Tin địa phương

Lại phát hiện hơn 300.000 viên "thần dược" trị tiểu đường không rõ nguồn gốc

Một người dân ở Cần Thơ bán thuốc đông dược trị tiểu đường nhưng không có giấy phép hoạt động, những người tại nơi sản xuất thuốc không có chứng chỉ hành nghề.

Sáng 9-3, thông tin từ Sở Y tế Cần Thơ cho biết vào chiều 8-3, Thanh tra sở phối hợp với Phòng Y tế huyện, Công an huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) và các cơ quan chức năng có liên quan lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và phát hiện số lượng lớn đông dược trị tiểu đường không rõ nguồn gốc tại cơ sở nhà bà Lê Kim H. (52 tuổi, ngụ ấp Thới Tân A, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai).

Tại đây, đoàn đã phát hiện và tịch thu 312.600 viên thuốc đông dược thành phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thuốc đóng thành nhiều gói mang tên "Thuốc gia truyền trị tiểu đường Chánh Đức". Cơ sở này đã hoạt động khoảng 2 năm nay. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã tạm giữ số thuốc trên cùng với 3 máy ép cầm tay, 1 máy ép bọc, màu thực phẩm và một số hóa đơn chuyển hàng đi các nơi như Khánh Hòa, Thanh Hóa, Tiền Giang, TP HCM.

Số thuốc đông dược phát hiện tại cơ sở của bà H.

Bà H. khai nhận, số thuốc trên nhập về rồi phân ra thành những bịch nhỏ, đựng trong keo nhỏ để bán cho những người có nhu cầu. Qua làm việc, cơ sở của bà H. không có bảng hiệu, không có giấy phép hoạt động, những người tại nơi sản xuất thuốc không có chứng chỉ hành nghề.

Trước đó, qua phản ánh của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ rằng một số bệnh nhân bị tiểu đường, mua thuốc đông dược uống trong thời gian dài và sau đó bị suy đa tạng nên vào ngày 2-3, đoàn kiểm tra của quận Ô Môn (TP Cần Thơ) cũng đi kiểm tra cơ sở của bà Lâm Kim X. (72 tuổi, ngụ Ô Môn). Tại đây, lực lượng đã niêm phong 114.000 viên thuốc đông dược mà bà X. cho rằng chuyên trị tiểu đường, đau bao tử…

Số thuốc đông dược không rõ nguồn gốc được phát hiện tại nhà bà Lâm Kim X.

Bà X. không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép hoạt động và toàn bộ số thuốc trên không rõ nguồn gốc. Bác sĩ Lê Công Bình, Phó đoàn kiểm tra hành nghề y dược quận Ô Môn, thông tin: "Chúng tôi đã đưa số thuốc tịch thu của cơ sở bà X. để đi kiểm nghiệm, khi có kết quả mới có hướng xử lý".

Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ có khoảng 1.000 cơ sở kinh doanh các loại thuốc đông dược cổ truyền. Hàng năm, Thanh tra sở đều có kế hoạch kiểm tra, tập huấn cho các cơ sở. Tuy nhiên, số lượng cơ sở kinh doanh quá lớn nên không thể kiểm tra hết từng cơ sở. Như trường hợp tại Ô Môn là không phải cơ sở kinh doanh vì không có giấy phép hoạt động và không đủ điều kiện hoạt động.

Ông Trần Trường Chinh, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ, khuyến cáo hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc trôi nổi, bài thuốc dân gian truyền miệng. Người này uống chỉ cho người kia hoặc nhiều người cho rằng loại thuốc này hiệu quả mua về bán lại tay và vô tình ngộ nhận đây là "thần dược" nhưng không rõ nguồn gốc, uống lâu ngày gây biến chứng thì lúc đó tiền mất tật mang.

Tác giả: Ca Linh

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP