Du lịch

Kỳ lạ những hồ nước đổi màu đẹp đến khó tin trên thế giới

Hồ “ma quái” ở Indonesia, hồ ngũ sắc ở Mỹ hay Hồ Xanh ở Hokkaido, Nhật Bản… được mệnh danh là những hồ nước kỳ lạ và “bí ẩn” bậc nhất thế giới, ngoài vẻ đẹp hút hồn du khách, các hồ nước này còn có thể thay đổi màu sắc định kỳ.

Hồ nước “ma quái” đổi màu liên tục ở Indonesia

Trên đỉnh ngọn núi lửa Kelimutu thuộc vườn quốc gia đảo Flores (Indonesia) có ba hồ nước đổi màu độc đáo và được gắn với những truyền thuyết ma quái. Cùng nằm trên đỉnh của một ngọn núi lửa, nhưng nước trong các hồ này lại thay đổi màu sắc một cách định kỳ khác nhau từ đỏ và nâu sang màu ngọc lam và xanh lục.

Ba hồ nước đổi màu bí ẩn này là hiện tượng lạ thu hút nhều khách du lịch.

Cứ sau một khoảng thời gian nhất định màu nước trong ba hồ lại thay đổi. Tháng 12/2008, màu nước trong hai hồ từ màu đen, nước trong hai hồ phía đông lần lượt chuyển sang xanh lục thẫm và xanh dương. Tiếp đó, năm 2009, màu nước của cả ba hồ chuyển sang xanh lục nhạt.

Người dân ở đây tin rằng sự thay đổi màu sắc này mang một ý nghĩa riêng.

Màu sắc đặc biệt cùng với khung cảnh xung quanh luôn được phủ trong màn sương huyền ảo khiến người dân địa phương tin rằng Kelimutu là nơi linh hồn người chết lưu tới. Do đó, ba hồ trên núi Kelimutu lần lượt được gọi bằng những cái tên rất đáng sợ.

Không những có màu sắc đặc biệt, “bộ ba biến hình” này còn có khả năng đổi màu liên tục từ màu đen, xanh lục, đỏ đến xanh dương tùy vào các khoảng thời gian nhất định trong năm.

Đầu tiên là hồ Tiwi Ata Mbupu có nghĩa là hồ của những người già, thứ 2 là Tiwu Nưa Muri Kooh Tai nghĩa là hồ của các trinh nữ và thanh niên và cuối cùng là Tiwu Ata Polo, hồ của những hồn ma độc ác hay hồ mê hoặc. Hồ Ba Màu trên miệng núi lửa này là địa điểm du lịch mà du khách thích thú nhất và cũng là địa điểm du lịch trọng yếu trên đảo Flores. Đây cũng là điểm du lịch từng được giới thiệu trên tờ tiền giấy rupiah, một đơn vị tiền tệ của Indonesia.

Kỳ lạ hồ nước ngũ sắc đổi màu vì... tiền xu

Hồ Morning Glory thuộc vườn quốc gia Yellowstone, Wyoming, Mỹ là điểm du lịch ấn tượng rất hút khách thăm quan. Mang vẻ đẹp kỳ lạ so với các hồ nước nóng khác, Morning Glory hội tụ nhiều màu đa dạng như cầu vồng. Diện tích hồ khoảng 190 m2, sâu chừng 7m. Nhiệt độ lòng hồ có thời điểm đạt ngưỡng 100 độ C với hơi nước tỏa ra nghi ngút khiến cảnh vật xung quanh càng huyền ảo hơn.

Hàng năm, các du khách vẫn ném những đồng xu xuống hồ để cầu may mắn. Chất hóa học từ các đồng xu đã khiến một số loài vi khuẩn phát triển khiến đổi màu nước.

Theo hình ảnh tư liệu từ những năm 1940, nước hồ có màu xanh lam đặc trưng, khác hẳn màu sắc hiện tại. Theo các nhà nghiên cứu, mặt nước hồ bắt đầu thay đổi từ khoảng năm 1950 do sự tác động của con người. Trong nhiều thập kỷ, khách du lịch tới đây đã ném những đồng xu xuống lòng hồ để cầu may.

Các đồng xu được ném xuống hồ đã chặn các lỗ thông hơi, nhiệt độ bên trong giảm xuống. Điều này khiến cho thảm vi khuẩn phát triển tạo nên màu sắc độc đáo.

Cùng rác thải và hóa chất phản ứng từ đồng xu khiến vi khuẩn phát triển, tạo thành vòng màu vàng xung quanh màu lam. Đồng xu khiến các lỗ thông hơi trong lòng hồ bị tắc, giảm nhiệt độ của nước, gây ra chuyển đổi các vi khuẩn màu cam về trung tâm. Đến nay, lòng hồ xuất hiện đủ loại mùa như xanh lá cây, cam, vàng…

Hồ Xanh ở Hokkaido, Nhật Bản

Hồ Xanh chính là cái tên đơn giản và rõ ràng nhất để nói lên màu sắc kì lạ của một hồ nước ngọt nằm yên bình bên tả ngạn dòng sông Bieigawa (phía Đông Nam thị trấn Biei, Hokkaido, Nhật Bản).

Hồ xanh và những đợt tuyết đầu tiên

Hồ Xanh xưa kia là một con đập nhỏ nằm trong hệ thống kiểm soát xói mòn của những dòng lũ bùn từ ngọn núi lửa Tokachi. Ngày nay, con đập tọa lạc ở hạ lưu sông Takachi này bất ngờ trở thành một điểm đến du lịch bình dị, nên thơ và hấp dẫn du khách từ khắp nơi trên thế giới nhờ màu xanh lục đặc trưng.

Nguyên nhân của hiện tượng nước xanh này được cho là trong hồ có chứa một lượng nhôm hydroxit khá lớn. Chính điều đó làm hồ có màu xanh trong, trùng hợp với màu xanh của bầu trời khiến nhiều người tưởng, hồ đang phản chiếu màu sắc của trời xanh.

Khung cảnh hồ Xanh khi tiết trời vào hạ.

Mùa thu đến, những chiếc lá vàng soi bóng dưới mặt nước xanh càng khiến khung cảnh thêm thi vị.

Tuy nhiên, màu sắc của hồ này còn đặc biệt hơn, đó là nó biết biến đổi theo thời tiết. Vào mùa đông, toàn bộ nước hồ cũng như những cành cây bạch dương gầy gò bị đóng băng tạo nên một khung cảnh buồn hiu quạnh.

Khi trời sang xuân, hạ, nước hồ bỗng trong xanh, phản chiếu mọi cảnh vật xung quanh. Mùa thu đến, những chiếc lá vàng soi bóng dưới mặt nước xanh càng khiến khung cảnh thêm thi vị.

Hồ muối Natron ở Kenya

Hồ Natron là một hồ muối lớn tọa lạc ở miền Bắc quốc gia Tanzania, gần biên giới Kenya. Hồ nổi tiếng bởi có vẻ đẹp nhiều màu sắc. Bình thường nước hồ có màu xanh, chuyển sang mùa hồ, nước hồ sẽ có màu đỏ thẫm.

Hồ nép mình dưới những ngọn núi lửa lớn nằm cuộn sóng, hồ Natron cũng là điểm thấp nhất của thung lũng núi lửa và nằm ở độ cao 600m so với mực nước biển.

Natron được dòng sông Ewaso Ng'iro cung cấp một lượng chất khoảng chất lớn. Độ sâu của hồ cũng khá khiêm tốn (chưa đầy 3 mét), độ sâu của hồ có thể thay đổi tùy thuộc vào mực nước. Thường mực nước hồ thay đổi do sự bốc hơi vào những mùa khô nóng. Chính quá trình bốc hơi đã để lại một lượng muối và nhiều khoáng chất.

Khu vực xung quanh hồ trơ trụi không có cây do đó khá oi nóng vào mùa khô, không thích hợp cho việc tham quan du lịch. Tuy nhiên đối với những người thực sự muốn tham quan hồ Natron vào thời điểm đó, thì cái mà họ nhận được đó là một khung cảnh đẹp tuyệt vời.

Hồ Natron còn đặc trưng bởi màu nước đỏ thẫm, hiện tượng này xảy ra là do sự bốc hơi mạnh vào mùa khô nóng. Khi nước bốc hơi, độ mặn trong hồ tăng lên tạo điều kiện cho những sinh vật thích sống trong môi trường mặn phát triển mạnh. Những vi sinh vật ưa mặn thường thuộc chủng khuẩn Cyanophita.

Chủng vi khuẩn này đã biến nước hồ chuyển từ màu xanh sang màu đỏ thẫm, ở những nơi cạn hơn của hồ thường có màu vàng cam. Phía trên của mặt nước là nơi có màu đậm đặc nhất bởi lẽ các loài vi khuẩn này tập trung chủ yếu trên mặt nước.

Tác giả: Hiệp Nguyễn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG