Kinh tế

Lãi lớn, quỹ lương thưởng TPBank tăng hơn 46% năm 2018

Lợi nhuận ngân hàng thu về tăng mạnh, TPBank cũng đã tăng hơn 46% quỹ lương và thưởng cho nhân viên của mình. Bình quân mỗi nhân viên năm qua nhận về hơn 287 triệu đồng.

Là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2018, mới đây Ngân hàng TMCP Tiên Phong -TPBankTPB+0.0% cũng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt.

Bạo chi lương thưởng

Theo đó, năm 2018, TPBank thu về tới 4.378 tỷ thu nhập lãi thuần, tăng 38%. Ngoài hoạt động kinh doanh ngoại hối (vàng và ngoại tệ) tăng hơn gấp đôi thì lãi từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này trong quý cuối cùng năm 2018 đã tăng gần 6 lần, đạt hơn 236 tỷ đồng.

Nhờ những khoản tăng mạnh này mà ngân hàng thu về tới 2.258 tỷ đồng lãi trước thuế năm qua, tăng gần gấp đôi so với năm 2017.

Cùng với khoản lợi nhuận tăng mạnh, năm qua cũng chứng kiến độ bạo chi của ngân hàng này với các khoản lương, thưởng cho nhân viên của mình.

Cụ thể, TPBank đã chi tới 1.509 tỷ đồng chi phí cho nhân viên, tăng gần 60% so với năm trước đó. Trong đó, riêng tiền lương và thưởng đã là 1.402 tỷ đồng, cũng tăng 46%.

TPBank

Ngân hàng lãi lớn giúp các nhân viên TPBank nhận về mức lương, thưởng tăng mạnh năm qua.

Trong khi đó, tổng số cán bộ, nhân viên chỉ tăng gần 13% lên con số 4.880 người. Ước tính, bình quân mỗi nhân viên ngân hàng này năm qua được chi trả tới gần 24 triệu đồng thu nhập mỗi tháng bao gồm tiền lương và tiền thưởng.

So với mức chỉ gần 18,6 triệu đồng/tháng năm 2017, mỗi nhân viên tại đây đã được tăng hơn 5 triệu đồng thu nhập mỗi tháng năm vừa qua.

Nhiều vấn đề cũ chưa giải quyết

Kết quả kinh doanh năm 2018 của ngân hàng này cho thấy những khoản đầu tư rất mạnh vào công nghệ của ngân hàng bắt đầu có hiệu quả. Đây là ngân hàng hiếm hoi hiện nay áp dụng phòng giao dịch LiveBank với rất ít nhân viên trực.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, từng chia sẻ ngân hàng đã phải chi ra hàng chục triệu USD để nghiên cứu, tìm hiểu và nhận tư vấn từ các chuyên gia nước ngoài về mô hình này. Chưa mang về khoản lợi nhuận quá lớn nhưng đây là công cụ thay thế hữu hiệu cho hệ thống phòng giao dịch. Việc vận hành một máy cũng rẻ hơn rất nhiều so với duy trì một phòng giao dịch vật lý thông thường.

TPBank

Tuy nhiên, vấn đề nhiều năm nay của TPBank là những khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu vẫn chưa giải quyết.

Theo đó, các khoản phải thu tại ngân hàng này lại tiếp tục tăng hơn 1.500 tỷ đồng, hiện ở mức hơn 8.000 tỷ đồng trong khi các khoản lãi, phí phải thu cũng đã trên 1.300 tỷ đồng. Đây luôn được xem là nơi các ngân hàng sử dụng để “cất giấu” những khoản nợ xấu, nợ khó đòi của mình để làm đẹp chỉ số tài chính.

Trong những năm trước, hai khoản phải thu này của TPBank cũng luôn ở mức cao hơn so với những ngân hàng cùng quy mô.

Năm qua, nhà băng này cũng đã mua lại các khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC trước đó và dùng trích lập dự phòng để xóa nợ xấu.

Tính đến cuối năm 2018, nợ xấu ghi nhận nội bảng là 861 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ tín dụng năm qua tăng trưởng tốt nên tỷ lệ nợ xấu tại đây vẫn chỉ vào khoảng 1,12%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm khoảng 38%.

Ngoài ra, TPBank còn hơn 756 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC và gần 45 tỷ đồng tại DATC. Liên quan tới các khoản nợ xấu, năm qua nhà băng này cũng đã xử lý xong toàn bộ số dư nợ trái phiếu của Tổng công ty Công Nghiệp Tàu thuỷ (SBIC, trước đây là Vinashin). Ngân hàng trước đó đã bán số nợ trên cho DATC với kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định 8,9%/năm. Phần dư nợ còn lại được ngân hàng trích lập dự phòng và xử lý trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2013.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP