Tại phiên họp đầu tiên bàn về lương tối thiểu vùng 2017, các bên chủ yếu bàn về việc đánh giá mức sống, dự báo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động để làm căn cứ tính cho năm sau, đưa ra các đề xuất về mức tăng mà chưa "chốt" phương án tăng bao nhiêu.
PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện công nhân - công đoàn, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết phía Tổng liên đoàn Lao động bảo vệ quan điểm mức tăng thấp nhất cũng phải bằng năm 2016 (250.000- 400.000 đồng) tương ứng với 4 vùng, tức hơn 11%. Đưa ra mức đề xuất này, đại diện người lao động dựa vào khảo sát lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng được 80% nhu cầu sống của công nhân, chỉ 8% người lao động có tích lũy, cũng như tình hình kinh tế, khả năng mở rộng và phát triển của doanh nghiệp.
Ông Thọ cho hay, mức tăng mà Tổng liên đoàn đưa ra không chênh lệch nhiều so với mức 10% mà Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đại diện cho Chính phủ đề xuất, tương ứng với 250.000–350.000 đồng.
Trái với đề xuất của Tổng liên đoàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị không tăng lương do tình hình doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nếu có thì mức tăng tối đa mà giới chủ chấp nhận được là 4,6%, tức tăng từ 100.000–180.000 đồng cho 4 vùng.
Đầu tháng 8, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên tiếp theo. Năm 2016, sau ba phiên họp Hội đồng phải tiến hành bỏ phiếu mới thống nhất được mức tăng lương tối thiểu vùng. Lần lượt vùng I từ 3,1 triệu đồng một tháng (năm 2015) lên 3,5 triệu. Mức áp dụng tương ứng cho các vùng II, III và IV là 3,1 triệu, 2,7 triệu và 2,4 triệu đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội - Phạm Minh Huân, người đồng thời là Chủ tịch Hội đồng, đây là mức đồng thuận cao nhất trong các cuộc họp tăng lương những năm gần đây. Với con số này, lương sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Tác giả bài viết: Hoàng Phương