Số hóa

Lí do và cách phòng tránh smartphone bị quá nhiệt

Việc smartphone bị nóng lên trong quá trình sử dụng là không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói là bình thường. Tuy nhiên, nếu smartphone trở nên bị quá nhiệt thì đó lại là một vấn đề khác vì nó có thể làm hỏng phần cứng và giảm hiệu suất sử dụng.

Vậy điều gì khiến smartphone bị nóng lên và điều gì khiến smartphone bị quá nhiệt? Cách phòng tránh điều này là gì? Bài viết dưới đây từ trang AndroidPit sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề này:

Tại sao smartphone lại nóng lên?

Câu trả lời cho vấn đề này rất đơn giản, đó là một định luật cơ bản của vật lí: Động năng hay chuyển động sinh ra nhiệt. Khi smartphone hoạt động thì nó phải cho dòng điện di chuyển qua các linh kiện và sự chuyển động này dẫn tới việc sinh nhiệt. Lượng nhiệt sinh ra từ smartphone thường tỉ lệ thuận với lượng điện chạy trong nó. Điều này giải thích tại sao mà khi bạn càng chơi những game yêu cầu cấu hình và đồ họa cao thì máy càng nóng vì những game này yêu cầu nhiều lượng điện để hoạt động hơn.


Nếu smartphone của bạn bị nóng lên trong quá trình sử dụng thì cũng đừng quá lo lắng vì các nhà sản xuất đã tính đến điều này rồi và lượng nhiệt sẽ được giữ ở mức an toàn. Tuy nhiên, nếu smartphone của bạn trở nên nóng quá mức hay bị quá nhiệt thì bạn đã có lí do để lo lắng.

Tại sao smartphone lại bị quá nhiệt?

Nhìn chung, SoC (System on a Chip) của các smartphone được tối ưu hóa để chống lại việc quá nhiệt. Khi thiết bị của bạn chạm tới ngưỡng của một lượng nhiệt có thể gây hại thì SoC sẽ giảm tốc độ xử lí, làm máy hoạt động chậm hơn như là một dấu hiệu của việc bị quá nhiệt. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, SoC sẽ cho hiển thị thông báo yêu cầu yêu cầu ngừng sử dụng smartphone cho tới khi nó nguội đi.

Sử dụng Gear VR có thể làm smartphone nóng lên rất nhanh


Nếu smartpone của bạn thường xuyên bị nóng thì rất có thể nguyên nhân tới từ việc phần cứng bị quá tải. Việc sử dụng card đồ họa GPU liên tục như chơi game hay ứng dụng VR là cách nhanh nhất khiến smartphone của bạn bị quá nhiệt. Điều tương tự cũng xảy ra với các cấp quyền sử dụng của ứng dụng gây nhiều áp lực cho CPU. Chạy đa nhiệm, các tính năng bổ sung như widget hay việc yêu cầu kết nối WiFi, Bluetooth liên tục sẽ làm smartphone của bạn nóng lên rất nhanh.

Bên cạnh đó thì smartphone của bạn cũng có thể bị quá nhiệt từ tác nhân bên ngoài như ánh nắng mặt trời hay để gần nguồn nhiệt như lò sưởi. Tốt nhất, bạn không nên thử sức chịu đựng của smartphone và để nó càng xa nguồn nhiệt càng tốt.

Một trong những ví dụ tốt nhất về việc phần cứng kém tối ưu hóa có thể dẫn tới việc smartphone bị quá nhiệt đó là con chip tai tiếng Snapdragon 810 của Qualcomm. Được giới thiệu như là chip xử lí hàng đầu năm 2015 và được xuất hiện trên nhiều thiết bị cao cấp nhưng Snapdragon 810 lại luôn gặp vấn đề khiến máy trở nên bị quá nhiệt. Điều này khiến nó để lại một nỗi thất vọng lớn khi luôn phải giảm tốc độ xử lí xuống để đảm bảo an toàn. Qualcomm sau đó cũng đã thừa nhận những thiếu sót trong việc tối ưu hóa chip của hãng.

Hệ thống làm mát trên Galaxy S7 và Galaxy S7 Edge


Các nhà sản xuất cũng ý thức được tác hại của việc quá nhiệt trên sản phẩm của mình. Sony đã tung ra hàng loạt bản vá lỗi để giúp chip Snapdragon 810 trên Xperia Z3+ trở nên tối ưu hóa với máy hơn cũng như bổ sung thêm ống làm mát trên Xperia Z5. Một thứ tương tự như vậy cũng đã được Samsung làm trên 2 mẫu flagship mới nhất là Galaxy S7 và Galaxy S7 Edge.

Tác hại của việc bị quá nhiệt?

Pin: Như chúng ta đã biết, hiện nay có hai loại pin là pin sạc được và pin không sạc được. Pin không sạc được chỉ cho phép xả và electron trong pin sẽ đi theo một hướng để chạy vào smartphone. Trong khi đó, pin sạc lại được cho phép electron đi theo cả hai chiều, nghĩa là nó có thể vừa xả và vừa sạc.


Pin lithitium-lion là pin sạc lại được mà chúng sử dụng phổ biến nhất hiện nay trên rất nhiều thiết bị nhờ vào việc có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, pin lithitium-lion vẫn có những điểm yếu. Đầu tiên, pin lithitium-lion tự giảm tuổi thọ. Nghĩa là, dù bạn không sử dụng thì tuổi thọ của pin cũng tự giảm mặc dù nếu may mắn thì bạn có thể sử dụng pin liên tục trong từ 2 đến 3 năm. Thứ 2, pin lithitium-lion rất nhạy cảm với nhiệt. Bất cứ lượng nhiệt nào lớn hơn 30 độ C đều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới pin. Ngoài ra, nhiệt độ của pin này cũng tự tăng khi bạn sạc.

Ảnh hưởng lớn nhất của việc quá nhiệt đó là nó làm tăng tốc độ phân hủy trong pin dẫn tới tuổi thọ của pin bị rút ngắn nhanh hơn.

Nguy hiểm hơn, sự quá nhiệt có thể dẫn tới việc pin lithitium-lion bị phát nổ như những câu chuyện bạn nghe được từ trên báo chí. Tuy nhiên, khả năng nổ của pin là rất ít. Để phát nổ thì pin phải bị tác động bởi một lượng nhiệt lớn và liên tục. Các smartphone hiện nay đều có một bộ ngắt mạch tự động khi nhiệt độ lên quá cao nên việc pin phát nổ chỉ diễn ra khi linh kiện này bị hỏng hay khi bạn ném smartphone vào lửa. Người ta tính toán ra rằng để pin của smartphone phát nổ thì nhiệt độ phải tăng lên đến 200 độ C.

SoC: Như đã nói ở trên, SoC trên smartphone sẽ tự động giảm tốc độ xử lí của máy để giảm nhiệt. Tuy nhiên, nếu phải tiếp xúc với nguồn nhiệt lớn trong thời gian dài thì việc hỏng chip là hoàn toàn có thể xảy ra. Giống như pin, khả năng hỏng của SoC vì nhiệt cũng ít vì luôn có các biện pháp đảm bảo an toàn từ nhà sản xuất. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy lo lắng vì nhiệt độ của smartphone đang lên quá cao thì tốt nhất là nên dừng sử dụng để chờ nó nguội đi.

Làm thế nào để phòng tránh việc quá nhiệt?

Pin: Một trong những điều tồi tệ nhất mà bạn có thể làm với viên pin của mình là tiếp tục làm nóng nó bằng cách sử dụng smartphone khi đã sạc đầy 100%. Điều này khiến máy phải liên tục kiểm tra để giữ mức pin là 100% và khiến pin nóng lên rất nhanh. Độ sâu của việc xả pin cũng làm ảnh hưởng tới tuổi thọ pin, tức là bạn không nên để pin rơi xuống mức 0%. Tốt nhất, bạn nên sạc pin từ mức 30% lên đến 80% thì dừng lại. Điều này nghe có vẻ bất tiện nhưng nếu làm đúng thì bạn có thể tăng gấp đôi số chu kì sạc pin.

Hình ảnh những viên pin bị hỏng do sạc sai cách


Ira, nhiếp ảnh gia của AndroidPit, là một trong những người đã chứng kiến sự nguy hiểm của việc sử dụng smartphone khi pin được sạc đầy. Cô ta đã phải thay khoảng 5-6 viên pin cho chiếc Galaxy S3 của mình và trong đó có một viên pin đã phồng to như quả bóng bay.

SoC: Để ngăn SoC khỏi tác hại của việc quá nhiệt, bạn không nên chơi các game nặng hay xem video trong thời gian dài cũng như ngừng việc chạy đa nhiệm và các ứng dụng sử dụng nhiều tài nguyên. Tránh việc sử dụng Bluetooth liên tục và chỉ sử dụng WiFi khi có kết nối ổn định cũng đem lại nhiều kết quả tốt. Ngoài ra, bạn cũng có thể tránh mua các smartphone dễ bị nóng nhanh như các smartphone sử dụng chip Snapdragon 810 chẳng hạn.

Kết luận

Một lưu ý nữa mà bạn cần lưu tâm đó là để smartphone tránh xa các nguồn nhiệt lớn cũng như ánh nắng của mùa hè tháng 7 vào lúc này. Mặc dù, các smartphone hiện nay đều được thiết kế để chống lại việc quá nhiệt nhưng việc hỏng hóc bởi nhiệt độ, dù tỉ lệ nhỏ vẫn có thể xảy ra. Nếu nhiệt độ trên smartphone của bạn tự động tăng lên mà không có lí do xác đáng như đã kể trên thì rất có thể nó đã bị hỏng phần cứng và bạn nên đem đi bảo hành.

Tác giả bài viết: Nguyễn Long

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP