Rằng hay thì thật là hay...
Cách đây 10 năm, Khánh Ly tốt nghiệp Học viện Ngân hàng loại xuất sắc. Trong năm cuối cùng tại đại học, cô đã xin thực tập tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn. Ngay sau tốt nghiệp, cô được nhận vào làm luôn tại nơi mà cô thực tập.
Thế là trong khi các bạn cùng khóa còn vất vả tìm việc thì Khánh Ly đường hoàng đi làm ngân hàng máy lạnh, đeo thẻ ngân hàng sang chảnh. Khánh Ly được trả mức lương 6 triệu cho vị trí bắt đầu, nhưng sau khoảng 3 năm làm việc, với thành tích làm việc luôn được khen là tốt, lương của Ly cũng lên được mức 8 triệu.
Làm việc ở bộ phận nhân sự, công việc của Khánh Ly cũng không quá vất vả và so mức lương của cô ở thời điểm cách đây 7 năm thì cũng không phải thấp. Cuối năm, Ly được thưởng khoảng 2-3 tháng lương tùy kết quả kinh doanh của ngân hàng. Công việc tạm ổn như vậy.
Thấm thoát, Khánh Ly đã làm việc được ở ngân hàng 10 năm. Và trong suốt 7 năm vừa qua cho đến hiện tại, dù không năm nào không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhưng Khánh Ly không được tăng lương. Đến giờ so với bạn bè, mức lương của Ly là thấp, thậm chí rất thấp so với bạn bè đồng trang lứa.
Minh Tuấn từng làm nhân viên marketing tại một công ty hàng tiêu dùng ở Việt Nam, công việc của anh khá tốt và anh cũng được công ty ưu ái khá nhiều bởi năng lực làm việc tốt, công ty phát triển ổn định.
Sau khi đi làm 5 năm anh thăng tiến lên vị trí phó phòng marketing, mức lương cho đến trước khi anh nhận học bổng đi du học cũng không dưới 25 triệu không tính thưởng cuối năm khoảng 2 tháng lương. Năm 2010, anh lên đường đi New Zealand học thạc sỹ marketing thời gian 2 năm.
Năm 2012 về nước, trong khi còn chưa biết sẽ làm gì bởi anh muốn tận dụng tốt nhất những kiến thức đã học thì bỗng nhiên có một công ty nhân sự gọi điện cho anh, hỏi anh có muốn làm trưởng nhóm marketing cho bộ phận marketing sản phẩm của một ngân hàng lớn với mức lương rất cao.
Trước lời đề nghị hấp dẫn, anh đã đến gặp trương bộ phận của ngân hàng mà anh được giới thiệu. Anh được nhận vào làm việc không mấy khó khăn, dù anh còn chút lăn tăn về đãi ngộ. Đó là vào khoảng giữa năm 2012.
... Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Quay trở lại trường hợp của Ly, mỗi lần báo chí đưa tin lương trung bình của ngân hàng cô đến 19 - 20 triệu, lúc đó gặp anh em, họ hàng xuýt xoa việc Ly làm ngân hàng biết bao nhiêu, thì Ly cảm thấy buồn bấy nhiêu. Mức lương đó kết quả của việc chia trung bình giữa lương các lãnh đạo hàng trăm triệu với tất thảy nhân viên quèn. Chứ ngay trong cùng bộ phận cô, số người làm 5-7 năm nhận lương 8-9 triệu như cô khá nhiều.
Cũng đã có nhiều lần Khánh Ly đề cập đến việc tăng lương với sếp, nhưng câu trả lời cô thường nhận lại là: "Công việc của em vẫn vậy, vậy lý do tăng lương của em là gì". 10 năm làm việc, có đến 3 người sếp khác nhau, với mỗi sếp lại phải giải trình về lý do đề xuất tăng lương nhưng cuối cùng vẫn không được chấp nhận.
Khánh Ly vẫn lạc quan vì cô cho rằng mình còn may mắn vì vẫn giữ được việc làm, dù lương quá thấp sau đợt khủng hoảng tài chính mấy năm trước. Cũng nhiều lúc cô muốn thay đổi công việc, nhưng khi đó có hai con, cần phải cân đối công việc với chăm sóc gia đình nên việc chuyển việc không hề dễ dàng.
Cuối cùng, khi đã mệt mỏi với việc đề xuất tăng lương mà mãi không được chấp nhận, trong khi chi phí cuộc sống ngày một cao, Ly đã xin nghỉ việc. Hiện tại cô đang công tác tại một công ty nhân sự nhỏ hơn, với mức lương tốt hơn nhiều so với ngân hàng.
Khi được hỏi, cô trả lời cô không hối tiếc khi đã vào ngân hàng và đến giờ ra đi cũng không tiếc nuối gì, nhưng chắc chắn cô sẽ không bao giờ quay lại ngân hàng làm nữa. 10 năm với cô như vậy là quá đủ.
Ly không khỏi cảm thấy chua chát khi mà 10 năm làm ngân hàng, chẳng ai biết tổng thu nhập của cô còn thấp hơn cả mấy đứa em họ cô ra Hà Nội làm osin theo giờ. Mỗi tháng, người em họ cô làm osin theo giờ, lau nhà nấu ăn thuê cũng kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng, dù chẳng cần học đại học bằng xuất sắc.
Mỗi tháng, một người em họ của Ly làm osin theo giờ, lau nhà nấu ăn thuê cũng kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương ngân hàng 8 triệu/tháng mà cô đã làm đến 10 năm. (Ảnh minh họa)
Còn đối với Tuấn, anh rất ngạc nhiên vì với trình độ và kinh nghiệm như của anh mà ngân hàng đề xuất mức lương chỉ gần 20 triệu đồng, tức là còn thấp hơn rất nhiều so với mức lương trước khi anh đi du học.
Anh cũng đã nói thẳng điều đó với nhà tuyển dụng nhưng được trấn an rằng: Cuối năm ngân hàng thưởng nhiều lắm, khoảng 5-6 tháng lương nên tính ra lương rất cao; và dù anh mới vào ngân hàng nhưng mức lương của anh được tính theo bậc chuyên viên chính bậc 8 đã là rất cao. Dù muốn cũng không thể nâng anh lên hơn được. Anh vui vẻ nhận lời đi làm cũng vì vậy.
Tuy nhiên sau vài năm làm việc, Tuấn nhận ra rằng dù anh hoàn thành tốt công việc, sếp luôn dành những lời có cánh cho anh, nhưng cuối năm mức thưởng của anh chỉ tương đương khoảng 2-3 tháng lương. Trong khi cũng cùng bộ phận của anh, nhiều người thường bị khiển trách do không hoàn thành tốt công việc, nhưng tìm hiểu ra thì biết họ nhận được mức thưởng đến 5 tháng lương.
Năm đầu đã vậy, năm sau Tuấn cố gắng nhiều hơn nữa và mức thưởng cuối năm cũng không khả quan hơn. Dần dà, anh hiểu rằng mức thưởng của ngân hàng không được công bố công khai chỉ tiêu và tiêu chí, mà nó dựa quá nhiều trên cảm xúc yêu, ghét của lãnh đạo. Lãnh đạo cũng không bao giờ muốn giải thích với nhân viên về việc tại sao người đó không nhận được mức thưởng tốt hơn.
Tuấn khá thất vọng vì anh đã từng kỳ vọng vào môi trường làm việc minh bạch, công bằng trong ngân hàng và kết quả sau 3 năm làm việc điều anh nhận lại là sự không rõ ràng. Cuối cùng, Tuấn trở lại chính công ty cũ trước khi anh đi du học, chia tay những ngày tháng sang chảnh và môi trường làm việc khá bất công mà anh phải chịu đựng.
"Mỗi khi các ngân hàng công bố mức lương, nhân viên các ngành khác không khỏi xuýt xoa vì toàn những con số rất long lanh, với cái mác sang chảnh của việc làm ngân hàng. Thực tế thì thường chỉ có cấp trưởng phòng, trưởng bộ phận trở lên mới có thể có cuộc sống sung túc với mức lương thưởng vài trăm triệu. Còn cấp nhân viên, làm việc vất vả nhưng đãi ngộ chả lấy gì làm hấp dẫn", Tuấn kết luận.
Tác giả bài viết: Ngọc Thanh