Đại diện chính phủ Đức viết trên Twitter: "Trật tự của nền dân chủ cần được giữ vững, phải làm tất cả để bảo vệ tính mạng con người".
Tại Hy Lạp, các lực lượng vũ trang và cảnh sát đang tổ chức họp khẩn cấp ở thủ đô Athens nhằm đánh giá tình hình ở quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà chức trách miêu tả lực lượng vũ trang hiện được đặt trong tình trạng "sẵn sàng cao độ".
Tổng thống Mỹ Barack Obama thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ "được bầu một cách dân chủ" ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo AFP. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có ý nghĩa chiến lược to lớn.
"Tổng thống và Ngoại trưởng đều nhất trí rằng tất cả các đảng phái ở Thổ Nhĩ Kỳ nên ủng hộ chính phủ được bầu dân chủ của quốc gia này, kiềm chế và tránh gây bạo lực hay đổ máu", thông báo từ Nhà Trắng cho hay.
Moscow bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến mới nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin đang liên tục cập nhật tình hình.
Theo Peskov, mọi chuyện đang phát triển quá nhanh nên việc đánh giá đầy đủ tình hình là khá khó khăn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Nga rất lo lắng, đồng thời thể hiện mong muốn nhìn thấy Thổ Nhĩ Kỳ trở lại ổn định và trật tự.
Ngoại trưởng Anh Borish Johnson cho hay ông cũng "vô cùng quan ngại" trước những gì đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung kêu gọi mọi người "tránh xa những nơi công cộng và tiếp tục giữ cảnh giác".
Một quan chức NATO giấu tên nói với hãng thông tấn AP rằng tổ chức này đang "theo dõi sát sao sự việc".
Liên Hợp Quốc cũng đang cố gắng tìm cách làm rõ tình hình. "Tổng thư ký đang theo dõi sát các động thái ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ấy đã nắm được một số báo cáo về cuộc đảo chính tại đây", người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Farhan Haq nói.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay tiến hành đảo chính, tuyên bố đã kiểm soát chính phủ và ban hành thiết quân luật. Một số cuộc đụng độ đã nổ ra giữa quân đội và những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Tác giả bài viết: Vũ Hoàng