Thể thao

"Làng túc cầu thế giới đang rối loạn vì tiền"

Hãng BBC vừa dẫn lời các luật sư của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cho biết, 3 cựu quan chức cấp cao của FIFA là Sepp Blatter (nguyên Chủ tịch), Jerome Valcke (nguyên Phó Tổng thư ký) và Markus Kattner (nguyên Phó Tổng thư ký) bị cáo buộc biển thủ công quỹ, và nhận những khoản tiền thưởng ngoài luồng lên tới gần 80 triệu USD. Và việc làm giàu bất chính của 3 quan chức kể trên diễn ra trong giai đoạn 2011-2015.

Từ cáo buộc đối với cựu lãnh đạo FIFA

Trước đó (2-6), cảnh sát đã thu giữ một số tài liệu và máy tính của 3 cựu quan chức kể trên để tìm kiếm thêm bằng chứng. "Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng cho thấy, 3 cựu quan chức này đã hợp tác với nhau để làm giàu cho cá nhân và các khoản tiền bất chính đến từ việc tự tăng lương thường niên, tiền thưởng World Cup và hàng loạt ưu đãi khác", đại diện của Bill Burck, đối tác của công ty luật Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan (Mỹ) thông báo.

Hơn 10 ngày trước (23-5), FIFA đã ra quyết định sa thải đối với Phó tổng thư ký Markus Kattner (thay thế người tiền nhiệm Jerome Valcke bị cách chức do liên quan tới việc tuồn vé World Cup 2014 ra chợ đen kiếm lời) vì vi phạm quy định tài chính liên quan tới những khoản tiền thưởng bí mật trị giá hàng triệu USD.


FIFA đang lao đao vì các quan chức liên tục dính chàm.

Trong thông báo hôm 23-5, FIFA nhấn mạnh, quyết định sa thải ông Markus Kattner có hiệu lực ngay lập tức. Đồng thời cho biết, cuộc điều tra nội bộ (do Công ty luật Quinn Emanuel tiến hành) cho thấy, có đủ bằng chứng về những sai phạm của ông Markus Kattner về các khoản tiền thưởng đáng lẽ phải được Ủy ban tài chính của FIFA chấp thuận, nhưng chỉ được một vài người biết.

Giới chuyên môn cho rằng, việc sa thải ông Markus Kattner (có 2 quốc tịch Đức và Thụy Sỹ và từng là quyền Tổng Thư ký FIFA) là dấu hiệu cho thấy, những vi phạm của FIFA vẫn chưa được công khai toàn bộ. Và những động thái kể trên là một đòn mới đối với danh tiếng của FIFA trong bối cảnh tân Chủ tịch Gianni Infantiono (được bầu hồi tháng 2-2016) đang nỗ lực khôi phục hình ảnh tổ chức này sau những bê bối vừa qua.

Hơn 2 tháng trước (6-4), Hãng AFP cho biết, cảnh sát Thụy Sĩ đã khám xét trụ sở của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) để tìm kiếm thông tin về những hợp đồng liên quan tới thỏa thuận bản quyền truyền hình giải đấu Champions League được tiết lộ trong "Hồ sơ Panama".

Theo đó, cảnh sát muốn kiểm tra thỏa thuận giữa UEFA với Cross Trading và Teleamazonas - 2 công ty ở Ecuador liên quan tới thương vụ mua bán bản quyền truyền hình các trận chung kết Champions League trong giai đoạn 2006-2009. Và khi đó, tân Chủ tịch FIFA Gianni Infantiono giữ chức Tổng Thư ký UEFA, đã ký những hợp đồng kể trên.


Ông Gianni Infantino, Chủ tịch FIFA.

Ngay sau khi bị "réo tên", ông Gianni Infantino đã lập tức lên tiếng bảo vệ danh dự cá nhân và cho rằng, sẽ không để giới truyền thông nghi ngờ sự liêm chính của mình trong công việc. Nhưng theo "Hồ sơ Panama", trong thời gian làm Tổng Thư ký UEFA, ông Gianni Infantino đã ký một hợp đồng liên quan tới bản quyền giải Champions League với 2 doanh nhân Hugo và Mariano Jinkis, bị cáo buộc đưa hối lộ. Và với bản hợp đồng này, Công ty Cross Trading của nhà Jinkis đã mua bản quyền Champions League để bán lại với giá cao gấp 3 lần.

Cũng trong thời gian kể trên (6-4), ông Juan Pedro Damiani đã phải từ chức thành viên Ủy ban Đạo đức của FIFA sau khi "Hồ sơ Panama" tiết lộ, công ty luật của ông Juan Pedro Damiani đã giúp cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ Eugenio Figueredo (đang bị cáo buộc tham nhũng ở Mỹ) thành lập công ty ma để trốn thuế.

Ngoài ra, công ty của ông Juan Pedro Damiani còn đóng vai trò trung gian cho một công ty có trụ sở ở bang Nevada, Mỹ để liên hệ với 2 nhân vật khác đang bị Mỹ cáo buộc tham nhũng. Các công tố viên Thụy Sĩ cũng đang điều tra xung quanh quyết định trao quyền tổ chức World Cup 2018 và 2022 cho Nga và Qatar.

Và theo yêu cầu của Mỹ, cảnh sát Thụy Sĩ đã bắt 7 quan chức FIFA tại một khách sạn ở Zurich hơn 1 năm trước (27-5-2015). Mỹ đã buộc tội 39 cá nhân và 2 công ty liên quan đến các khoản tiền hối lộ trị giá hơn 200 triệu USD xung quanh các hợp đồng tiếp thị và truyền hình của FIFA.

Đã có không ít người than rằng, làng túc cầu thế giới đang rối loạn vì tiền khi có người bị điều tra, người bị mất chức, người bị cáo buộc và việc này đang phủ bóng đen lên FIFA cũng như các danh thủ dính chàm. Hơn 20 ngày trước (14-5), Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã bổ nhiệm bà Fatma Samba Diouf Samoura, người Senegal, làm nữ Tổng Thư ký đầu tiên của FIFA. Và người phụ nữ này sẽ nhậm chức từ trung tuần tháng 6.

Tới phiên tòa của danh thủ Lionel Messi

Và theo tiết lộ của "Hồ sơ Panama", danh thủ bóng đá thế giới người Argentina Lionel Messi đã bị lộ sáng và đang phải đối mặt với án tù gần 2 năm vì cáo buộc trốn thuế (4,5 triệu USD) tại Tây Ban Nha.


Lionel Messi liên tục vướng vào những cáo buộc trốn thuế.

Mặc dù công tố viên Tây Ban Nha Mario Maza đã đề nghị mức xử phạt 22 tháng và 15 ngày tù giam đối với cha con Messi (hôm 3-6), nhưng công tố viên Raquel Amado lại cho rằng, chỉ có ông Jorge Horacio Messi phải chịu trách nhiệm về vụ trốn thuế của con trai (phải đối mặt với mức án 18 tháng tù giam), còn Lionel Messi xứng đáng được tuyên vô tội. Và phiên tranh tụng tại tòa án Barcelona tuy đã khép lại hôm 3-6, nhưng cha con Messi vẫn phải chờ phán quyết cuối cùng của tòa.

Theo giới truyền thông, nhiều người đứng bên ngoài phòng xử án đã văng tục và thóa mạ với Lionel Messi, khi danh thủ này đi vào bên trong tòa án Barcelona hôm 2-6. Thậm chí có người còn nói: "Cút tới Panama mà chơi, đồ khốn".

Trong tuyên bố tại phiên tòa ngày 2-6, Lionel Messi khẳng định, hoàn toàn tin tưởng và giao toàn bộ vấn đề tài chính cho cha mình và luật sư quản lý. "Tôi chỉ tập trung chơi bóng, chẳng biết gì cả.Tất cả những gì tôi biết là ký thỏa thuận với các nhà tài trợ về số tiền đóng quảng cáo, làm hình ảnh đại diện cho họ.

Những vấn đề khác không biết và tuy đã ký hợp đồng, nhưng không đọc nội dung bởi tôi tin tưởng cha mình", Lionel Messi nhấn mạnh. Cha con Messi bị cáo buộc sử dụng các công ty ma ở "thiên đường thuế" Belize và Uruguay để trốn thuế với số tiền lên tới 4,5 triệu USD trong giai đoạn 2007-2009.

Ông Jorge Horacio Messi bị cáo buộc với tội danh tương tự bởi là người đại diện của con trai, và tham gia đàm phán khi ký hợp đồng. Và khi đối mặt với câu hỏi về sự tồn tại của công ty có tên Jenbril, được thành lập tại Uruguay với chức năng xử lý các khoản thanh toán liên quan tới thương quyền hình ảnh cá nhân, Lionel Messi khẳng định không biết.

Điều này được ông Jorge Horacio Messi khẳng định khi đứng trước tòa: con trai tôi không biết gì về việc này. Mặc dù ông Jorge Horacio Messi từng đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm và đóng khoản tiền phạt 4,5 triệu USD cho cơ quan thuế, nhưng công tố viên của Tòa án tối cao Tây Ban Nha đã bác bỏ điều này. Bởi họ cho rằng, Lionel Messi biết tất cả mọi việc và ủy thác cho cha trốn thuế qua các công ty ma ở Uruguay, Belize, Thụy Sĩ và Anh.


Ông Jorge Horacio Messi đã đứng ra nhận hết trách nhiệm về mình.

Cha con Messi bị cáo buộc 3 tội danh liên quan tới việc trốn khoản thuế 4,5 triệu USD trong giai đoạn 2007-2009. Trong giai đoạn kể trên, Lionel Messi đã ký hợp đồng với Banco Sabadell, Telefonica, Danone, Air Europa, Adidas và Pepsi... và thu được 10 triệu euro, nhưng không đóng thuế.

Giới truyền thông Tây Ban Nha cho rằng, Lionel Messi đã thêm một lần thực hiện hành vi trốn thuế thông qua một công ty ở Trung Mỹ. Bởi theo tiết lộ từ "Hồ sơ Panama", một ngày sau khi bị cáo buộc trốn 4,5 triệu USD, Lionel Messi và ông Jorge Horacio Messi đã sử dụng một công ty ở Uruguay để mở chi nhánh tại Panama nhằm tiếp tục chuyển tiền bản quyền hình ảnh để qua mắt cơ quan thuế.

Khi đó, tờ La Sexta và El Confidencial đã đăng tải thông tin kể trên (thượng tuần tháng 4), và ngay lập tức gia đình Messi đã phủ nhận tuyên bố, cáo buộc kể trên là sai trái, có tính phỉ báng và họ sẽ khởi kiện. Lionel Messi tuyên bố, sẽ kiện ICIJ vì đã đưa ra cáo buộc vô căn cứ, kiện một tờ báo Đức vì đã đưa tin không đúng sự thật.

Hơn 3 năm trước (tháng 4-2013), tờ Mirror của Anh từng đưa tin, ông David Waygood, Giám đốc một công ty liên quan đến nghi án trốn thuế của Lionel Messi đã tự tử vì áp lực quá mức. David Waygood là Giám đốc và là nhân viên duy nhất tại Công ty Sidefloor Limited, một trong những công ty của cha con Messi đã tự tử sau khi liên tục phải đối mặt với những buổi thẩm vấn, điều tra của cảnh sát. Và việc này từng khiến Lionel Messi phải khốn khổ.

8 tháng trước (7-10-2015), nhà chức trách Tây Ban Nha từng chính thức xác nhận, tiền đạo sinh năm 1987 người Argentina không dính tới cáo buộc trốn thuế. Và khi đó, tờ Confidencial đưa tin, Tòa án Tây Ban Nha đã kết luận, Lionel Messi không tham gia vào các hoạt động kinh doanh của cha mình, do đó ông Jorge Horacio Messi phải chịu trách nhiệm về những cáo buộc kể trên, phải đối mặt với mức án 18 tháng tù cùng khoảng 2 triệu euro tiền phạt.

Gần 3 năm trước (tháng 8-2013), cha con Messi đã tự nguyện nộp 5,6 triệu USD cho cơ quan thuế Tây Ban Nha sau khi bị điều tra chính thức. Theo luật pháp Tây Ban Nha, một cầu thủ có quyền bán 15% bản quyền hình ảnh của mình cho đơn vị thứ 3. Và lợi dụng kẽ hở này, Lionel Messi đã lách luật và trốn được 4,5 triệu USD, khoản tiền trích ra từ nguồn thu bản quyền truyền hình mà danh thủ này có nghĩa vụ nộp cho cơ quan thuế.

Theo giới truyền thông, Lionel Messi kiếm khoảng 23,5 triệu bảng Anh/năm từ tiền lương, thưởng và hơn 14 triệu bảng Anh từ tiền tài trợ. Và danh thủ này có thu nhập khoảng 100 triệu USD/năm, trong đó 25% số này đến từ tiền lương tại Barca, phần còn lại là quảng cáo và làm đại diện thương hiệu.

Tác giả bài viết: Mạnh Phong - Nhiệm Bình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP