Trong nước

Lãng phí nghiêm trọng hơn cả tham nhũng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết như vậy khi cùng các tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tiếp xúc cử tri quận 10 và quận Gò Vấp sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, ngày 22/11.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đinh Văn Huệ (phường 15, quận 10) cho rằng, dù công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước thực hiện quyết liệt trong thời gian qua song số vụ phạm tội về tham nhũng của những cán bộ có chức vụ còn cao. Cử tri Huệ kiến nghị Quốc hội và Trung ương nên có cuộc họp chuyên đề, kết luận nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cử tri TPHCM ngày 22/11. Ảnh: TTXVN

Cử tri Đinh Thị Ngọc phản ánh thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn triệt để; tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trước khi “chống” cần có các giải pháp để phòng ngừa thì công tác này mới đạt được hiệu quả cao, trong đó có việc nâng cao hơn nữa đời sống của cán bộ, đảng viên. “Cùng với việc chống tham nhũng, chúng ta cũng đẩy mạnh phòng chống lãng phí, thất thoát, bởi đây là vấn nạn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước yêu cầu TPHCM giải quyết rốt ráo để ổn định thị trường xăng dầu, thị trường tài chính, bất động sản... Trong đó, thành phố cần chủ động làm việc và đề xuất với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi thị trường. Chủ tịch nước đề nghị TPHCM tiếp tục xử lý, khắc phục những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, tình trạng cán bộ y tế, giáo dục nghỉ việc, bỏ việc…

Theo cử tri Bùi Hữu Dương (phường 11, quận Gò Vấp), vấn nạn cho vay nặng lãi hiện nay trong xã hội còn phức tạp. Tội phạm không giấu giếm mà công khai số điện thoại ở những nơi công cộng. Từ đây, do gặp khó khăn, những người nghèo, mắc bệnh, sinh viên mới tìm đến và bị “sập bẫy” các đối tượng cho vay. “Cái này không khó lắm, công an vào cuộc thì sẽ tìm ra được. Các đồng chí đóng giả là người đi vay thì sẽ triệt phá được ngay”, cử tri Dương gợi ý.

Trao đổi với các cử tri, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thừa nhận, vấn nạn tín dụng đen, lừa đảo trên mạng, điện thoại đe dọa, khủng bố đòi nợ thuê đang là vấn đề “nóng”, gây nhiều bức xúc trong xã hội. “Kể cả cán bộ ở các sở, ban ngành, cán bộ ở Văn phòng UBND thành phố… cũng bị gọi điện hăm dọa, khủng bố đòi nợ thuê”, ông Mãi nói và cho biết, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã vào cuộc rất quyết liệt để xử lý vấn nạn này. Tại TPHCM, lực lượng công an, các sở, ban ngành liên quan của thành phố cũng đã vào cuộc xử lý quyết liệt, thậm chí khởi tố nhiều vụ án, nhiều bị can.

Liên quan vấn nạn này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, lừa đảo, vu khống trên mạng đang gây bức xúc lớn trong xã hội. Do đó, mỗi gia đình, công dân cần nêu cao cảnh giác, đấu tranh. Chủ tịch nước khẳng định Tổ ĐBQH sẽ tiếp thu các phản ánh của cử tri và chuyển tới các cấp lãnh đạo để có biện pháp xử lý, ngăn chặn, phòng chống hiệu quả hơn.

Tác giả: Ngô Tùng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP