Thế giới

Kịch bản có thể khiến Trump vuột mất chức tổng thống

Ông Trump có thể không trở thành tổng thống Mỹ nếu bị các đại cử tri đảng Cộng hòa quay lưng trong cuộc bỏ phiếu trực tiếp sắp tới.

Đại cử tri bỏ phiếu ở New York năm 2012. Ảnh: AP


Hai đại cử tri Bret Chiafolo, bang Washington, và Michael Baca, bang Colorado, hôm 14/11 tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho Donald Trump và hy vọng có ít nhất 37 đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa cùng làm như vậy. Đây chính là kịch bản mà nhiều người phản đối ông Trump trông đợi, để khiến ông vuột mất chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng vào giây phút cuối cùng bởi lá phiếu của các đại cử tri.

Cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 chưa chính thức đưa tỷ phú Donald Trump vào ghế tổng thống Mỹ mà chỉ xác định 538 đại cử tri ở các bang trên cả nước sẽ trực tiếp làm như vậy.

Trước ngày bầu cử, cả hai đảng ở mỗi bang sẽ chọn một nhóm đại cử tri tiềm năng của đảng mình. Khi Donald Trump hoặc Hillary Clinton giành chiến thắng ở bang nào, thực chất là họ giành được các đại cử tri ở bang đó. Ví dụ, ông Trump chiến thắng ở bang Alaska có nghĩa là ba đại cử tri được đảng Cộng hòa sắp xếp - gồm cựu thống đốc Sean Parnell, Jacqueline Tupou, và Carolyn Leman - chính thức trở thành ba đại cử tri đại diện cho Alaska.

Ngày 19/12, các đại cử tri sẽ trực tiếp đi bầu tổng thống tại bang của họ. Mỗi bang có một hình thức bầu khác nhau. Tại New Jersey, các đại cử tri bỏ phiếu bằng cách đánh dấu vào tên của ứng viên trên lá phiếu đã được in sẵn, còn ở Bắc Carolina, đại cử tri viết tên của ứng viên vào một tờ giấy. Những người kiểm phiếu sau đó sẽ công bố kết quả.

Khi bầu xong, các đại cử tri ký vào 6 bản chứng nhận, trong đó, một bản kết quả và chứng nhận được gửi đến cho Chủ tịch Thượng viện, tức Phó tổng thống Joe Biden.

Ngày 6/1/2017, Quốc hội Mỹ sẽ họp để kiểm phiếu đại cử tri dưới sự chủ trì của Phó tổng thống Biden. Ông Biden sẽ thông báo kết quả bầu tổng thống của các đại cử tri, sau đó hỏi liệu có sự phản đối từ bất kỳ thành viên Quốc hội nào không. Mỗi phản đối phải được trình bằng văn bản và có chữ ký của một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ.

Nếu có ý kiến phản đối thì hạ viện và thượng viện sẽ họp riêng, với giới hạn hai giờ cho mỗi cuộc họp. Mỗi thành viên chỉ có thể nói tối đa 5 phút. Quốc hội sau đó tiếp tục họp và kết quả của hai cuộc họp riêng được công bố. Cả thượng viện và hạ viện phải nhất trí thì việc phản đối một hay nhiều phiếu đại cử tri mới được chấp nhận.

Nếu không có ứng viên tổng thống nào giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri thì Tu chính án 12 trong Hiến pháp sẽ được kích hoạt, để Hạ viện lựa chọn tổng thống thứ 45 trong số 3 ứng viên đạt nhiều phiếu đại cử tri nhất.

Vì sao Mỹ chọn đại cử tri để trực tiếp bầu tổng thống?


Đại cử tri 'bất tuân'

Nhiều người phản đối ông Trump đã kêu gọi các đại cử tri trở thành đại cử tri "bất tuân", tức là từ bỏ cam kết bỏ phiếu cho ông Trump. Tuy nhiên, một số bang đề ra luật buộc đại cử tri phải bỏ phiếu cho đúng ứng viên họ đã cam kết, những người vi phạm cam kết có thể bị phạt khoảng 1.000 USD, theo Inverse. Có 15 bang không ràng buộc cử tri gồm Georgia, Arizona, Arkansas, Indiana, Iowa, Kansas, Kentucky, Louisiana, Missouri, Bắc Dakota, Pennsylvania, Tennessee, Texas, Utah và Virginia.

Theo CNN, 9 trong số 17 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây có đại cử tri bất tuân, với tổng số là 179 người không bỏ phiếu cho ứng viên đã cam kết, tuy nhiên điều này đã không xảy ra kể từ năm 2004 tới nay.

Chỉ có một lần trong lịch sử đại cử tri bất tuân có thể tác động đến kết quả bỏ phiếu. Năm 1836, tất cả 23 đại cử tri ở Virginia ban đầu cam kết bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống Martin Van Buren và phó tướng Richard Mentor Johnson, nhưng sau đó đã chối bỏ ông Johnson. Cuối cùng, thượng viện Mỹ vẫn lựa chọn Johnson.

Theo Vox, trong cuộc bầu cử năm nay, ông Trump trên lý thuyết đã giành được 306 phiếu đại cử tri so với 232 phiếu của bà Clinton. Nếu có 37 đại cử tri của đảng Cộng hòa đồng loạt không bỏ phiếu cho Trump, ông sẽ không hội đủ 270 phiếu tối thiểu để trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Cánh cửa hẹp cho bà Clinton

Tuy nhiên, việc những người ủng hộ bà Clinton hy vọng bà có thể giành lấy chiến thắng từ tay ông Trump nhờ kịch bản "đại cử tri bất tuân" được đánh giá là rất khó xảy ra.

Trong trường hợp các đại cử tri "phản bội" Trump, họ phải bỏ phiếu bầu cho bà Clinton thì bà mới có cơ hội trở thành tổng thống. Nếu họ không bầu cho bà, cả bà Clinton lẫn ông Trump đều không giành được 270 phiếu đại cử tri, và hạ viện Mỹ sẽ quyết định ai là tổng thống. Vì hạ viện Mỹ đang do đảng Cộng hòa kiểm soát, rõ ràng ông Trump vẫn sẽ là người chiến thắng.

Những người được chọn làm đại cử tri thường là đảng viên tích cực và trung thành của đảng. Trước khi chọn họ, đảng Cộng hòa đã rà soát và xem xét lý lịch để đảm bảo rằng họ sẽ thực sự trung thành với ứng viên tổng thống của đảng mình. Một số đại cử tri đảng Cộng hòa có thể không ủng hộ ông Trump nhưng họ khó lòng phản bội đảng của mình để bầu cho phe Dân chủ.

Hơn nữa, bất kỳ việc bất tuân quy mô lớn nào của đại cử tri cũng sẽ bị người ủng hộ ông Trump ở các bang đó phản đối, dẫn đến việc mâu thuẫn trong phiếu đại cử tri. Theo điều luật ban hành vào năm 1887, trong trường hợp này, quyền quyết định sẽ nằm trong tay Quốc hội và rõ ràng lưỡng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ không trao chiến thắng cho bà Clinton.

Thực tế, bà Clinton đã thừa nhận thua cuộc và công nhận ông Trump là người chiến thắng. Không có dấu hiệu cho thấy bà sẽ ủng hộ hoặc tham gia vào nỗ lực này.

Kể cả khi trường hợp này có thể xảy ra thì việc đại cử tri tước đoạt chiến thắng của Trump chắc chắn sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp, vì không thể nào đảng Cộng hòa - những người kiểm soát Quốc hội Mỹ - sẽ chấp nhận để bà Clinton "giành" lấy chức tổng thống theo cách này. Khi trường hợp tương tự xảy ra ở những nơi khác trên thế giới, nó thường tạo ra một cuộc khủng hoảng quân sự, gây bất ổn đất nước.

Hillary Clinton kêu gọi cử tri chấp nhận kết quả bầu cử trong bài phát biểu hôm 9/11. Ảnh: Reuters


Có một kịch bản khác có thể xảy ra là đại cử tri đảng Cộng hòa không phản bội đảng mà chỉ chối bỏ ông Trump. Họ sẽ chọn một người đảng Cộng hòa khác chẳng hạn như phó tướng Mike Pence, thượng nghị sĩ Ted Cruz hay Mitt Romney, nhưng nếu như vậy thì sẽ phải cần rất nhiều đại cử tri bất tuân mới có thể tạo ra sự khác biệt, theo Independent.

Việc này chỉ nhiều khả năng biến thành sự thật khi có diễn biến lớn nào đó xảy ra. Đó có thể là trường hợp ông Trump gặp điều bất trắc, ông tiếp tục gặp nhiều bê bối hay có vấn đề nghiêm trọng trong giai đoạn ông làm tổng thống đắc cử.

Trong trường hợp đó, có thể sẽ không có người giành được 270 phiếu đại cử tri và quyền quyết định nằm trong tay hạ viện. Hạ viện chỉ có thể chọn trong số người có nhiều phiếu đại cử tri nhất, tức là Trump hoặc Clinton, nhưng nếu họ không muốn làm vậy, họ có thể không quyết định và chuyển việc ấn định cho thượng viện. Thượng viện lúc này có thể chọn người khác ngoài Trump và Clinton, chẳng hạn như phó tổng thống đắc cử Mike Pence.

Kể cả trong trường hợp này, những người ủng hộ ông Trump cũng khó có thể ngồi yên và nhiều khả năng diễn ra các cuộc biểu tình và bất ổn dân sự để phản đối kết quả.

Tác giả bài viết: Phương Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP