Tin địa phương

Làm giàu bằng cây màu trên đất ruộng

Hội Nông dân (HND) xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền đã và đang tích cực triển khai việc chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang làm vườn, trồng màu.

Qua vận động, nhiều nông dân xã Mỹ Khánh đã mạnh dạn đưa cây rau màu trồng trên nền đất lúa và đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao mức sống.

 Mô hình Tổ hợp tác

Mô hình Tổ hợp tác "Trồng rau, màu trên nền đất lúa" bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.

Những ngày cuối năm, không khí canh tác tại ruộng dưa hấu của các thành viên Tổ hợp tác "Trồng rau, màu trên nền đất lúa" ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Khánh trở nên rộn ràng hơn. Dẫn chúng tôi tham quan ruộng dưa xanh mướt sắp vào vụ thu hoạch, anh Nguyễn Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ hợp tác, trải lòng: "Nhận thấy việc canh tác lúa có lợi nhuận không cao, năm 2015, tôi chuyển sang trồng dưa hấu đến nay. Nhờ trồng màu, gia đình tôi có thu nhập ổn định". Theo anh Sơn, trồng dưa hấu thu lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa. Trên 4 công đất, mỗi năm, anh Sơn trồng 4 vụ dưa. Bình quân 1 công trồng dưa hấu trúng mùa, thu lợi khoảng 40 triệu đồng/vụ.

Tương tự anh Sơn, anh Ka Minh Tâm, cùng ngụ ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Khánh cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công. 2 năm nay, với 7 công đất thuộc sở hữu, mô hình trồng dưa hấu đã giúp kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá. Theo anh Tâm, trồng dưa hấu không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại đây mà còn mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Với mô hình trồng dưa hấu, mỗi năm, anh Tâm có thể làm được 3 - 4 vụ, sau khi trừ chi phí, lãi từ 30 triệu đồng/vụ. Anh Tâm cho biết: "Vừa qua, được HND xã hướng dẫn tham gia tổ hợp tác trồng rau, màu trên nền đất lúa, tôi cũng được học hỏi nhiều kinh nghiệm hay. Từ đó, áp dụng canh tác trên đất nhà ngày càng hiệu quả".

Theo thống kê, xã Mỹ Khánh hiện có trên 270ha trồng rau màu. Theo anh Lê Hoàng Triệu, Phó Chủ tịch HND xã, để nâng cao chất lượng, giá trị cây rau màu, trong năm 2018, HND đã thành lập Tổ hợp tác "Trồng rau, màu trên nền đất lúa" tại ấp Mỹ Lộc với 15 thành viên tham gia, tổng diện tích 7,5ha. Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, việc chuyển đổi từ cây lúa kém hiệu quả sang cây rau màu còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Hiện nay, các thành viên tham gia tổ hợp tác đa phần đều chọn dưa hấu làm giống cây trồng chủ lực; chỉ một vài hộ canh tác ớt, đậu xanh… Việc chuyển đổi mang lại hiệu quả tích cực. Chỉ tính riêng dưa hấu, bà con nông dân nơi đây thu lợi nhuận trung bình 70 triệu đồng/năm.

HND xã cũng đã hỗ trợ thành viên Tổ hợp tác tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội theo chương trình cải tạo vườn nhằm phát triển du lịch. Theo đó, mỗi tổ viên Tổ hợp tác được vay vốn 30- 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất. HND xã tăng cường phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng rau, màu. Hiện nay, HND xã cùng với các đơn vị có liên quan đã ký kết liên tịch về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch nông nghiệp thông qua mô hình Tổ hợp tác "Trồng rau, màu trên nền đất lúa". Anh Nguyễn Thanh Thiên, Bí thư Đoàn xã Mỹ Khánh, cho biết: "Từ khi tổ hợp tác đi vào hoạt động đến nay cũng đã thu hút hơn 350 khách đến tham quan. Chủ yếu là các hoạt động trải nghiệm thực tế, học tập kinh nghiệm".

Nhằm phát huy tiềm năng vốn có của địa phương và để du lịch nông nghiệp thật sự trở thành "món ăn lạ", anh Lê Hoàng Triệu, Phó Chủ tịch HND xã Mỹ Khánh cho biết: "Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình tổ hợp tác gắn với đẩy mạnh quảng bá du lịch, thu hút du khách đến tham quan thông qua việc tổ chức các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, tạo cho du khách cơ hội giải trí, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông…". Từ đó, không chỉ mang lại hiệu quả lợi nhuận trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà còn góp phần giúp nông dân có mức thu nhập cao hơn so với hoạt động nông nghiệp thuần túy.

Tác giả: Hồng Vân

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP