Trong nước

Làm rõ ai 'nâng đỡ' ông Trịnh Xuân Thanh

“Cần phải làm rõ sự liên quan của các tổ chức, cá nhân khi đã không kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm mà còn điều động, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang vào các vị trí cao hơn”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nói.


4a PTDW
Ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe tai tiếng. Ảnh: T.L.

Xử từ đầu thì đâu còn cơ hội leo cao

Ông bình luận thế nào về quyết định của Ban Bí thư khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh?

Theo tôi, quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh đã đảm bảo tính công minh, chính xác, kịp thời. Tuy nhiên cái mà nhiều người, trong đó có tôi mong đợi lúc này là cần làm rõ, có kết luận cụ thể về sự liên quan và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh.

Bởi trong quyết định của Ban Bí thư nêu rất rõ, trong thời gian từ năm 2007 - 2013, trên các cương vị là lãnh đạo PVC, ông Trịnh Xuân Thanh cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011 – 2013). Như vậy, những vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh đã xảy ra từ rất sớm. Thế mà tại sao bao năm qua không được chấn chỉnh, xử lý và để nó tồn tại cho đến tận những ngày hôm nay.

Điều này rất đáng buồn và để lại nhiều suy nghĩ. Công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng và chính quyền bao năm qua ở đâu mà lại không phát hiện ra những thiếu sót, sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh? Nếu việc kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời thì chắc chắn vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh đã được phát hiện và ngăn chặn từ sớm, chứ không phải đợi đến khi Tổng Bí thư có chỉ đạo. Điều này cũng chứng tỏ rằng, công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng và các cấp chính quyền chưa bảo đảm được sự chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả. Vì thế tôi mong muốn các cơ quan chức năng có kết luận một cách nghiêm túc vụ việc trên.

Để xảy ra thua lỗ nghiêm trọng nhưng ông Trịnh Xuân Thanh không những không bị xử lý trách nhiệm mà còn liên tiếp thăng tiến, được bổ nhiệm đến chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Nếu không có sự nâng đỡ thì liệu rằng ông Thanh có leo cao đến được như thế, thưa ông?

Đây cũng là vấn đề mà tôi muốn các cơ quan, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Sai phạm rõ ràng như thế nhưng tại sao các tổ chức, đơn vị không nhắc nhở, xử lý ông Trịnh Xuân Thanh mà lại còn sử dụng, bố trí, điều chuyển ông này lên chức vụ cao hơn, khiến sai phạm ngày càng lớn hơn. Đáng nhẽ, khi phát hiện PVC thua lỗ, sai phạm thì phải chấn chỉnh ngay từ đầu, sai phạm đâu có lớn đến như bây giờ. Vì thế cần phải làm rõ sự liên quan của các tổ chức, cá nhân khi đã không kịp thời ngăn chặn mà còn suy tôn, cổ vũ, sử dụng ông Trịnh Xuân Thanh ở các vị trí cao hơn.

Vụ việc này cũng cần phải làm rõ có lợi ích nhóm không, hay chỉ là vô trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Tất cả các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm tra, tạo điều kiện cho ông Trịnh Xuân Thanh thăng tiến phải kiểm điểm làm rõ. Phải chăng vì được “bảo vệ” nên ông Trịnh Xuân Thanh nhờn luật để rồi khi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thì lại ngông nghênh gắn biển xanh vào xe tư đi lại?

4b macd
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Còn bao nhiêu Trịnh Xuân Thanh nữa?

Ông nghĩ sao khi vụ việc xảy ra các cơ quan chức năng vẫn khẳng định, việc điều động, bổ nhiệm ông Trinh Xuân Thanh là “đúng quy trình”?

Đúng là hiện nay nhiều người, nhiều đơn vị thường sử dụng cụm từ “ đúng quy trình” để thanh minh, giải thích về những vụ việc mà đơn vị, cá nhân mình có liên quan. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “đúng quy trình” ở hình thức hành chính, còn chất lượng thì rõ ràng không đảm bảo. Ví dụ như khi bổ nhiệm cán bộ, giấy tờ, thủ tục có nói rõ là đã lấy ý kiến của đơn vị này, đơn vị kia. Nhưng vấn đề quan trọng là ý kiến đó có công tâm, khách quan, có bị chi phối không?… Việc đó có diễn ra một cách minh bạch, dân chủ không hay lại bị tác động, vận động?… Nói thật vừa rồi tôi rất tâm đắc với một bài viết là “soi cán bộ như soi hoa hậu”. Nếu công tác cán bộ mà được soi xét kỹ lưỡng, người có thẩm quyền có trách nhiệm và công tâm, khách quan thì chắc chắn sẽ không xảy ra những vụ việc như Trịnh Xuân Thanh.

Vậy chúng ta rút kinh nghiệm và bài học gì qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, thưa ông?

Theo tôi, các cơ quan chức năng trước hết cần rà soát lại xem còn bao nhiêu trường hợp như Trịnh Xuân Thanh. Qua rà soát để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý. Chứ nếu cán bộ vi phạm, không xử lý mà lại còn xúm vào khen ngợi, bổ nhiệm chức vụ cao hơn thì vô cùng nguy hiểm, dễ khiến người ta trượt dài trong những sai phạm.

Thứ hai là các cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm tra, giám sát, xử lý cần phải nâng cao tính chủ động, chiến đấu, giáo dục. Các cơ quan trên phải thực sự là những “bộ phanh” hoạt động có hiệu quả trước những sai phạm của các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, không bao giờ để “phanh” bị hỏng, “phanh” bị lỗi. Như vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, việc cơ quan chức năng không “phanh” được sai phạm của ông ấy ngay từ đầu đã chứng tỏ “phanh” đó rất yếu, lỗi, hoặc hỏng.

Cảm ơn ông.

Tác giả bài viết: Văn Kiên (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP