hậu họa khôn lường (Ảnh minh họa).

"Nghiện game, lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ là căn bệnh tâm thần đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Nhiều cha mẹ đưa con đến bệnh viện với nỗi bất lực vì không thể khuyên bảo, ngăn cấm được con”, BS. Cương nói.

BS.La Đức Cương nhận định: “Game làm biến đổi nhân cách của giới trẻ. Trẻ mê game đánh nhau cũng dễ trở nên bạo lực, hay tức giận, thích làm “người hùng”, giải quyết xung đột bằng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", thậm chí là vũ khí như trong game. Thậm chí, có bệnh nhân bị ám ảnh tình dục sau khi nghiện game sex”.

Theo BS.Cương, nghiện game ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm thần. Họ khá nhạy cảm đến mức có thể gây bạo lực nếu bị khiêu khích. Hoặc hết tiền chơi game, người nghiện game có thể trộm cắp, cướp giật, gây án mạng. Cũng có em buồn chán, kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần đến mức muốn chết. Do đó, cha mẹ cần kịp thời đưa con đi khám để được tư vấn và điều trị.

Dưới góc độ một chuyên gia an ninh mạng, ông Hoàng Viết Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam cho rằng, yếu tố thúc đẩy một người rơi vào “cạm bẫy” Internet bao gồm môi trường (được bạn bè rủ rê chơi, sẵn có nơi để chơi, có tiền, nhàn rỗi), chất gây nghiện (Game online, YouTube, Web độc hại…) và yếu tố tâm lý của chính bản thân người chơi.

Do đó, các bậc cha mẹ có thể cài đặt những phần mềm chống lại vấn đề truy cập web độc hại. Khi cài phần mềm này, các bậc cha mẹ có thể “khống chế” môi trường chơi của trẻ, thường xuyên giám sát thông tin mà trẻ truy cập vào trang web, biết được trẻ đang “ở đâu” trên thế giới Internet để có những tác động giúp trẻ hiểu được vấn đề hay ngăn ngừa kịp thời.

Đồng quan điểm với ông Tiến, BS.Cương cho rằng, “nghiện” game cũng giống như mọi chất gây nghiện khác như heroin, rượu bia… khi sử dụng sẽ kích thích sự hưng phấn trong não. Vì thế, nếu bị cấm không chơi game nữa, điều dễ hiểu là người chơi sẽ có những biểu hiện bồn chồn, cáu gắt, trầm cảm, hung hãn… Đến lúc này cần phải có sự can thiệp của các bác sĩ, ngoài tư vấn tâm lý còn phải dùng thuốc để điều trị.

Tác giả: N.Giang

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP