Giáo dục

Kiểm soát quyền lực để chống lạm dụng tình dục học đường

Bên cạnh việc giáo dục giới tính, cũng cần phải nhìn lại tư duy, cách thức “giáo dục một chiều” mà ở đó người thày như một chỉ huy còn các em...

Không giận dữ sao được, khi mà trường học vốn được coi là một môi trường an toàn. (Ảnh minh hoạ)

Chưa hết giận dữ trước vụ việc thày giáo chủ nhiệm sàm sỡ các em học sinh lớp 5 một trường ở Bắc Giang, dư luận lại bức xúc với những tin nhắn gạ tình thô bỉ của một thày giáo 40 tuổi với một nữ sinh lớp 10 ở Thái Bình!

Không giận dữ sao được, khi mà trường học vốn được coi là một môi trường an toàn. Ở đó, người thày không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức, nhân cách, ứng xử…

Giận dữ với những người thày này bao nhiêu, chúng ta càng lo lắng cho con em mình bấy nhiêu.

Bởi, đây không phải lần đầu những vụ việc đau lòng như thế này xảy ra trong môi trường giáo dục. Mới đây thôi, cả nước đã bàng hoàng trước vụ thày giáo hiệu trưởng một trường bán trú tại Phú Thọ lạm dụng tình dục nhiều nam học sinh của trường trong một thời gian dài.

Trước vụ việc này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu phải xử lý thày hiệu trưởng, đồng thời coi đây là “bài học xương máu trong giáo dục giới tính của học sinh”. Ông Nhạ nhiều lần nhấn mạnh biện pháp trang bị kiến thức giáo dục giới tính cho học sinh để các em biết cách tự vệ, có kỹ năng phòng chống xâm hại, đối phó như là một biện pháp phòng, chống từ gốc.

Việc xử lý nghiêm người vi phạm là cần thiết. Song, nhìn lại những vụ việc lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em nói chung, có thể thấy rằng, một tỷ lệ không nhỏ xảy ra ở những môi trường “tưởng như an toàn” nhà hàng xóm, nhà trường, thậm chí cả gia đình. Thủ phạm giữ một vai trò, vị trí khá tin cậy, như người thày, ông hàng xóm, họ hàng, bố dượng, cá biệt có cả bố đẻ…

Một trong những nguyên nhân, đó là bởi ở những nơi này, như trường học chẳng hạn, quyền lực không được kiểm soát. Những người thày có thể gây sức ép về hình phạt học tập, sự xấu hổ… để có thể thực hiện hành vi phạm tội và đe dọa nạn nhân không tố cáo. Việc các nam học sinh trường dân tộc nội trú phải phục vụ thày hiệu trưởng bệnh hoạn trong một thời gian dài mà không dám lên tiếng là một dẫn chứng điển hình.

Vậy nên, bên cạnh việc giáo dục giới tính, cũng cần phải nhìn lại tư duy, cách thức “giáo dục một chiều” mà ở đó người thày như là một chỉ huy còn các em học sinh là những người bắt buộc phải tuân thủ và thực thi mệnh lệnh.

Nếp nghĩ ấy phần nào cũng đã lấy đi bản năng tự vệ thân thể khi bị đe dọa của các em nhỏ, thậm chí triệt tiêu cả sự phản kháng trước những điều sai trái. Từ tâm lý ấy, không chỉ lạm dụng tình dục, mà bạo lực học đường cũng có môi trường để nảy nở, điển hình là hàng loạt những vụ việc khiến dư luận dậy sóng vừa qua, như “cô giáo bắt học trò uống nước giẻ lau bảng” ở Hải Phòng; “cô giáo bắt học sinh tát bạn 230 cái” ở Quảng Bình hay gần đây nhất là “thày giáo đánh nữ sinh vẹo cột sống” ở An Giang...

Do đó, việc cần làm là tiêu diệt vấn đề, không phải tiêu diệt người mang vấn đề. Dù cho chúng ta có xử hình phạt cao nhất với những thày giáo dâm ô, xâm hại tình dục học trò, sẽ lại những ông thày như vậy trong tương lai nếu môi trường, cách thức quản lý nhà trường không thay đổi.

Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT nên tăng cường hệ thống kiểm soát quyền lực thay vì hô hào về đạo đức người thày hay “thần thánh hóa” người thày theo lối mòn cũ. Cần đổi mới, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, học hỏi những nền giáo dục phát triển trên thế giới một cách nhanh chóng và nghiêm túc. Giáo dục con người thế hệ mới phải dựa trên sự tương tác hai chiều, sự học hỏi lẫn nhau. Tuyệt nhiên giáo dục không thể luôn gắn với sự ngoan ngoãn, nghe lời tới mức sợ sệt và tuân thủ.

Tác giả: XuânThu

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP