Trong nước

Kiên Giang: Hơn 1.500 cựu tù xúc động trong lễ “45 năm chiến thắng trở về”

Ngày 6/4, tại Di tích Quốc gia đặc biệt “Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc”, (thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc) tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức gặp mặt chiến sĩ cách mạng tù đày Kỷ niệm 45 năm “Ngày chiến thắng trở về” (1973-2018).

Hơn 1.500 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày qua 2 thời kỳ chiến tranh đang sinh sống, an dưỡng tại nhiều địa phương khắp cả nước đã tề tựu về đây. Đến dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với tư cách là cựu tù “Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc”.

Các đại biểu đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Phú Quốc, thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ trước khi trở lại Di tích để tiến hành làm lễ.

Ông Mai Văn Huỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - chúc sức khỏe tất cả các đại biểu là cựu tù chính trị, tù binh ở các địa phương đã từng địch bắt giam cầm, tra tấn dã man trong “Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/ Phú Quốc” trong 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng hơn 1.500 chiến sĩ cách mạng đến thắp nhang cho các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Phú Quốc

Trong không khí trang nghiêm, đầy cảm xúc, ông Mai Văn Huỳnh xúc động ôn lại truyền thống “không cúi đầu khuất phục trước kẻ thù, biến nhà tù thành trường học cách mạng” ... Trong những năm thắng chiến tranh ác liệt, kẻ thù đã xây dựng trên đảo Phú Quốc một trại giam tù binh lớn nhất miền Nam. Nơi đây có lúc giam cầm, tra tấn dã man nhục hình như thời Trung cổ với trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước.

Nhưng đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù đã không lay chuyển được ý chí cách mạng của những người tù yêu nước. Kẻ thù đã thủ tiêu hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng khi thực hiện trao trả tù binh theo Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1/1973). Trong đó, có nhiều người vẫn chưa được tìm thấy hài cốt, chưa xác định được mộ phần...

Sau nghi lễ ngắn gọn và ý nghĩa, các cựu tù đã kính cẩn dâng hương cho đồng đội đã ngã xuống, gặp gỡ, giao lưu trao đổi và thăm lại Nhà tù Phú Quốc - nơi một thời được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”.

Tác giả: Nguyễn Hành

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP