Pháp luật

Lật tẩy chiêu trò lừa đảo bán vé máy bay để chiếm đoạt hàng trăm triệu

Lợi dụng nhu cầu của các công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn trở về nước tránh dịch Covid-19, Hồ Sơn Tùng đã lừa bán vé máy bay để chiếm đoạt tài sản.

Ngày 16/4, Công an thị xã Thái Hoà, tỉnh Nghệ An đang tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Sơn Tùng (SN 1992), trú tại xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình đấu tranh xác định, khoảng tháng 3/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp trên thế giới, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu trở về Việt Nam để tránh dịch.

Tuy nhiên, do số lượng các chuyến bay và hành khách trên mỗi chuyến bị hạn chế rất nhiều so với bình thường nên công dân muốn trở về Việt Nam phải đăng ký và có sự bảo hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước.

Lợi dụng điều đó, Tùng đã nảy sinh ý định thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài có nhu cầu về nước dưới hình thức mua, bán vé máy bay.

Để thực hiện hành vi của mình, Tùng sử dụng các tài khoản Facebook ảo do mình lập nên với danh nghĩa là người đã được về Việt Nam trong đại dịch Covid-19 và có ý muốn giúp đỡ, chia sẻ, hướng dẫn những người còn mắc kẹt ở nước ngoài những thủ tục, giấy tờ cần thiết để có thể về nước.

Thông qua các hội, nhóm Việt kiều trên Facebook, Tùng đăng thông tin để tìm kiếm những công dân có nhu cầu về Việt Nam. Khi người có nhu cầu liên hệ, Tùng hướng dẫn họ gửi yêu cầu đến địa chỉ email giả danh là của Đại sứ quán Việt Nam mà Tùng đã lập sẵn.

Để tạo niềm tin cho nạn nhân, Tùng yêu cầu phải gửi kèm theo các hình ảnh, giấy tờ như hộ chiếu, giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid-19, giấy xét nghiệm Covid-19...

Sau khoảng 1 đến 2 ngày, Tùng sử dụng email giả mạo này trả lời cho công dân với nội dung đề nghị của họ đã được chấp thuận; đồng thời gửi kèm thông tin số điện thoại đăng ký tài khoản Zalo (do Tùng lập) để bị hại trực tiếp liên lạc và được tư vấn về lịch bay cũng như lịch trình di chuyển. Thông qua tài khoản Zalo này, Tùng hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền để mua vé máy bay.

Đối tượng Hồ Sơn Tùng. Ảnh Công an Nghệ An.

Khi bị hại tin tưởng, Tùng đề nghị bị hại chuyển tiền vào các số tài khoản của các công ty, cá nhân chuyên mua, bán các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính xách tay…

Sau đó, đối tượng sẽ đặt mua các thiết bị điện tử tương ứng với số tiền mà các bị hại đã chuyển. Khi nhận được hàng là các thiết bị điện tử, Tùng tiếp tục lên các Fanpage rao bán để thu về tiền mặt.

Theo lời khai ban đầu, từ tháng 3/2021 đến thời điểm bị bắt giữ (13/4/2022), Hồ Sơn Tùng đã lừa đảo chiếm đoạt của hơn 20 bị hại trên cả nước. Bước đầu, cơ quan Công an đã xác định, làm việc được với 2 bị hại với tổng số tiền bị Tùng chiếm đoạt là 147.000.000 đồng.

Qua vụ việc nói trên, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, đề phòng các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Đặc biệt, không đặt mua vé máy bay từ các tài khoản mạng xã hội mà nên tìm hiểu và đặt mua vé tại những đại lý vé máy bay uy tín, được cấp phép. Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng để cập nhật những hình thức lừa đảo mới.

Khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng cần tích cực tố giác, phối hợp với lực lượng chức năng để tiến hành điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP