Thể thao

Không thành công ở nước ngoài, Công Phượng và Tuấn Anh vẫn sẽ dự AFF Cup?

Đội tuyển Việt Nam rơi vào bảng tương đối “dễ thở” ở AFF Cup 2016. Vấn đề còn lại là chúng ta sẽ chuẩn bị lực lượng như thế nào cho giải đấu ấy, với câu hỏi lực lượng của đội tuyển sẽ dựa trên phong độ hay dựa trên tên tuổi?

Sở dĩ phải đặt ra câu hỏi vừa nêu bởi đấy là chủ đề liên quan đến chuyện nhóm 3 cầu thủ xuất thân từ HA Gia Lai hiện đang thi đấu ở nước ngoài, gồm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường xứng đáng hay không xứng đáng lên tuyển?

Nếu chỉ dựa vào phong độ, cả 3 cầu thủ nói trên đều hầu như không chửng tỏ được gì nhiều trong màu áo mới, ở các CLB nước ngoài. Thành ra, nói về phong độ họ không xứng đáng được khoác áo đội tuyển Việt Nam vào lúc này.

Tuy nhiên, bất chấp phong độ thì cả Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng vẫn được xem là trụ cột của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng. Những cầu thủ ấy nghiễm nhiên có suất ở đội tuyển quốc gia chủ yếu dựa vào tên tuổi, dựa vào sự nổi tiếng, khả năng thu hút khán giả, hơn là khả năng chuyên môn, tính cho đến thời điểm hiện tại.

Công Phượng và Tuấn Anh gần như sẽ chắc suất dự AFF Cup 2016, bất chấp phong độ?

Có Tuấn Anh, Xuân Trường và nhất là Công Phượng, đội tuyển Việt Nam tự nhiên sẽ có sức hút hơn trong một bộ phận khán giả trẻ. Có các cầu thủ xuất thân từ HA Gia Lai, khâu tiêu thụ vé của đội tuyển cũng sẽ tốt hơn.

Đấy cũng chính là lý do mà người ta từng đặt ra nghi vấn dưới thời HLV Miura, khi HLV người Nhật phải cất Công Phượng ở nhà, không mang cầu thủ này đến dự vòng loại World Cup 2018, mà để anh đá trận giao hữu với U23 Việt Nam với Myanmar tại Quảng Ninh, để BTC chủ nhà bán vé?

Mặt khác, cho dù nhóm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hầu như không được thi đấu đúng nghĩa trong màu áo các đội bóng Mito Hollyhock, Yokohama FC (Nhật) và Incheon United (Hàn Quốc), nhưng họ sẽ có suất đá chính ở đội tuyển quốc gia vì yêu cầu phải sự thay đổi so với thời HLV Miura.

Sở dĩ cấp trên của HLV Miura không tiếp tục để vị HLV người Nhật ngồi lại ghế HLV đội tuyển Việt Nam vì sức ép phải thay đổi lối đá cho đội tuyển. Đấy là thay đổi từ lối chơi thiên về sức mạnh dưới thời HLV Miura, sang một lối chơi khác, thiên về kỹ thuật nhiều hơn, phối hợp nhóm nhỏ nhiều hơn.

Thành ra, HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng đứng trước yêu cầu phải xây dựng lối chơi đấy, để cho cấp trên của ông Thắng thấy rằng, ông đang thổi vào đội tuyển lối chơi khác so với người tiền nhiệm. Và Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường được cho là phù hợp nhất với lối đá nhỏ vừa nêu (hay chí ít là họ được quảng cáo như thế).

Thực tế là từ khi HLV Nguyễn Hữu Thắng lên nắm đội tuyển, Xuân Trường và Tuấn Anh hầu như luôn có suất đá chính ở hàng tiền vệ, bất chấp phong độ của chính họ và bất chấp đối thủ là ai.

Riêng Công Phượng cho đến giờ chưa được như Tuấn Anh, Xuân Trường vì thật ra anh chấn thương liên miên trong thời gian đội tuyển tập trung, cho dù nhiều người cũng đoán được rằng kiểu gì cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo của bầu Đức cũng có suất đá chính ở hàng tiền đạo.

Dĩ nhiên, đội tuyển vẫn cần một số cầu thủ nòng cốt để HLV Hữu Thắng xây dựng bộ khung về nhân sự và hình thành lối chơi. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường giờ đang thuộc nhóm nòng cốt ấy.

Chỉ có điều phong độ của họ như thế nào khi về khoác áo đội tuyển vẫn là dấu hỏi lớn? Khả năng thực của họ đến đâu trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, trước các đối thủ có chất lượng sẽ xuất hiện tại AFF Cup vào cuối năm nay vẫn là vấn đề còn nhiều mơ hồ? - Một khi họ vẫn không được thi đấu thường xuyên trong màu áo CLB như bây giờ.

Vấn đề khác, có thể phát sinh ở chỗ đội tuyển càng dành nhiều sự ưu ái cho nhóm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thì càng dễ gây tâm lý bất lợi đối với các cầu thủ khác, những người đang phấn đấu hàng tuần ở CLB chủ quản, cố gắng thi đấu tốt ở giải quốc nội, vẫn có nguy cơ mất chỗ trong đội tuyển quốc gia, vào tay những người phong độ kém, nhưng có lợi thế là quá nổi tiếng.

Tác giả bài viết: Kim Điền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP