Xã hội

Kinh hoàng dòng kênh thủy lợi gieo rắc ung thư cho cả vùng

Con kênh thủy lợi (còn gọi là kênh N13) bắt nguồn từ công trình thủy lợi Đô Lương (Nghệ An) cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn các huyện của nửa tỉnh Nghệ An đang là nỗi ám ảnh của người dân bởi một sự ô nhiễm môi trường đã đến lúc cần báo động đỏ.

Người dân kêu cứu

Nhận được thông tin phản ánh của người dân về hiện tượng ô nhiễm nghiêm trọng tại kênh N13, đoạn chảy qua địa bàn các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hoa của huyện Quỳnh Lưu, chúng tôi đã có mặt “mục sở thị” tại dòng kênh thủy lợi này ngay sáng 19-3, thì vô cùng kinh khủng được chứng kiến sự ô nhiễm với hàng trăm xác động vật lập lờ giòi bọ trôi nổi được hòa lẫn với dòng nước người dân nơi đây đang dùng tưới tiêu và sinh hoạt.

o nhiem 2
Hai bên bờ sông là hàng chục bao tải lợn, gà chết tấp vào

Bà Nguyễn Thị Tứ, một người dân sinh sống tại xóm 7 Quỳnh Mỹ, nhà cách con kênh hơn 100m, bức xúc nói: “Trước đây cả trăm hộ dân xóm chúng tôi và hàng trăm hộ dân xã Quỳnh Hoa kế bên đều dẫn nước này vào ao lọc và dùng tắm giặt, nấu ăn. Thế nhưng vài năm lại đây, xóm chúng tôi lần lượt có hàng chục người ra đi mỗi năm bởi căn bệnh ung thư, mà phần nhiều còn trẻ tuổi".

Xem clip:


"Hàng ngày phải chứng kiến thêm cảnh xác súc vật trôi nổi ngay dòng sông mình lấy nước sinh hoạt nên người dân đã cầm cố, vay mượn để xây cái bể cạn hứng nước mưa để sinh hoạt. Thế nhưng đó chỉ là những gia đình có điều kiện, còn một số không nhỏ vẫn phải dùng nguồn nước đó vì nước giếng khoan không có mạch nên nguy cơ mắc bệnh ung thư là rất khó tránh khỏi”, bà Tứ nói.

o nhiem 4
Một con lợn chết nhung nhúc giòi bọ

Đi dọc bờ kênh chưa đầy 1km mà chúng tôi chứng kiến hàng trăm bao tải xác chết lập lờ giữa kênh. Nhiều chỗ hàng chục con lợn, con chó đựng trong bao tải đã nhung nhúc giòi bọ mà khi đặt máy quay, ngoài khẩu trang, chúng tôi còn phải bịt mũi mà vẫn bị nôn ọe bởi sự tanh tưởi, hôi thối đã vươn xa hàng km.

Một người dân tại đây cho biết: “Xác động vật này phần nhiều trôi từ các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành và một số xã đầu nguồn của huyện Quỳnh Lưu. Người dân sống hai bên bờ kênh đã tự ý vứt xuống sông, nếu không muốn nói là dùng con sông làm túi đựng rác nên gieo rắc bệnh tật suốt cả chiều dài của tỉnh Nghệ An”.

o nhiem 3
Lợn, gà, chó, mèo chết đều được bỏ vào bao hoặc ném trực tiếp xuống dòng sông

Đó cũng là lý do lý giải vì sao khi phát sinh dịch bệnh của gà, lợn thì địa bàn huyện Quỳnh Lưu có tốc độ lây lan nhanh nhất. Đau lòng hơn là xã Quỳnh Mỹ và xã Quỳnh Hoa là hai địa phương ở cuối dòng kênh phải hứng chịu ô nhiễm mà không biết kêu đến cấp nào?

Chính quyền địa phương sở tại đau đầu

Trao đổi với ông Đậu Đức Cường, Trưởng thôn 7 xã Quỳnh Mỹ thì ông Cường cũng cho biết: "Việc ô nhiễm môi trường từ nguồn nước dẫn đến nhiều người trong xóm ra đi vì căn bệnh ung thư là có thật".

"Dòng kênh bị ô nhiễm lâu nay nhưng từ trước tới nay chưa có cấp nào kiểm tra và chưa ai chịu trách nhiệm về việc dòng kênh bị 'đầu độc', cũng như chưa có trường hợp nào bị xử phạt gây ô nhiễm do vứt xác động vật xuống kênh nên vô tình người dân cuối nguồn phải chịu hậu quả mà dễ biến thành 'cha chung không ái khóc'", ông Cường nói.

o nhiem 1
Có thứ đang phân hủy, nhiều thứ bốc mùi kinh khủng

Tiếp xúc với nhiều gia đình hiện có người thân đang mang căn bệnh ung thư tại xóm này mà đang chờ “tuyên án” thì họ đều khóc lóc bởi “lực bất tòng tâm”. Mua đất để chuyển đi nơi khác thì không có tiền, khoan giếng thì hàng chục triệu đồng vẫn không tìm được nước mà vin vào chính quyền thì không ai chịu trách nhiêm.

"Thôi thì sống chung với mầm bệnh vậy. Mà thực ra hàng chục năm qua, chúng tôi đã “ngửi” quen rồi", một người dân bức xúc nói.

Không chỉ tác động trực tiếp từ việc dùng nước sinh hoạt nấu ăn, tắm giặt mà hàng trăm hộ dân, người nông dân nơi đây có nguy cơ mắc bệnh cao bởi ai cũng phải vào ruộng lấy nước, bỏ phân cấy hái và chăm sóc lúa nên nhiều người phụ nữ có thâm niên đau đầu hàng chục năm mà không biết nguyên nhân.

Đã đến lúc ngành chức năng tỉnh Nghệ An cần áp dụng luật môi trường và có cán bộ chuyên trách xử lý hiện tượng người dân tự ý vứt xác động vật xuống dòng kênh, đồng thời phải xử phạt nghiêm khắc hiện tượng này.

Bên cạnh đó, ngành thủy lợi cũng cần kiểm tra định kỳ và phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp xây dựng mô hình quản lý và sử dụng nguồn nước để phát hiện đối tượng vi phạm xử phạt theo pháp luật. Nếu không, dăm ba năm nữa, nguy cơ bùng phát nhiều bệnh tật như ung thư và bệnh dịch gia cầm, súc vật lây lan trong cộng đồng dân cư và người dân các xã ở cuối nguồn nước của con sông N13 này là khó tránh khỏi.

Tác giả bài viết: Xuân Bảy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP