Kinh tế

"Kiểm toán không làm liên luỵ cơ quan thuế": Tổng cục Thuế phản hồi như thế nào?

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) bất ngờ tổ chức buổi họp báo làm rõ những tranh luận trước đó liên quan tới trách nhiệm xử lý “hậu” kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế trao đổi với báo chí.


Như Dân trí đưa tin, tại phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội chiều ngày 15/11 về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã có những tranh luận liên quan tới trách nhiệm xử lý “hậu” kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp.

Người đứng đầu ngành tài chính cho biết, trong nhiều trường hợp, sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế ra quyết định truy thu nhưng doanh nghiệp thấy chưa thỏa đáng, kiện ra tòa. Bộ trưởng Dũng cho rằng, trường hợp này "ai kết luận, người đó phải chịu trách nhiệm giải trình trước tòa”.

Tranh luận sau phát biểu của ông Dũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước bày tỏ không đồng tình và khẳng định “chưa có trường hợp này từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế”. Thậm chí, ông Phớc khẳng định việc cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu là hết sức lớn. Ví dụ chúng đối chiếu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi thất thu thuế 94% so với số đối chiếu.

Cuộc tranh luận chưa dừng lại ở đó, cuối buổi sáng nay (16/11), Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) bất ngờ tổ chức buổi họp báo làm rõ những nội dung trên.

Trao đổi tại buổi họp báo này, ông Thành Xuân Lý - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Thuế cho hay, khiếu nại khiếu kiện là vấn đề bình thường. Theo ông Lý, từ năm 2013-2017 đã có 250 vụ kiện hành chính về thuế, trong đó số vụ kiện phát sinh từ kiến nghị kết luận của Thanh tra Chính phủ là 1 vụ và từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước là 11 vụ.

“Thuế phải là người chịu trách nhiệm cuối. Về kết quả các vụ kiện, hiện đã có 6 vụ kiện tại Đắk Lắk tòa tuyên doanh nghiệp thằng vì tòa kết luận cơ quan thuế ra quyết định trên cơ sở kiến nghị kiểm toán, không đánh giá kiểm tra thì không có cơ sở pháp lý để thực hiện”, ông Lý thông tin.

Cũng trong số 11 vụ kiện này, vụ xảy ra tại Chi cục Thuế quận 3, TPHCM, theo ông Lý, sau khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc thì đã kiến nghị doanh nghiệp phải nộp bổ sung số thuế 60 tỷ đồng. Vụ việc này sau đó được đưa ra tòa nhưng xử lý từ năm 2013 cho đến nay vẫn chưa xong.

Ông Lý cũng nhấn mạnh thêm rằng: "Về cơ bản trong quá trình kiểm toán hoạt động, Kiểm toán Nhà nước đã có đóng góp hữu ích, giúp thu thuế hiệu quả nhưng vẫn có sự áp dụng chưa đồng nhất quy định pháp luật, quan điểm xử lý có thể khác nhau dẫn đến sự phối hợp chưa đồng nhất".

"Có sự tồn tại như thế nên dự thảo muốn sửa đổi. Chúng ta là người ra quyết định phải có cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo quản lý được người nộp thuế, đảm bảo sự thi hành pháp luật của thuế chính xác, tránh khiếu kiện kéo dài. Bởi ngoài việc thất thu, phát sinh trách nhiệm bồi thường thì chúng tôi cũng muốn rõ ràng”, ông Lý nhấn mạnh.

Trao đổi thêm, ông Phạm Ngọc Lai, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế phản hồi về con số "94% thất thu thuế”.

Khẳng định do không nắm được chi tiết cách tính tỷ lệ của Kiểm toán Nhà nước nên không dám bình luận, nhưng ông Lai cũng thừa nhận, ngay cả khi cơ quan thuế tiến hành thanh tra cũng phát hiện một tỷ lệ sai phạm lớn lên tới 95-97%.

“Tuy nhiên, tỷ lệ sai cũng tùy đơn vị. Có đơn vị kê sai 500 nghìn đồng, 1 triệu đồng cũng là sai, thậm chí có đơn vị sai phạm lớn, phát hiện gần 2.000 tỷ đồng. Nhưng với hành vi sai phạm nhỏ, nếu tính vào tỷ lệ tương đối thì cũng khó. Trong khi đó, chính sách của ta chưa đồng bộ với hành vi cụ thể ngoài thực tiễn nên thực tế cũng liên tục phải sửa đổi”, ông Lai cho biết.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP