Chiều 23/7, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu làm việc với UBND thành phố, Công ty CP VSIP Cần Thơ và các sở, ngành, đơn vị liên quan về tiến độ triển khai dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu huyện Vĩnh Thạnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tập trung quyết liệt khâu giải phóng mặt bằng để trong tháng 9/2024 có thể bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với Sở Xây dựng ưu tiên triển khai nhanh khu tái định cư để bố trí cho người dân; phấn đấu đến cuối năm 2024 có được 300 nền để bàn giao cho các hộ dân đã được phê duyệt chính sách tái định cư.
Ông Nguyễn Văn Hiếu chỉ rõ, nếu không có tái định cư thì rất khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Trong khi chính những khu tái định cư sẽ là cơ sở để hình thành nên các khu đô thị mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của thành phố. Do đó, huyện Vĩnh Thạnh và các sở ngành cần tập trung cho vấn đề này.
Nhận định dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ là cơ hội để thành phố vừa công nghiệp hóa vừa đô thị hóa, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng việc tái định cư trong giai đoạn đầu nếu thực hiện tốt thì khi triển khai giai đoạn 2 sẽ rất thuận lợi.
Do đó việc xây dựng khu tái định cư phải đảm bảo chất lượng, là khu đô thị hiện đại, kiểu mẫu, tương đương như các khu dân cư thương mại để người dân có thể thụ hưởng các tiện ích, kinh doanh mua bán, phát triển dịch vụ, xem đây là cơ hội chuyển đổi công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân từ nông nghiệp lên đô thị.
Từ khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thì giá cát san lấp đã tăng gấp đôi. Theo tính toán của doanh nghiệp, với giá cát hiện nay, để san lấp hoàn thành toàn bộ diện tích hơn 293 ha của dự án thì nhà đầu tư phải bỏ ra thêm khoảng 800 tỷ đồng. Nếu như vậy thì VSIP phải tăng giá cho thuê đất lên 40 USD/m2 mới đủ bù chi phí.
Trước tình hình trên, Công ty CP VSIP Cần Thơ đã chủ động tìm nhiều nguồn thay thế; trong đó có tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện. Ông Vũ cho biết, vào tháng 5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản quy định tro xỉ là chất thải công nghiệp thông thường, cho phép VSIP sử dụng tại dự án này.
Bộ Xây dựng cũng có bộ quy chuẩn cho phép sử dụng loại vật liệu này trong các dự án hạ tầng. Hiện nay VSIP đang thực hiện đề xuất để xin sử dụng tro xỉ để san lấp thử nghiệm trên diện tích khoảng 10 - 15 ha và tiến hành theo dõi trong khoảng 3 - 6 tháng, sau đó sẽ báo cáo kết quả cụ thể về UBND thành phố và các bộ, ngành Trung ương.
Đáng chú ý, hiện đã có gần 20 doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất trong Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ với diện tích hơn 100 ha, vốn đầu tư các dự án khoảng 200 triệu USD. Do đó, VSIP mong muốn thành phố và các sở, ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn để nhanh chóng triển khai xây dựng hoàn thành hạ tầng của dự án.
Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ giai đoạn 1 với diện tích hơn 293 ha tại huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm - TTXVN |
Theo ông Phạm Duy Tín - Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Cần Thơ, dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ có 602 trường hợp bị ảnh hưởng thu hồi đất. Đến nay đã tổ chức chi trả cho 556 trường hợp với số tiền gần 1.050 tỷ đồng, còn lại 46 trường hợp chưa nhận tiền.
Đối với 46 trường hợp đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhưng người dân chưa đồng ý nhận tiền, có 19 trường hợp đồng ý giao mặt bằng khi dự án cần và 27 trường hợp chưa đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án.
Cơ quan chức năng đã tổ chức 6 đợt bàn giao mặt bằng ngoài thực địa cho chủ đầu tư tổng số 455/602 trường hợp với diện tích 254,45 ha (đã bao gồm 18,18 ha đất công cộng). Vừa qua, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố phối hợp cùng Công ty CP VSIP Cần Thơ và chính quyền địa phương vận động 16 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, đồng ý bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện dự án với tổng diện tích 12,69 ha.
Tính đến nay đã có 471/602 trường hợp đã bàn giao mặt bằng với diện tích 267/293,7 ha đạt 90,96%, còn lại 131 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Một khó khăn mà dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang gặp phải là khu tái định cư cho dự án chưa hoàn thành nên chưa có nền để giao cho các hộ dân đã được phê duyệt chính sách tái định cư.
Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được UBND thành phố Cần Thơ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án vào ngày 25/10/2022. Dự án được thực hiện bởi 3 nhà đầu tư: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – Công ty cổ phần, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, với diện tích giai đoạn 1 là 293,7 ha với tổng vốn đầu tư 3.717 tỷ đồng (tương đương gần 160 triệu USD).
Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Tác giả: Thanh Liêm
Nguồn tin: bnews.vn