Du lịch

Lạ lùng hòn đá thiêng được cả làng lập đền thờ cầu may ở Hà Tĩnh

Người dân làng Thanh Bình xã Thanh Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) từ xa xưa lập đền thờ hòn đá đặc biệt. Họ tin rằng hòn đá này rất thiêng trong việc cầu may.

Làng Thanh Bình, xã Thanh Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) nằm cách Quốc lộ 1A khoảng 6km và cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh gần 30km. Đây là làng quê thuần nông, có cuộc sống vốn bình yên như tên gọi.

Người dân, du khách nếu có dịp về đây sẽ được nghe kể và tận mắt thấy việc dân làng lập đền, thờ một hòn đá lộ thiên phủ rêu phong. Họ tin rằng hòn đá này rất thiêng trong việc cầu may, đặc biệt nhất là "phù hộ" giúp tìm vật nuôi. Vì thế, họ thường gọi là "thần đá", "ông đá" hoặc "ngài đá". Ngay đầu con ngõ nhỏ dẫn vào nơi đặc biệt nhất làng này được đặt biển có tên Di tích Bản Thổ.

Hòn đá nằm trong khu vườn xanh mát với cây cối rậm rạp, rộng chừng 1.000m2. Phía trong có mái che, nơi đặt lễ vật và biển ghi nội quy.

Hòn đá mà người dân làng Thanh Bình tôn sùng, thờ có hình dáng bầu dục, dài hơn 1,5m. Cạnh bên luôn có bình hoa tươi, nến, lư hương và mâm đĩa để người đến thắp hương, đặt lễ vật. Các cụ cao niên trong làng đều không biết hòn đá này có niên đại từ năm nào, nguồn gốc ra sao. Họ chỉ biết rằng có từ rất xa xưa.

Nhà cạnh bên đền thờ kỳ lạ này, ông Nguyễn Công Tý (63 tuổi) cho hay, lúc còn nhỏ đã thấy các cụ thờ hòn đá. Khi đó, không gian nơi này chỉ có hòn đá và ban thờ để thắp hương.

"Lớn lên, tôi thấy ai mất mát gì thì xin tìm lại được. Đặc biệt là những người mất trâu, bò, lợn, gà... Sau khi người mất của đến đây nhờ "ngài" tìm giúp, một là vật nuôi tự về, hai là có người mách cho hoặc sẽ tự tìm được. Điều này không hiểu sao trùng hợp đến 80-90%, còn lại là tùy duyên nữa. Đặc biệt ngày đầu tháng, Rằm và Tết, họ còn cầu bình an", ông Tý kể.

Theo thời gian, người đến thờ phụng càng nhiều vì tin rằng nơi này linh thiêng, mang lại may mắn. Để thuận lợi cho việc thờ cúng, cách đây hàng chục năm, một đền thờ và biển chỉ dẫn được người dân, chính quyền góp công sức xây dựng nên với tên gọi "Di tích Bản Thổ" - thổ thần của dân bản xứ. Đền thờ này đã trải qua nhiều lần tôn tạo. Mới đây nhất trong năm 2022, công trình được xây dựng lại với kinh phí khoảng 300 triệu đồng, chủ yếu từ nguồn tiền công đức.

Theo lãnh đạo xã Thanh Lộc, Hội người cao tuổi được giao quản lý đền thờ này nên chủ trì trong việc xây dựng, tôn tạo, dưới sự giám sát của UBND xã, Mặt trận Tổ quốc xã. Công trình được xây dựng từ vật liệu chính là gỗ lim, gỗ mít, đá xanh với nhiều họa tiết, hoa văn chạm khắc tinh xảo.

Nhà cạnh bên đền thờ, bà Phan Thị Soa (65 tuổi) ngày ngày tình nguyện đến quét lá, dọn dẹp. Khi bước chân vào nơi được cho là chốn linh thiêng, bà Soa và người đến thắp hương đều thả dép bên ngoài. "Tôi làm việc thiện. Nhiều người nếu thấy rác cũng làm như tôi thôi", bà Soa chia sẻ.

Cũng theo nhiều người dân trong làng, ngôi đền còn có một điều đặc biệt, "huyền bí" khác khi được nhiều cây xanh cao lớn che chở. Dù trải qua thời gian chiến tranh và bão gió, những cây xanh này không bao giờ gãy đổ. Mùa hè, người dân trong làng thường đến đây hóng mát.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Quang Phú, Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc cho biết, ngôi đền có hòn đá được người dân thờ kính tại thôn Thanh Bình chưa rõ niên đại và nguồn gốc. Những cụ 80-90 tuổi tại địa phương cũng không rõ. Ông Phú khẳng định đây là vấn đề văn hóa, tâm linh của người dân có từ xa xưa chứ không có chuyện mê tín dị đoan và cũng không có chuyện lợi dụng việc này để trục lợi.

Đền chưa được huyện, tỉnh xếp hạng di tích nhưng chính quyền địa phương vẫn tạo điều kiện để người dân có điểm sinh hoạt.

"Hội người cao tuổi xã Thanh Lộc được giao quản lý ngôi đền. Tiền công đức, thắp hương hoặc tiền người dân tự nguyện đóng góp xây dựng được các cụ cất giữ, quản lý kỹ càng, minh bạch. Nơi đây cũng chưa bao giờ xảy ra các vấn đề về an ninh trật tự", ông Phú nói.

Tác giả: Dương Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP