Trong nước

Ký ức kinh hoàng của cô gái bị xâm hại tình dục từ năm 8 tuổi

Trải qua quãng tuổi thơ đầy cùng cực, đớn đau, cô gái có tên Sandy cũng đã dám đối mặt với quá khứ và hướng về tương lai.

Câu chuyện về cô gái có nickname Sandy, 29 tuổi lần đầu tiên sau nhiều năm cố chôn chặt bí mật tận đáy lòng đã quyết định nói lên một sự thật trần trụi mà không phải ai cũng dám đối mặt qua cuốn tự truyện “Cát hay là Ngọc”.

Bị xâm hại tình dục từ năm 8 tuổi

Tình cờ gặp nhau trong một sự kiện đón chào người đàn ông không tay không chân Nick Vujicic tới Việt Nam năm 2012, lúc đó Nhà văn Hòa Bình với vai trò là phó ban tổ chức chương trình còn Bích Ngọc (Sandy) quê ở Đồng Tháp tham gia một số công việc trong 8 sự kiện đưa Nick Vujicic nói chuyện tại Việt Nam khi đó, nhà văn Hòa Bình không hề biết gì về đời tư của Sandy.

Bẵng đi một thời gian, chị Hòa Bình và Bích Ngọc không gặp nhau, sau này chị mới biết khoảng thời gian đó Ngọc sang Thái Lan tìm kiếm một cuộc sống mới.


Cỏ - chị Hoà Bình - Sandy trong những lúc thảo luận về cuốn sách (Từ trái qua)

“Cho đến một ngày, tôi nhận được cuộc gọi từ Bích Ngọc, mặc dù Ngọc đường đột đề nghị xin gặp nhưng tôi quyết định gặp cô ấy ngay. Bởi tôi linh cảm cô gái này có một chuyện gì đó rất nghiêm trọng cần trao đổi.

Tôi rất sốc khi Ngọc quyết định dốc lòng, chia sẻ với tôi về hoàn cảnh không may của cô ấy: Bị lạm dụng tình dục từ năm 8 tuổi, lớn lên trong mất mát, nghèo khó trên vỉa hè thành phố. Ngọc, bây giờ đã là Sandy, cần phải phá vỡ cái ung nhọt lòng mình để có thể sống được như một con người bình thường.

Hai mươi năm liền, gần như ít có đêm nào cô ấy ngủ được, và còn rất nhiều hệ luỵ trong tính cách của cô ấy khiến tôi thấy thương cảm. Tôi đã biết câu chuyện đau lòng mà Ngọc gửi trao, nên tôi không bỏ qua mà quyết định đồng hành cùng cô ấy trong những bước đi khó khăn để có thể công bố câu chuyện.

Trước đó, Sandy có nhờ Cỏ ngồi lại viết những dòng đầu tiên cho câu chuyện nhưng bản thảo đó chưa dùng được nên ba chúng tôi đã ngồi lại bàn bạc, trao đổi, viết bổ sung, chỉnh sửa đến cuốn sách hoàn chỉnh như bây giờ”, nhà văn Hòa Bình trải lòng.


Sandy trong một lần trả lời phỏng vấn trên truyền hình.

Nhớ lại về những tháng ngày đen tối của cuộc đời mình, Sandy cho hay: “Bố tôi mất sớm từ khi tôi mới sinh ra. Tôi sống với ông bà ngoại từ nhỏ, rồi sau đó thì tới nhà ông bà nội.

Thật ra, có người thân xung quanh nhưng cũng như không có. Tôi không cảm nhận được bất cứ tình cảm nào của những người thân, họ hàng của mình. Tôi cô đơn, tôi tủi hờn và bị lạm dụng.

Tôi không thể kể ra với ai về điều đó. Mọi người có tin tôi không? Mọi người có chấp nhận điều tôi nói không? Hay người ta sẽ coi tôi là con quái vật? Và nặng nề hơn là ngay cả khi nín thinh về tất cả mọi thứ đã diễn ra, tôi vẫn bị đẩy ra khỏi nhà. Bởi trong mắt của những người thân, những hành xử kỳ cục của tôi mà mọi người không hiểu được nguyên nhân, đã biến tôi thành "con mất dạy".

Cuối cùng thì những bài học lớn nhất mà tôi học được trong cuộc sống, hầu như đều từ "người thầy" vỉa hè xã hội. Ngay cả khi đã cố gắng lăn lộn để sống trên vỉa hè, tôi làm sao có thể thoát được những ám ảnh kinh hoàng từ việc bị lạm dụng hết lần này tới lần khác?” .

Dù lâm vào cảnh đời bi đát, hàng ngày vừa phải lo nghĩ mưu sinh và chống chọi với những thế lực đen tối lạm dụng mình thế nhưng khát khao được đi học chính là điều khiến Sandy tìm thấy được niềm vui, niềm an ủi.


Sandy và những người bạn.

Đã có lúc Sandy ước muốn được vô tư cười đùa như chúng bạn thế nhưng đó chỉ là ước mơ mãi không thực hiện được bởi những vết sẹo in hằn trong trái tim cô.

“Sau này lớn lên, tôi vẫn giữ nguyên khao khát học tập và đã tìm kiếm được một vài học bổng để đi ra nước ngoài học tập ngắn hạn. Bây giờ, tôi vẫn đang tiếp tục kiếm tìm những học bổng khác nữa để được đi học tiếp. Và tôi ao ước giá như có một ngôi nhà nào đó để những người có cùng cảnh ngộ như tôi có thể sẻ chia, động viên nhau.

Tôi đang cố gắng phấn đấu xây dựng ngôi nhà trong mơ đó, chưa biết có được hay không? Lạm dụng thì có nhiều kiểu bị lạm dụng và ảnh hưởng của nó đến người bị lạm dụng là rất ghê gớm. Tôi bất an, nên tôi hiểu những bạn khác cũng rất thiếu sự yên bình. Tôi cay đắng, nên tôi biết các bạn ấy cũng rất thèm khát tình thương. Nếu không có được ngôi nhà theo cách vật chất hoá, tôi hy vọng cũng có thể duy trì được sự kết nối, chia sẻ và động viên những người đồng cảnh ngộ về mặt tinh thần”, Sandy chia sẻ.

“Cuốn sách nói hộ lòng tôi”

Chia sẻ với PV Báo Người Đưa Tin, Nhà văn Hòa Bình cho biết: “Cát hay Ngọc” phát hành cuối tháng 6 nhưng đã tái bản rất nhanh sau ngày ra mắt không lâu.

Còn về phía tác giả và nhân vật chính của câu chuyện, chúng tôi vô cùng cảm động khi bạn đọc khắp mọi miền đất nước đã đón nhận và yêu thương thân phận cùng cực của Sandy, đã cảm thông và nâng đỡ cô ấy để có thể làm lại một cuộc đời có quá nhiều đổ vỡ.


Chị Hoà Bình và Sandy tại Văn Miếu.

Đặc biệt, điều mà chúng tôi mong muốn nhất đã tới: rất nhiều thân phận khác còn trong bóng tối, chưa dám kể ra câu chuyện đau lòng của đời mình đã liên lạc với nhóm tác giả, liên lạc với Sandy để tự sự, sẻ chia, tìm những đồng cảm, yêu thương và lời khuyên đúng cho cuộc đời của mỗi người.

Đó là điều an ủi lớn nhất đối với Sandy khi chấp nhận vượt qua những ranh giới, rào cản về tâm lý để kể lại câu chuyện”.


Trải qua chuỗi ngày đau khổ, Sandy đã dám đối mặt nói lên sự thật về cuộc đời mình.

“Cát hay là Ngọc” đã đề cập đến vấn đề nóng của xã hội hiện nay đó là nạn xâm hại tình dục trẻ em, tệ nạn mại dâm.

Thông qua cuốn tự truyện của mình, Sandy hy vọng: “Những người chưa dám kể ra nỗi đau của mình sẽ thấy được an ủi phần nào khi đọc những tự sự về một chút gì đó giống mình. Và tôi muốn đóng lại cánh cửa quá khứ, để có thể mở ra một tương lai tươi sáng hơn”.

Tác giả bài viết: Mai Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP