Thế giới

Kịch tính bầu cử Thái Lan: Phần thắng trong tay ai?

Thái Lan liên tục tuyên bố trì hoãn công bố kết quả bầu cử Quốc hội 2019 trong bối cảnh cuộc đua giữa các đảng phái chính trị chủ lực diễn ra kịch tính.

Tối qua (25-3), sau ít nhất hai lần tuyên bố hoãn kết quả bầu cử, Thái Lan vẫn chưa chọn ra được 350 thành viên hạ viện của Quốc hội nước này. Kịch tính ngày càng dâng cao khi hai đảng đứng đầu trong cuộc đua chính trị sôi động tại đất nước chùa tháp bày tỏ niềm tin sẽ giành được chiến thắng để lập ra chính phủ mới.

Kẻ tám lạng, người nửa cân

Sau khi kiểm tra 94% phiếu bầu hôm 25-3, đảng Pheu Thai, đảng đối lập lớn nhất bị lật đổ khỏi chính phủ trong cuộc đảo chính năm 2014 (thân gia đình anh em cựu thủ tướng Thaksin và Yingluck Shinawatra), đang dẫn đầu với 135 ghế (trong tổng số 350 ghế ở Hạ viện cần bầu); theo sau là đảng thân chính quyền quân sự Palang Pracharat với đại diện là Thủ tướng Prayut Chan-o-cha với 98 ghế; và thứ ba là đảng Bhumjaithai với 39 ghế.

Tuy nhiên, tổng số ghế Hạ viện lên đến 500 ghế. Vì vậy, phải chờ kết quả bầu chọn 150 ghế còn lại của Hạ viện vốn được lựa chọn theo danh sách đảng mới biết kết quả cuối cùng. Kết quả này sẽ có sau khi Thái Lan kiểm tất cả phiếu bầu phổ thông. Điều đáng nói là cho đến hiện nay, báo Bangkok Post (Thái Lan) cho thấy đảng Pheu Thai chỉ đứng thứ hai về phiếu bầu phổ thông (với hơn 7,4 triệu phiếu), trong khi dù chiếm ít ghế Hạ viện hơn nhưng đảng thân chính quyền quân sự Palang Pracharat đang dẫn đầu phiếu phổ thông (với hơn 7,9 triệu phiếu). Như vậy, ai sẽ kiểm soát Hạ viện Thái Lan vẫn còn là câu hỏi lớn.

Bởi lẽ nhiều khả năng không có đảng nào đủ số phiếu tối thiểu (251/500 phiếu) để giành chiến thắng chung cuộc ở Hạ viện. Vậy nên từ chiều qua, hai “kình địch” hàng đầu là Palang Pracharat và Pheu Thai đã đánh tiếng tìm kiếm “đồng minh” - các đảng phái nhỏ hơn cùng phối hợp để có thể chiến thắng. Theo giới quan sát dự báo, rất có thể Pheu Thai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn 350 ghế Hạ viện; nhưng để chiến thắng chung cuộc đòi hỏi một đảng phái liên minh thì Palang Pracharat cũng không phải thiếu cửa.

Cho đến nay, chỉ có đảng Tương lai phía trước, một đảng chính trị mới nổi, được nhiều cử tri trẻ ủng hộ (với 29 ghế ở Hạ viện và hơn 5,8 triệu phiếu phổ thông), đánh tiếng ủng hộ lý tưởng của đảng Pheu Thai. Nếu các đảng phái khác ủng hộ chính quyền ông Palang Pracharat thì cơ hội thắng cuộc của Pheu Thai cũng sẽ mong manh.

Đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ảnh: GETTY Ảnh nhỏ: Bà Sudarat Keyuraphan, Chủ tịch Ủy ban

Ai có khả năng trở thành thủ tướng?

Câu hỏi quan trọng nhất không chỉ là đảng nào sẽ giành chiến thắng ở Hạ viện mà còn là ai sẽ trở thành thủ tướng Thái Lan trong tương lai. Theo luật bầu cử ở Thái Lan sau lần sửa đổi Hiến pháp năm 2017, lưỡng viện của Quốc hội Thái Lan (gồm 500 thành viên Hạ viện và 250 thành viên Thượng viện) sẽ bầu ra thủ tướng. Như vậy, người muốn thành tân thủ tướng của đất nước chùa tháp phải đạt tối thiểu 376/750 phiếu bầu từ Quốc hội.

Có 10.792 ứng cử viên theo danh sách cá nhân và 2.810 ứng viên theo danh sách 77 chính đảng đủ tư cách tham gia tranh cử vào Hạ viện; 68 ứng cử viên của 44 chính đảng đua tranh chức thủ tướng.

Suy xét ở logic này thì lợi thế lớn đang nằm trong tay đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Lý do là vì Hội đồng quốc gia và hòa bình và trật tự Thái Lan (NCPO), do Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha làm chủ tịch, sẽ có quyền chỉ định 244 ghế ở Thượng viện. Sáu ghế còn lại ở Thượng viện cũng được chỉ định bởi các quan chức quân sự của chính quyền Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Vì vậy, ông Prayut Chan-o-cha chỉ cần 126 ghế ở Hạ viện để đương nhiên nắm quyền lãnh đạo Thái Lan ở nhiệm kỳ tiếp theo. Giới quan sát nhận định để đảng đối lập lội ngược dòng thay thế chính phủ đương nhiệm Prayut Chan-o-cha là một điều rất khó khăn nếu không muốn nói là hy vọng mong manh.

Hơn 70 đảng phái chạy đua

Thái Lan được lãnh đạo bởi chính quyền quân sự sau khi quân đội lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, trong cuộc đảo chính. Ngày 24-3, gần 50 triệu cử tri Thái Lan tới 90.000 điểm bỏ phiếu để bầu Hạ viện gồm 500 thành viên. Mỗi lá phiếu cử tri có hai lựa chọn theo phương thức “hệ thống bầu cử hỗn hợp”, gồm bầu hạ nghị sĩ theo danh sách cá nhân và hạ nghị sĩ theo danh sách đảng. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính xảy ra năm 2014.

Các đảng đang chạy đua vào 500 ghế ở Hạ viện Quốc hội Thái Lan. Trong đó có 350 ghế do bầu cử trực tiếp, còn 150 ghế sẽ phân bổ theo danh sách đảng. Một cuộc thăm dò được thực hiện trước đó với 80.000 cử tri dự đoán đảng Pheu Thai sẽ giành 173/500 ghế tại Hạ viện Thái Lan và theo sau là đảng Palang Pracharat thân chính quyền quân sự với 96 ghế.

Tác giả: HOÀNG PHÚ - ĐẠI THẮNG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP